EU là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với nông sản Việt Nam

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), khẳng định EU là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020-1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa.

Chiều 8/9 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chuyên đề: Tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) trong bối cảnh mới.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường EU. Ảnh: Hải Anh

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường EU. Ảnh: Hải Anh

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), đã thông tin về việc sử dụng công cụ hỗ trợ phân tích thị trường và tận dụng lợi thế FTA. Trong đó, tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới.

Qua 3 năm thực thi EVFTA (1/8/2020-1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. EU là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt được bày bán tại siêu thị ở Hà Lan. Ảnh: CTV

Nông sản Việt được bày bán tại siêu thị ở Hà Lan. Ảnh: CTV

Mặc dù vậy, ông Minh Lăng cũng cảnh báo, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.

Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Trước thực tế đó, để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ông Minh Lăng cho rằng, doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.

Để tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA, thì các doanh nghiệp nông sản cần phải nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cần phải nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thỏa thuận xanh. Đối với các sản phẩm xuất khẩu thì doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ các quy định an toàn thực phẩm của EU.

Đến thời điểm này, thị trường EU vẫn là thị trường rộng, nhiều dư địa đối với doanh nghiệp Việt. Để xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU như tiêu, điều, cà phê thì cần phải lưu ý tới từ vùng sản xuất, vùng trồng phải là vùng trồng hợp pháp, chất lượng phải được kiểm soát, xanh sạch, thân thiện với môi trường.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/eu-la-thi-truong-con-nhieu-tiem-nang-doi-voi-nong-san-viet-nam-135444.html