EVN thêm thẩm quyền, cần cơ chế giám sát điều chỉnh giá điện

Thẩm quyền điều chỉnh giá điện của EVN được nới rộng lên 5%, chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp giá điện vận hành gần hơn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc giám sát điều chỉnh giá điện cũng cần được triển khai tốt để đảm bảo tính minh bạch, hay nói cách khác là giá điện có tăng – có giảm.

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng về tờ trình dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Đáng chú ý, dự thảo quy định ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và hơn 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

EVN thêm thẩm quyền điều chỉnh giá điện

Đây là điểm mới so với trước khi Quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3 đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy vậy, ở cơ chế lần này, sau khi các cấp, gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Giá điện có thể tăng trong lần điều chỉnh sắp tới.

Theo nhiều chuyên gia, nếu quy định mới được thông qua điều này sẽ giúp EVN chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá điện. Đặc biệt, cùng với quy định điều hành 3 tháng/lần, giá điện sẽ sát thị trường hơn.

Trao đổi với VnBusiness, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đánh giá việc trao thêm thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện cho EVN là tốt, vì Bộ Công Thương có rất nhiều việc, nếu cứ dồn hết việc lên cơ quan này thì rất khó làm tốt. Hơn nữa, việc trao quyền cho doanh nghiệp quyết định sẽ giúp EVN chủ động, cũng như chịu trách nhiệm tốt hơn.

Theo TS. Thịnh, đây cũng là động thái từng bước đưa giá điện tiệm cận với cơ chế thị trường. “Chúng ta cần tính tới bài toán Nhà nước quản lý cái gì và không quản lý cái gì trong ngành điện. Việc để cho doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn, sát với kinh tế thị trường".

Tuy vậy, TS. Thịnh cũng cho rằng việc trao thêm thẩm quyền cũng cần đồng nghĩa có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, minh bạch để đảm bảo quyền lợi của người dùng.

Thực tế, dự thảo của Bộ Công Thương đã sửa đổi nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện hiện hành, thì EVN phải thực hiện giảm giá điện.

Do vậy, việc có cơ chế giám sát để EVN điều chỉnh giảm giá điện là rất quan trọng. “Nếu chi phí đầu vào giảm thì giá điện cần phải giảm, đảm bảo tính tăng – giảm của giá điện”, ông Thịnh cho biết.

Tại dự thảo trên, một điểm mới của dự thảo là ngoài Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng đề xuất các bộ ngành liên quan phối hợp điều hành, cơ quan thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24, Bộ Tài chính từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại dự thảo Quyết định và bỏ nội dung “EVN gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính”. Thay vào đó, Bộ này chỉ phối hợp trong trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn.

Quan trọng cần cơ chế giám sát minh bạch

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính nhưng cụ thể vai trò của Bộ này là “cơ quan quản lý Nhà nước về giá”. Đồng thời, Bộ Công Thương quy định rõ trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô.

Hiện, điều này cũng có một số ý kiến trái chiều. Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, cho rằng việc giao cho nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đến khi xảy ra vấn đề thì không dễ quy trách nhiệm.

Ông Lâm nêu quan điểm nên giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Vì vậy, việc điều hành giá điện nên giao cho Bộ Công Thương, khi có biến động bất thường có thể phối hợp với các Bộ ngành khác.

Ở một quan điểm khác, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một mình Bộ Công Thương không thể quản lý hết. Những vấn đề về quản lý chi phí kinh doanh, các khoản chi nên để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giám sát; trong khi Bộ Tài chính giám sát việc điều chỉnh giá điện, mặt bằng giá cả ảnh hưởng ra sao khi giá điện thay đổi.

“Tôi cho rằng việc phân rõ trách nhiệm trong điều chỉnh giá điện là phù hợp, bởi sẽ đúng với chuyên môn hơn là việc Bộ Công Thương quản hết. Quan trọng là cơ chế phối hợp giữa các bên cần rõ ràng, minh bạch”, ông Thịnh nói.

Trong khi cơ chế điều chỉnh giá điện đang tiếp tục được bàn thảo, thì trong thời gian tới có thể giá điện sẽ tiếp tục tăng thêm lần nữa. Hiện, EVN đang tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân 2024 để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Các phương án cụ thể vẫn đang được hoàn thiện nhưng nhiều dự báo cho thấy, với tình hình tài chính của EVN như hiện nay, giá điện có thể sẽ tiếp tục tăng trong lần điều chỉnh sắp tới.

Nhiều khách hàng cũng cho rằng điều họ cần nhất ở ngành điện là phải minh bạch và thị trường cạnh tranh hơn. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp Deep C nói rằng, điều doanh nghiệp cần nhất là nguồn điện ổn định và có thể được mua từ nhiều nguồn, thay vì chỉ mua thông qua EVN.

“Tôi thấy rằng nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền thêm nếu có nguồn điện ổn định, sạch. Tuy cơ chế mua bán trực tiếp là giải pháp nhưng vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa biết quá trình triển khai như thế nào, cũng như quá trình triển khai ra sao”, ông Bruno Jaspaert nêu vấn đề.

Có thể thấy, một khi thị trường cạnh tranh hơn, việc điều chỉnh giá điện cũng dễ dàng hơn, khách hàng được chọn mức mà mình cho rằng hợp lý nhất.

Ông Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Giá điện là một bài toán phải cắt biến số, không có quá nhiều ẩn số, không có quá nhiều biến số không chính xác và không thể giải được. Việc đầu tiên, các biến số trong bài toán này phải rõ ràng. Nếu một yếu tố nào đó méo mó, nó có thể dẫn tới chúng ta giải sai bài toán này. Điều quan trọng là biến số giá điện phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng.

PGS. TS. Trần Văn Bình

Đại học Bách khoa Hà Nội

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần thay vì 6 tháng hoặc điều chỉnh giá điện giảm ngay khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành… về lý thuyết sẽ đưa thị trường điện bước “một chân” vào cơ chế cạnh tranh. Như vậy, vào mùa nước lũ, thủy điện nhiều, giá bán lẻ điện bình quân sẽ giảm, từ đó EVN phải giảm giá bán điện cho hộ tiêu dùng, doanh nghiệp. Ngược lại, khi giá tăng, EVN sẽ tăng. Nếu vận hành đúng, thị trường điện sẽ đi đúng hướng, không có chuyện EVN than lỗ như thời gian qua.

Ông Đặng Hoàng An

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt, đặc biệt là đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống. EVN cũng phấn đấu cân bằng tài chính; bảo đảo việc làm đời sống người lao động; Chống tham nhũng, tiêu cực, tăng trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Tập đoàn đang tập trung sửa đổi nề nếp làm việc, sửa đổi, thay thế các quy chế, quy định quản lý nội bộ theo hướng tăng mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền gắn với trách nhiệm; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, đảng viên, người lao động; trách nhiệm nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/evn-them-tham-quyen-can-co-che-giam-sat-dieu-chinh-gia-dien-1098669.html