EU: Hướng tới sự công bằng về lương dựa trên giới tính

Trên khắp Liên minh châu Âu, khoảng cách về lương theo giới tính vẫn tồn tại nhiều năm qua và ở mức khoảng 13%, với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia thành viên. Để giải quyết tình trạng đáng buồn đó, các nhà chức trách châu Âu đã cùng nhau vào cuộc.

Hành động của 3 cơ quan hàng đầu châu Âu

Trả lương bình đẳng cho công việc như nhau là một trong những nguyên tắc thành lập của Liên minh châu Âu, được ghi trong Điều 157 của Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU). Tuy nhiên, việc triển khai và thực thi nguyên tắc này vẫn còn là thách thức. Do thiếu minh bạch về lương, sự phân biệt đối xử liên quan đến nó thường ít bị phát hiện, gây khó khăn cho yêu cầu bồi thường.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Ngày 4.3.2021, Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất pháp lý về các biện pháp minh bạch mang tính ràng buộc trong thanh toán lương. Chỉ thị được đề xuất nhằm tăng cường áp dụng nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc như nhau hoặc công việc có giá trị ngang nhau giữa nam và nữ thông qua các cơ chế tập trung vào những biện pháp bảo đảm minh bạch về lương và tiếp cận công lý tốt hơn cho các nạn nhân bị phân biệt. Hội đồng châu Âu nhất trí với đề xuất vào ngày 6.12.2021. Đến 5.4.2022, Nghị viện châu Âu biểu quyết xác nhận nhiệm vụ đàm phán của ủy ban hỗn hợp đối với đề xuất nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán ba bên không chính thức với Hội đồng châu Âu. Các cuộc đàm phán giữa 3 cơ quan châu Âu bắt đầu vào ngày 30.6. Sau năm cuộc họp ba bên, thỏa thuận liên quan đến đề xuất đã đạt được vào ngày 15.12.2022. Nghị viện châu Âu sau đó thông qua văn bản trên trong phiên họp toàn thể vào ngày 30.3.2023 và đến 24.4, Hội đồng châu Âu cũng chính thức bật đèn xanh.

Chỉ thị được đăng trên Tạp chí Chính thức vào ngày 17.5.2023 và phải được các quốc gia thành viên chuyển thành luật quốc gia trước ngày 7.6.2026.

Các nội dung nổi bật của Chỉ thị

Theo Chỉ thị, cấu trúc lương phải dựa trên tiêu chí không phân biệt giới tính, bảo đảm lương được xác định mà không có định kiến hay phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Yêu cầu quan trọng này nhằm loại bỏ các khoảng cách lương hiện tại và bảo đảm rằng mọi cá nhân nhận được sự công bằng, không thiên vị về mức lương cho công việc tương đương. Thêm vào đó, luật trên của EU cũng yêu cầu thông báo vị trí tuyển dụng và chức danh công việc phải không phân biệt giới tính, tạo điều kiện công bằng trong việc tiếp cận cơ hội việc làm cho các cá nhân thuộc mọi giới tính.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về mức lương ban đầu hoặc phạm vi của nó trong vị trí tuyển dụng hoặc trước khi phỏng vấn việc làm. Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ không còn được phép hỏi người xin việc về lịch sử trả lương của họ. Về phần mình, người lao động sẽ có quyền yêu cầu thông tin từ người sử dụng lao động về mức lương cá nhân và mức lương trung bình của họ, được chia theo giới tính, đối với các loại lao động thực hiện công việc có giá trị ngang nhau. Quyền này sẽ tồn tại cho tất cả lao động, bất kể quy mô của doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có ít nhất 250 lao động sẽ phải công bố thông tin về khoảng cách tiền lương giữa lao động nữ và lao động nam. 5 năm sau khi chuyển đổi Chỉ thị, ngưỡng cho nghĩa vụ này được hạ xuống đối với các công ty có 100 nhân viên trở lên.

Nếu báo cáo cho thấy chênh lệch tiền lương theo giới tính ít nhất là 5%, người sử dụng lao động sẽ phải tiến hành đánh giá tiền lương chung với sự hợp tác của đại diện người lao động. Các quốc gia thành viên EU sẽ phải đưa ra các hình phạt hiệu quả, tương xứng và có tính răn đe, chẳng hạn như phạt tiền, đối với những người sử dụng lao động vi phạm quy tắc. Người lao động bị thiệt hại sẽ có quyền yêu cầu bồi thường. Lần đầu tiên, sự phân biệt đối xử giữa các cộng đồng trong luật pháp châu Âu và quyền của những người phi nhị giới (những người mang tâm lý tự nghi hoặc giới tính của bản thân, lúc thì tự cho rằng mình là nam, lúc khác thì lại tự cho mình là nữ) đã được đưa vào phạm vi của các quy tắc mới trong Chỉ thị. Đây sẽ là những tình tiết tăng nặng khi xác định hình phạt đối với hành vi gây bất bình đẳng thu nhập.

Các quy tắc quy định, việc trả lương bí mật bị cấm và bên sử dụng lao động không được phép có các điều khoản hợp đồng hạn chế người lao động tiết lộ tiền lương của họ hoặc tìm kiếm thông tin về cùng loại hoặc các loại tiền lương khác của người lao động. Điều này giúp người lao động so sánh mức lương của mình và nhận diện các khoảng cách lương giới tính có thể tồn tại trong nơi làm việc, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi để giải quyết các khoảng cách lương.

Một bước phát triển quan trọng khác trong Chỉ thị có thể kể đến là nghĩa vụ chứng minh liên quan đến lương sẽ chuyển từ người lao động sang người sử dụng lao động. Trước đây, người lao động phải cung cấp bằng chứng về tình trạng phân biệt đối xử, vốn thường là rào cản lớn khi họ muốn khởi kiện. Tuy nhiên, khi trọng trách chứng minh được đảo lại, luật pháp tạo điều kiện tiếp cận công lý cho người lao động bằng việc buộc nhà tuyển dụng phải chứng minh rằng không có sự phân biệt đối xử trong việc áp dụng nguyên tắc bình đẳng về lương.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/eu-huong-toi-su-cong-bang-ve-luong-dua-tren-gioi-tinh-i336169/