ESG và góc nhìn từ phía nhà đầu tư

Nếu như người tiêu dùng ngày càng chú ý đến yếu tố bền vững trong các sản phẩm sử dụng hàng ngày, thì các nhà đầu tư cũng ngày càng mong muốn tìm hiểu thêm về khái niệm ESG – môi trường (Environment), xã hội (Social), và quản trị (Governance). Doanh nghiệp được khuyến khích triển khai ESG nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản.

Chống tham nhũng nội bộ công ty cũng là một hạng mục quan trọng trong việc đánh giá ESG, không chỉ đơn thuần là đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến môi trường. Ảnh: Yên Minh

Đưa ESG vào để cân nhắc đầu tư

Cứ khoảng 3 trong 5 người muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững, trong đó có khoảng 40% cho biết đã có các khoản đầu tư bền vững trong danh mục của mình, theo khảo sát về nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN, trong đó tập trung ở thị trường Việt Nam, của Ngân hàng UOB, vừa công bố hồi đầu tháng 11.

Với khoảng 50% số mẫu thu thập được định vị là có thu nhập từ 30 triệu đồng mỗi tháng trở lên, có 92% người tham gia khảo sát trên cho rằng đầu tư bền vững sẽ trở thành một cách đầu tư phổ biến hơn trong vòng 3-5 năm tới, có 58% cho biết sẽ xem xét việc đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của mình. Kết quả khảo sát năm nay tiếp tục làm đậm thêm nghiên cứu năm ngoái của UOB, cho thấy rằng hoạt động đầu tư gắn với bền vững đang dần trở thành một xu hướng mới trong cuộc sống.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM), cho biết ngày này giới trẻ thường mua sắm theo xu hướng mới, theo dõi bạn bè cùng lứa và có cộng đồng riêng, đầu tư cũng không ngoại lệ.

“Sự quan tâm của thế hệ trẻ đến các sản phẩm đầu tư đang tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Danh mục đầu tư của chúng tôi cũng đưa vào yếu tố đánh giá ESG trong quá trình lựa chọn cổ phiếu đầu tư để đảm bảo thành quả đầu tư mang tính bền vững và lâu dài”, bà Lệ thông tin thêm.

UOBAM Việt Nam gần đây cũng ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF), chỉ tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, tiềm năng trưởng tốt và xếp hạng ESG cao. Theo bà Lệ, trong thời gian tới quỹ sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm đầu tư mới, không chỉ giới hạn ở tài sản là cổ phiếu mà còn là các tài sản thu nhập cố định, chú trọng tính bền vững trong quy trình đầu tư.

Trong khi đó, sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) có bộ chỉ số phát triển bền vững (VNSI) nhằm “định hướng cơ bản” các chuẩn phát triển bền vững cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng giúp các nhà đầu tư, trong đó có cá nhân, xác định các đặc điểm “xanh”. Trên thực tế, nhóm 20 cổ phiếu dẫn đầu về chỉ số này luôn nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư, khi vượt trội về số lượng trong các danh mục đầu tư của quỹ.

Thực trạng quản trị tại Việt Nam liên quan đến các công bố bền vững, theo khảo sát của PwC Việt Nam (2023).

Nếu như các nhà đầu tư cá nhân hiện mới chỉ “cân nhắc” đầu tư bền vững, thì câu chuyện của dòng vốn tổ chức lại khác hoàn toàn, gần như là sự bắt buộc.

Bà Megan Lawson, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc quốc gia ERM Việt Nam, chuyên tư vấn và dịch vụ quản lý tài nguyên môi trường, cho biết dòng vốn chủ yếu đến từ nước ngoài thì sẽ có yêu cầu nhất định liên quan đến ESG. “Để tiếp cận được nguồn vốn mở rộng hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn cao hơn, hiểu được thiếu hụt giữa tiêu chuẩn trong và ngoài nước và cùng các bên liên quan lấp đầy khoảng trống”, bà Megan chia sẻ tại sự kiện hội nghị khách hàng của Ngân hàng HSBC tổ chức hồi tháng 10 vừa qua.

