EU hân hoan vượt qua 'vũ khí' khí đốt của Nga, có chiêu cao tay hơn hay đơn giản chỉ nhờ may mắn?

Các quan chức cấp cao của EU tự tin khẳng định rằng, Nga đã thất bại khi dùng chiêu bài cắt nguồn cung khí đốt cho lục địa này.

Trong một báo cáo gửi các quốc gia thành viên EU vào tháng 3/2023, cơ quan quản lý năng lượng cho biết, khoảng 42% lượng khí đốt bị cắt từ Nga đã được thay thế bằng nguồn hàng nhập khẩu từ nơi khác. (Nguồn: Oilprice)

Trong một báo cáo gửi các quốc gia thành viên EU vào tháng 3/2023, cơ quan quản lý năng lượng cho biết, khoảng 42% lượng khí đốt bị cắt từ Nga đã được thay thế bằng nguồn hàng nhập khẩu từ nơi khác. (Nguồn: Oilprice)

Những lo ngại về tình trạng phải cắt điện luân phiên và suy thoái kinh tế ở châu Âu đã được ngăn chặn, bất chấp việc Nga cắt nguồn cung khí đốt tới lục địa này.

Năm ngoái, khi mùa Đông đến, Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo lắng khi nhìn vào các kho dự trữ khí đốt cạn kiệt của mình và chuẩn bị tâm lý cho những ngày lạnh giá, đầy thách thức phía trước.

Giá cả tăng vọt, các kế hoạch cắt điện luân phiên được vạch ra. Đã có nhiều nghi ngờ rằng liệu châu Âu có thể đứng vững qua mùa Đông khắc nghiệt, thiếu năng lượng từ Nga hay không.

Nhưng khi mùa Xuân đến, EU rõ ràng đang trong tâm trạng hân hoan khi đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất.

Kế hoạch khẩn cấp đã được gấp lại mà chưa cần thực hiện. Giá khí đốt giảm, nhiều bể dự trữ vẫn đầy hơn một nửa - mặc dù Nga đã giữ lại 34 tỷ mét khối khí đốt không cung cấp cho châu Âu như thông lệ hằng năm.

Các số liệu được công bố hôm 12/4 cho thấy, năng lượng gió và mặt trời đáp ứng một phần nhu cầu kỷ lục của EU vào năm ngoái, thúc đẩy việc thay thế khí đốt bằng năng lượng tái tạo.

Các nhà dự báo cho biết, tác động đối với nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, “ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại” và dự đoán mức thiệt hại có thể tăng nhẹ trong năm nay.

Ông Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô tại công ty giải pháp tài chính Equiti Capital có trụ sở ở London, cho biết: “Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng là khiến các nền kinh tế EU và Anh suy thoái nhẹ, đã tránh được suy thoái hoàn toàn”.

Giá khí đốt tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo tập đoàn công nghiệp UK Active, các cuộc đình công phản đối giá năng lượng tăng đã ảnh hưởng đến phần lớn châu Âu và khoảng 350 trung tâm giải trí ở Anh buộc phải đóng cửa hoặc giảm dịch vụ trong mùa Đông vừa qua.

Tuy nhiên, tuần qua, các quan chức cấp cao của EU tự tin khẳng định rằng, Nga đã thất bại khi dùng chiêu bài cắt nguồn cung khí đốt cho lục địa này.

Vậy châu Âu đã làm thế nào để không bị thiếu khí đốt và vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng một cách “ngoạn mục” như vậy?

Thời tiết ôn hòa

Giới chuyên gia nhận định, thời tiết mùa Đông ôn hòa là một điều may mắn với EU.

Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus, châu Âu đã trải qua mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử.

Ngay ngày đầu năm mới 2023, nhiệt độ đo được trên dãy Alps của Thụy Sỹ là 20°C, một con số cao chưa từng có trong lịch sử từ khi bắt đầu theo dõi khí hậu tại khu vực, trong khi Ba Lan chào năm nay với một ngày nắng nóng như mùa Hè. Ở Đức, nhiệt độ vẫn duy trì trên mức trung bình trong 5-6 tháng qua.

Tất cả những điều trên chắc chắn đã giúp các hộ gia đình dễ dàng hơn trong việc giữ ấm cho ngôi nhà của mình.

Tất nhiên, tin xấu là mùa Đông ôn hòa này được các nhà khoa học coi là điềm báo của tình trạng biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng thường xuyên có thể giúp tiết kiệm năng lượng vào mùa Đông nhưng lại có tác dụng ngược lại vào mùa Hè khi mọi người bật điều hòa ở nhiệt độ thấp hơn.

Đa dạng hóa nguồn cung

Trong một báo cáo gửi các quốc gia thành viên EU vào tháng trước, cơ quan quản lý năng lượng cho biết, khoảng 42% lượng khí đốt bị cắt từ Nga đã được thay thế bằng nguồn hàng nhập khẩu từ nơi khác.

