'EVN cam kết không cắt, tiết giảm điện ở miền Nam trừ khi có sự cố đột xuất, đặc biệt'

Ông Cao Quang Quỳnh, thành viên hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khẳng định: 'EVN cam kết không cắt, tiết giảm điện ở miền Nam trừ khi có sự cố đột xuất, đặc biệt'. Đây là thông tin được ông Quỳnh khẳng định tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về cung ứng và giải pháp tiết kiệm điện, ngày 24/5.

'EVN cam kết không cắt, tiết giảm điện ở miền Nam trừ khi có sự cố đột xuất, đặc biệt'

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết từ nay đến hết tháng 6/2023, vận hành điện sẽ còn khó khăn do nước về các hồ thủy điện thấp, trong đó có hồ thủy điện Trị An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cấp điện. Tuy nhiên, ngành điện sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có cả mua điện giá cao để đảm bảo cung ứng điện.

Để tháo gỡ khó khăn, EVN kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể người dân thực hành tiết kiệm điện. Mức đề xuất cụ thể của EVN với tỉnh Đồng Nai là 2% đối với khách hàng tiêu thụ điện lớn (trên 3 triệu KWh/tháng); 50% điện chiếu sáng công cộng; 10% đối với các cơ quan, đơn vị (trừ bệnh viên, trường học)…

Trước kiến nghị của EVN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, cho rằng các chỉ tiêu EVN đề xuất cơ bản phù hợp với kế hoạch, chỉ tiêu của tỉnh. Riêng chỉ tiêu tiết kiệm 2% điện đối với khách hàng lớn cần xem xét lại, bởi lúc này phải ưu tiên nguồn điện cho sản xuất công nghiệp, các đối tượng ưu tiên sử dụng điện của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị EVN làm việc với Bộ Công Thương, các bộ, ngành thống nhất và có hướng dẫn về thủ tục tháo gỡ vướng mắc cho điện mặt trời tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tăng sản lượng điện.

Ở một diễn biến khác có liên quan, mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có phản hồi trước đề nghị của EVN về việc ngừng toàn bộ nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, để nhường khí cho sản xuất điện từ nay hết tháng 5, sau đó là ưu tiên nhường khí cho đến hết tháng 6.

PVN cho rằng chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.

Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm.

“Ngoài ra, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia”, PVN nêu ý kiến.

Minh Đức

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/evn-cam-ket-khong-cat-tiet-giam-dien-o-mien-nam-tru-khi-co-su-co-dot-xuat-dac-biet-20180504224284752.htm