EU nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng kỷ lục từ Nga

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhập khẩu khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Nga trong năm nay, bất chấp khối này đang hướng đến mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Một kho cảng LNG ở cảng Zeebrugge của Bỉ, nước nhập khẩu khối lượng lớn LNG từ Nga. Ảnh: Alamy

Theo phân tích của tổ chức phi chính phủ Global Witness, trong 7 tháng đầu năm nay, Bỉ và Tây Ban Nha là những nước mua LNG lớn thứ hai và thứ ba của Nga, chỉ sau Trung Quốc. Tính tổng thể, nhập khẩu khí siêu lạnh của EU trong 7 tháng đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, trước khi Nga đưa quân qua biên giới Ukraine.

Nhập khẩu LNG tăng vọt là do hiệu ứng nền tảng thấp vì trước chiến sự Ukraine, EU phụ thuộc vào khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga và chỉ mua một lượng LNG không đáng kể từ thị trường nước ngoài.

Phân tích của Global Witness, dựa trên dữ liệu từ hãng nghiên cứu Kpler, cho thấy EU đang nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn khoảng 1,7% so với thời điểm khối này nhập khẩu khí siêu lạnh của Nga đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Theo dữ liệu của Kpler, LNG của Nga chiếm 21,6 triệu, tương đương 16%, trong tổng số 133,5 triệu mét khối LNG nhập khẩu của EU (tương đương 82 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên) trong 7 tháng đầu năm. Con số này đưa Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ.

Global Witness cho biết, chi phí LNG nhập khẩu của EU trong 7 tháng đầu năm theo giá thị trường giao ngay lên tới 5,29 tỉ euro.

“Thật sốc khi các nước ở EU đã nỗ lực rất nhiều để loại bỏ khí đốt hóa thạch của Nga vận chuyển qua đường ống, để rồi thay thế bằng loại khí đốt tương tự được vận chuyển bằng đường biển. Dù khí đốt đến từ đường ống hay tàu, thì cũng đồng nghĩa rằng các công ty châu Âu đang gửi hàng tỉ đô la vào ngân sách quân sự của Tổng thống Vladimir Putin”, Jonathan Noronha-Gant, nhà vận động cấp cao của Global Witness, nói.

Hầu hết LNG mà EU nhập khẩu của Nga đến từ liên doanh Yamal LNG, nơi công ty Novatek (Nga) nắm giữ phần lớn cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Total Energies (Pháp), CNPC (Trung Quốc) và một quỹ đầu tư nhà nước của Trung Quốc. Liên doanh này được miễn thuế xuất khẩu nhưng phải chịu thuế thu nhập.

Cùng với việc mang lại hàng tỉ euro doanh thu cho Nga vào thời điểm EU tiếp tục thắt chặt chế độ trừng phạt đối với Moscow, mức nhập khẩu lớn đối với LNG của Nga khiến EU có thể đối mặt rủi ro nếu Điện Kremlin đột ngột quyết định cắt giảm nguồn cung LNG giống như đã làm khí đốt vận chuyển qua đường ống hồi năm ngoái.

Theo Alex Froley, nhà phân tích LNG cấp cao tại hãng tư vấn ICIS, những khách hàng ở châu Âu sẽ tiếp tục tiếp nhận LNG từ Nga theo các hợp đồng mua dài hạn “trừ khi bị các chính trị gia cấm”. Ông nói thêm, một lệnh cấm nhập khẩu của EU sẽ gây ra một số gián đoạn trong hoạt động vận chuyển vì mô hình thương mại LNG toàn cầu sẽ cần phải được sắp xếp lại.

Bỉ nhập khẩu khối lượng lớn LNG của Nga vì cảng Zeebrugge của nước này là một trong số ít điểm chuyển giao LNG của châu Âu từ các tàu chở LNG hạng phá băng hoạt động ở vùng cao Bắc bán cầu sang các tàu chở hàng thông thường.

Các nhà phân tích cho biết, Công ty Natology của Tây Ban Nha và Total của Pháp cũng đang tiếp tục ký các hợp đồng mua số lượng lớn LNG của Nga.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách EU kêu gọi các công ty châu Âu không mua LNG của Nga. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera, người đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, nói rằng khối này nên trừng phạt LNG của Nga.

Kadri Simson, Cao ủy năng lượng của EU, cũng cho rằng EU “có thể và nên loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga càng sớm càng tốt, đồng thời vẫn chú ý đến an ninh nguồn cung”.

Các quan chức EU đã đặt ra nỗ lực tổng thể nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, nhưng cảnh báo rằng, lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu LNG từ Nga có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng giống như năm ngoái khi giá khí đốt của EU đạt mức cao kỷ lục hơn 300 euro/megawatt giờ.

Một quan chức cho biết, dù các điểm trữ khí đốt ở châu Âu đã đầy hơn 90% trước mùa đông nhưng vẫn có “rất nhiều lo ngại” nếu nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm.

Hồi tháng 3, các bộ trưởng năng lượng EU đã đưa đề xuất cho phép các chính phủ trong khu vực cấm các công ty Nga và Belarus đăng ký công suất ở cơ sở hạ tầng LNG của EU trong một nỗ lực tìm ra cách hợp pháp để ngăn chặn nhập khẩu nhiêu liệu siêu lạnh từ hai nước này.

Nhưng trước khi có hiệu lực, đề xuất này trước tiên cần phải được đàm phán và thông qua tại Nghị viện châu Âu.

Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nhận định rủi ro các chính phủ châu Âu phải ra lệnh đóng cửa ngành công nghiệp vì thiếu khí đốt trong mùa đông này là “gần như bằng không”.

Tuy nhiên, Gloystein cho rằng EU cần phải giảm mức tiêu thụ khí đốt một cách có hệ thống từ 10 đến 15%, nếu không, khu vực này có nguy cơ lặp lại cuộc đua tìm kiếm nguồn cung hàng năm.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-nhap-khau-khi-tu-nhien-hoa-long-ky-luc-tu-nga/