Theo đó, Na Uy đã định vị mình là nhà xuất khẩu dầu khí hàng đầu sang châu Âu. Trong khi một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã được EU nhập khẩu từ Mỹ, sau khi Đức xây dựng kho cảng LNG đầu tiên trong vòng chưa đầy 200 ngày.

Năm 2022, nhập khẩu LNG của EU đã tăng lên 135 tỷ mét khối từ 80 tỷ mét khối một năm trước đó - với lượng nhập khẩu tăng từ Nga ngay cả khi khí đốt qua đường ống bị cắt.

Trong khi đó, nhu cầu LNG thấp hơn từ Trung Quốc, do các hạn chế liên tục để phòng dịch Covid-19 của nước này, đã giảm bớt áp lực nguồn cung lên thị trường.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cảnh báo, nếu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi vào nửa cuối năm 2023, điều này có thể đẩy giá khí đốt lên cao và hạn chế lượng hàng có sẵn cho mùa Đông tới.

Trong khi đó, theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, năng lượng gió và mặt trời đã đóng góp 22% điện năng của châu Âu vào năm ngoái, tăng từ 19% vào năm 2021. Nguồn năng lượng này cung cấp gần một phần ba nhu cầu ở Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Đức cũng kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện than và điện hạt nhân, với ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của nước này đã ngừng hoạt động vào ngày 15/4 vừa qua, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đóng cửa ban đầu (31/12/2022).

Hạn chế nhu cầu

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung, người châu Âu tìm cách tiết kiệm năng lượng bằng mọi cách, như việc giảm bóng điện thắp sáng, từ mặt tiền cửa hàng đến Cổng Brandenburg, vốn là biểu tượng chính của thành phố Berlin nước Đức.

Các hộ gia đình nhận được rất nhiều lời khuyến nghị từ cơ quan chức năng về việc giảm nhiệt độ sưởi ấm và sử dụng ít nước nóng hơn trong thời gian ngắn hơn.

Các số liệu của EU cho thấy, chiến dịch tiết kiệm đã thành công, điều này được cho rằng phần lớn là nhờ thời tiết ôn hòa.

Mức tiêu thụ khí đốt của khối này từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023 đã giảm 19,3% so với mức trung bình của 5 năm trước. Quốc gia tiết kiệm nhiều nhất là Phần Lan (57,3%), Lithuania (47,9%) và Thụy Điển (40,2%).

Điều này đã giúp châu Âu tích trữ được nhiều khí đốt hơn.

Cảng LNG Wilhelmshaven do Uniper SE vận hành tại Wilhelmshaven, Đức. (Nguồn: Bloomberg)

Cảng LNG Wilhelmshaven do Uniper SE vận hành tại Wilhelmshaven, Đức. (Nguồn: Bloomberg)

Các bể dự trữ của Đức gần như đầy hoàn toàn cho đến tận tháng 11 năm ngoái. Tính đến ngày 1/4 năm nay, các bể chứa này vẫn được lấp đầy 64% - so với 27% một năm trước đó.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định: “Nguồn cung cấp năng lượng của Đức đã được đảm bảo trong một mùa Đông khó khăn và sẽ tiếp tục được đảm bảo.

Chúng tôi kiểm soát tình hình do lượng khí dự trữ cao và các kho cảng LNG mới ở bờ biển phía Bắc đất nước, chưa kể đến việc có nhiều năng lượng tái tạo hơn”.

Niềm tin thị trường tăng

Giá tăng cao được thúc đẩy bởi những nghi ngờ về việc liệu châu Âu có thể sống mà không có khí đốt của Nga hay không.

Sau khi các thỏa thuận khí đốt mới được ký kết và rõ ràng là tình hình có thể không nghiêm trọng như lo ngại, thị trường sẽ “thư giãn” và giá bắt đầu giảm.

Ông Cole cho biết: “Tôi nghĩ rằng rất đáng ngạc nhiên về tốc độ đạt được các thỏa thuận này, bao gồm cả khả năng các nhà cung thay thế có thể xuất khẩu sang Anh và EU”.

Chuyên gia này nói thêm: “Mặc dù giá khí đốt thấp hơn so với trước đây, nhưng vẫn tương đối đắt. Nguồn cung cho Vương quốc Anh và EU chưa ở mức như trước, nhưng đủ để thị trường không còn lo sợ trước nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn”.

Niềm tin kinh doanh cũng đã phục hồi trở lại, với việc các nhà sản xuất ô tô Đức trong tháng này tuyên bố họ hài lòng với các đơn đặt hàng mới.

Ông Timo Wollmershaeuser thuộc viện nghiên cứu IFO cho biết, giá năng lượng giảm có nghĩa là sức mua ở Đức không bị ảnh hưởng nhiều như lo ngại.

Nhà nghiên cứu này nói: “Suy thoái kinh tế trong nửa mùa Đông năm 2022/2023 ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại”.

(theo The National News)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-han-hoan-vuot-qua-vu-khi-khi-dot-cua-nga-co-chieu-cao-tay-hon-hay-don-gian-chi-nho-may-man-223886.html