Hiện nay, hầu như các quỹ đầu tư đặt yếu tố ESG trong chiến lược đầu tư của mình. Theo báo cáo đầu tiên về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của công ty quản lý quỹ VinaCapital công bố hồi giữa tháng 9, quỹ này nhấn mạnh về “chính sách đầu tư có trách nhiệm” được xây dựng từ nhiều năm trước, trong đó định nghĩa cách xem xét tích hợp các yếu tố ESG vào quy trình ra quyết định.

“VinaCapital còn hợp tác với các công ty trong danh mục đầu tư và giúp họ nâng cao năng lực thực hành ESG bằng cách gửi thư đề xuất thiết lập các chiến lược ESG rõ ràng và khuyến khích triển khai các sáng kiến về ESG. Cho đến nay, VinaCapital đã hoàn tất việc đánh giá ESG cho 112 doanh nghiệp ở 10 lĩnh vực khác nhau trong danh mục đầu tư của công ty”, báo cáo có đoạn.

Còn nhiều vướng mắc về ESG

“Khách hàng chúng tôi nhận thức rõ về vấn đề ESG và môi trường, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc thực hành ESG như thế nào”, ông Brook Taylor, CEO của VinaCapital, cho biết tại hội nghị khách hàng của HSBC tổ chức hồi tháng 10 vừa qua.

Lãnh đạo của tập đoàn quản lý khối tài sản khoảng 4 tỉ đô la Mỹ tại thị trường Việt Nam cũng đánh giá nhìn chung trong câu chuyện phát triển bền vững, phản ứng của Việt Nam là tích cực và chính phủ có nhiều nỗ lực về mặt chính sách. Tuy nhiên, câu chuyện ESG còn nhiều vấn đề để bàn, chẳng hạn như yếu tố quản trị thường ít được nhắc đến hơn so với câu chuyện môi trường hay tác động xã hội.

Trên thực tế, các nhà đầu tư luôn thận trọng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam khi nhìn về yếu tố quản trị, phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của nước sở tại. Bản thân người đứng đầu công ty phải tuân thủ các quy định liên quan đến thuế, các luật liên quan và kể cả trong các quyết định kinh doanh.

Câu chuyện về dữ liệu và mức độ tin cậy của dữ liệu cũng không phải là vấn đề nhỏ, theo ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOBAM Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị thường niên Nhóm Thông lệ thị trường năm 2023 lần thứ 10 tại TPHCM hồi tháng 10, do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đồng tổ chức.

“Dữ liệu tài chính thì dễ làm, nhưng ESG thì phi tài chính nên sẽ cần đến dịch vụ của bên thứ ba để xác thực. Trên thực tế, hiện nay thị trường vẫn thiếu các chuẩn báo cáo, các chỉ số so sánh thậm chí là không thống nhất kể cả các công ty làm chung trong một ngành”, ông Hùng nói.

Theo báo cáo về ‘Mức độ cam kết ESG và thực hành Báo cáo phát triển bền vững” của hãng kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam, chỉ có 35% doanh nghiệp niêm yết đã đặt ra cam kết ESG, trong khi 58% có kế hoạch thực hiện trong 2-4 năm tới.

Thêm nữa, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết được nghiện cứu đều công bố mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%), nhưng chưa đến một nửa (48%) là có mục tiêu dài hạn (tức trên 5 năm) và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu Net Zero.

“Những thách thức chính khi triển khai ESG đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam là thiếu các quy định ESG rõ ràng và thiếu lãnh đạo ESG trong tổ chức để thúc đẩy cam kết”, báo cáo của PwC Việt Nam nhận định.

Các chuyên gia ESG cho rằng hiện nay thị trường có quá nhiều thông tin, dễ khiến các ông chủ doanh nghiệp cảm thấy bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Lời khuyên đa phần vẫn là tập trung cải thiện nhận thức, xây dựng lộ trình và tiến tới từng bước với tâm thế khích lệ sự chuyển đổi.

Điều này vẫn phải bắt đầu từ các quy định liên quan đến việc công bố thông tin, hệ thống phân loại rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ, nhưng thiết lập như thế nào là vấn đề lớn ngay cả ở các thị trường phát triển, nơi đòi hỏi ngày càng nhiều hơn câu chuyện “xanh”. Với người dùng, yếu tố đầu tiên là thông tin công bố phải đúng, không có chuyện “tẩy xanh”.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/esg-va-goc-nhin-tu-phia-nha-dau-tu/