Eurozone nâng lãi suất lên cao nhất 22 năm, điều chỉnh tăng dự báo lạm phát

Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời báo hiệu một đợt tăng lãi suất khác vào tháng tới, bất chấp tín hiệu kinh tế khu vực bị suy thoái nhẹ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7/2023. Ảnh: AFP

Có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7

Tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 15/6 đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau 8 cuộc họp chính sách liên tiếp, tính từ tháng 7 năm ngoái.

Động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa lãi suất khu vực lên 3,5%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2001.

Với động thái này, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ngược dòng so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan đã quyết định dừng chiến dịch tăng lãi suất vào ngày 14/6 sau 10 lần tăng liên tiếp.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, cho biết một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 7 là điều “rất có thể xảy ra”.

"Chúng tôi không nghĩ đến việc tạm dừng (tăng lãi suất - BTV)", bà Lagarde nói với báo chí, đồng thời nhắc lại quan điểm trước đây của mình rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn "xem xét rất nhiều thông tin" để đưa ra mức lãi suất có sức kiềm chế lạm phát.

Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương châu Âu, lạm phát đã giảm nhưng dự báo sẽ duy trì ở mức rất cao trong thời gian dài.

Chỉ số giá tiêu dùng của Eurozone trong tháng 5 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022) khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt.

Mặc dù lạm phát đã giảm bớt, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu và ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về áp lực giá cả.

Lương tăng đi kèm nỗi lo lạm phát

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả hai mặt hàng biến động mạnh như năng lượng và lương thực), đồng thời lưu ý đến những diễn biến tăng giá bất ngờ và thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ.

Lạm phát cơ bản của Eurozone dự kiến sẽ đạt 5,1% trong năm 2023, cao hơn mức 4,6% được dự báo hồi tháng 3.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng tăng lương là căn nguyên chính khiến cơ quan này phải điều chỉnh tăng dự báo lạm phát, đơn cử mức lương trung bình quý I đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sản lượng kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ, cho nên chi phí trên mỗi công nhân tăng lên và buộc các công ty phải tăng giá để bù chi phí.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã xuống mức thấp lịch sử 6,5% trong tháng 4. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết cơ quan này đã thảo luận sâu về thị trường lao động tại cuộc họp vừa qua và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường này.

Bất chấp thị trường việc làm khan hiếm, giá cả và lãi suất cùng tăng lên đang gây thiệt hại ngày càng lớn cho Eurozone, nền kinh tế vốn đã suy giảm nhẹ vào đầu năm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đang kỳ vọng tăng trưởng của Eurozone sẽ đạt 0,9% trong năm 2023, giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 3.

Các đợt tăng lãi suất trong thời gian qua đang dần thẩm thấu vào nền kinh tế Eurozone. "Chi phí đi vay tăng cao và tốc độ tăng trưởng cho vay đang chậm lại", Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết. Điều đó có thể thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu sớm tạm dừng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự đoán lạm phát khu vực sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau tháng 7.

"Chúng tôi cho rằng, ECB sẽ đưa ra hai đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 7 và tháng 9, nâng lãi suất tiền gửi lên 4%, mức lãi suất mà chúng tôi nghĩ sẽ là cuối cùng", ông Claus Vistesen, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics, dự đoán.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/eurozone-nang-lai-suat-len-cao-nhat-22-nam-dieu-chinh-tang-du-bao-lam-phat-d192062.html