EU chuẩn bị cho việc Nga sẽ cắt thêm nguồn cung khí đốt

Hệ thống đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga sang Đức Nord Stream 2 ở Lubmin, Đông Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/6 cảnh báo rằng "năng lượng giá rẻ đã không còn nữa" và nhất trí tăng cường chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 23-24/6 đã thống nhất một số bước cụ thể và giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) tìm nhiều cách hơn để đảm bảo "nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng".

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế đang được tiến hành, với việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ năm nay tăng 75% so với năm ngoái và lượng khí đốt từ đường ống của Na Uy tăng 15%.

Bên cạnh đó, Chủ tịch EC vào tháng Bảy tới sẽ trình bày kế hoạch chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm nhiều hơn nguồn cung khí đốt.

Bà von der Leyen nhấn mạnh EC sẽ đưa ra các đề xuất và lựa chọn để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng 10 tới, bao gồm việc xem xét các thiết kế thị trường thay thế trong đó có khả năng tách khí đốt khỏi việc hình thành giá thị trường điện.

Theo các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU, giá cả tăng đột biến và tăng trưởng toàn cầu giảm là do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng hai.

Thủ tướng Latvia, Krisjanis Karins cho rằng khái niệm năng lượng rẻ đã không còn và khái niệm về năng lượng của Nga về cơ bản đã biến mất và các nước EU đang trong quá trình đảm bảo các nguồn thay thế.

Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt, riêng Đức là 55%.

Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga để lại một khoảng trống lớn khó để lấp đầy khi thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã chật hẹp.

Thêm vào đó, lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay với trên 8% và EC dự kiến tăng trưởng toàn khối sẽ giảm xuống 2,7% trong năm nay.

Trước đó, việc Đức tuyên bố báo động cấp hai về khủng hoảng năng lượng trong kế hoạch khẩn cấp của nước này đang khiến các nước châu Âu lo ngại về nguy cơ kinh tế Đức có thể gặp bất ổn do thiếu khí đốt và kéo theo nhiều hệ lụy cho các nước láng giềng Trong bài đăng ngày 24/6, trang tin NTV của Đức cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt và các hậu quả kinh tế khác của cuộc chiến Ukraine đã chi phối ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels.

Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đồng thời cho biết Đức đã rất nỗ lực điều chỉnh cơ sở hạ tầng cũng như chuyển hướng nhập khẩu khí đốt từ các nước khác. Tuy nhiên các nỗ lực này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, trong đó có việc mở rộng nguồn năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng bày tỏ lo ngại về tình hình năng lượng ở Đức sau khi nước này thừa nhận có thể phải cắt giảm một số hoạt động kinh tế vì không có đủ khí đốt. Cũng theo ông De Croo, Đức hiện là quốc gia duy nhất phải thừa nhận điều này và nó có thể gây ra hiệu ứng dây truyền ảnh hưởng manh mẽ đến tất cả các nước châu Âu khác.

Cùng ngày, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết nước này đã giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga từ mức 40% năm ngoái xuống 25% từ đầu năm tới nay trong bối cảnh Ý đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

Phát biểu trên phương tiện truyền thông của Ý tại Brussels sau khi hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc, ông Draghi cho biết để giảm sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung khí đốt Nga, Ý đã ký một thỏa thuận lớn với Algeria vào tháng 4 để tăng nguồn cung khí đốt.

Hiện nước này đang thảo luận với Qatar, Angola và Mozambique về vấn đề này. Ngoài ra, Thủ tướng Draghi cho biết hoạt động tích trữ khí đốt của nước này vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Nhà lãnh đạo Ý cho biết các biện pháp mà chính phủ nước này đưa ra nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu khí đốt khẩn cấp vào mùa đông.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/280107/eu-chuan-bi-cho-viec-nga-se-cat-them-nguon-cung-khi-dot.html