El Salvador dập tắt các băng đảng và cái giá quốc gia này phải trả

Trong thời gian băng đảng MS-13 kiểm soát những khu phố tại Las Margaritas, người dân ở đây đã phải tuân thủ một loạt các luật lệ nếu muốn sống sót.

Họ không được mặc đồ có số 8 vì ký tự này có liên quan đến băng đảng 18th Street - đối thủ của băng MS-13. Họ không được đi những hãng giày mà các thành viên băng đảng sử dụng. Và họ không được phép gọi cảnh sát trong bất kỳ trường hợp nào.

Sandra Elizabeth Inglés, một người dân sống lâu năm tại khu vực này cho biết về các thành viên băng đảng: “Người dân ở đây không thể phàn nàn với cảnh sát bởi những lời đe dọa từ những tên xã hội đen. Trong xã hội này, chúng là người nắm quyền”.

El Salvador, quốc gia nhỏ nhất Trung Mỹ, từng được coi là trung tâm án mạng của phía Tây Bán cầu, với tỉ lệ án mạng cao nhất trên toàn thế giới ngoài các khu vực chiến tranh.

Nhưng trong một năm trở lại đây, sau khi Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa quân đội vào thành phố để dập tắt các băng đảng bạo lực, quốc gia này đã chuyển mình một cách đáng kinh ngạc.

Giờ đây, trẻ con đã có thể chơi bóng tới tối muộn trên những bãi trống từng là nơi tụ tập các băng đảng. Bà Inglés lấy đất trồng cây ở một khu vực cạnh tòa nhà bỏ hoang, nơi mà người dân ở đây đồn đại rằng là địa điểm các băng đảng thanh toán lẫn nhau.

Tỉ lệ giết người giảm mạnh. Các nhà phân tích cũng cho biết, những khoản tiền bảo kê các băng đảng áp đặt lên người dân và hộ kinh doanh ở đây, trước đó là một nền kinh tế thu nhỏ, cũng đã dần biến mất.

“Giờ đây, chúng tôi có thể đi lại thoải mái. Mọi thứ thay đổi quá nhiều”, bà Inglés nhận xét.

El Faro, nguồn tin số một tại El Salvador, đã khảo sát người xem tại quốc gia này đầu năm nay và đã đưa ra kết quả khảo sát đáng kinh ngạc: Các băng đảng nhìn chung không còn tồn tại nữa.

Nhưng theo các nhà phê bình, thành tựu mà quốc gia này đạt được đã đi kèm với một cái giá không thể tính được: một loạt các cuộc vây bắt đã bắt nhầm hàng ngàn người vô tội, quyền tự do dân sự xói mòn và quốc gia này đang dần trở thành một nhà nước cảnh sát chuyên quyền.

Phần lớn người dân El Salvador chấp nhận đánh đổi này. Phần đông đã quá mệt mỏi với việc sống trong lo sợ hay bỏ chạy sang Mỹ bởi các băng đảng và theo các khảo sát, số đông này ủng hộ các phương án giải quyết cũng như vị Tổng thống đằng sau những chính sách đó.

Với tỉ lệ chấp thuận lên tới 90%, tổng thống 41 tuổi của El Salvador, ông Nayib Bukele, đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo được ủng hộ nhất trên thế giới và được hâm mộ bởi người dân trên khắp Tây Bán cầu.

Người dân Honduras đã tung hô tên ông Bukele tại buổi lễ nhậm chức của Tổng thống nước họ vào năm vừa rồi. Một khảo sát tại Ecuador cho thấy, người dân ở quốc gia bị tàn phá bởi bạo lực băng đảng này đánh giá ông Bukele cao hơn các lãnh đạo nước họ.

Khu phố La Campanera ở thị trấn Soyapango gần thủ đô của El Salvador. Khu phố này từng bị cai quản bởi băng đảng 18th Street. Ảnh: NY Times.

Khi các chính khách từ Mexico cho tới Guatemala hứa hẹn sẽ áp dụng các giải pháp đanh thép của ông Bukele, nhiều nhà phê bình đã lo ngại quốc gia này có thể sẽ trở thành hình mẫu cho một cuộc đánh đổi nguy hiểm: hy sinh quyền tự do dân sự để đổi lấy an ninh.

Christine Wade, một chuyên gia về El Salvador của Đại học Washington tại Maryland, cho biết: “Tôi vẫn cảm thấy bi quan về tương lai của nền dân chủ tại khu vực này. Rủi ro lớn nhất ở đây là việc quốc gia này trở thành hình mẫu để cho các chính khách nước khác bám víu vào đó và nói rằng, ‘chúng tôi có thể mang lại an ninh cho người dân nếu như họ sẵn sàng đánh đổi một số quyền của họ’ “.

Chính phủ El Salvador đã bắt giữ hơn 65.000 người trong một năm qua, bao gồm trẻ em 12 tuổi, khiến số lượng tù nhân nước này tăng hơn gấp đôi. Theo tính toán của Chính phủ nước này, hơn 5.000 người không liên quan tới các băng đảng đã bị bắt giữ nhầm và sau đó được trả tự do. Cũng theo Chính phủ nước này, ít nhất 90 người đã tử vong khi bị bắt giam.

Các nhóm nhân quyền đã đưa ra tài liệu về hàng loạt các cuộc bắt giữ vô lý, cũng như tình trạng các nhà tù quá tải và nhiều báo cáo về các cuộc tra tấn từ các quản ngục.

Phó Tổng Thống Felix Ulloa của El Salvador tại văn phòng ở San Salvador. Ông nhận xét: “Chúng tôi đã trả lại tự do cho người dân”. Ảnh: NY Times.

Phó Tổng thống của El Salvador, ông Felix Ulloa, trong một buổi phỏng vấn đã cho biết rằng các báo cáo về việc một số nhà chức trách đã lạm quyền đang được điều tra và những người dân vô tội đang được trả tự do.

Khi bảo vệ chiến lược mà ông cho là “gần như hoàn hảo” của Chính phủ, ông nhận xét: “Tất nhiên sẽ có sai số nhỏ. Nhưng giờ đây, người dân đã có thể tự do ra ngoài, mua bán, đi xem phim, tới bãi biển, xem bóng đá. Chúng tôi đã trả lại tự do cho người dân”.

Tại một số những khu vực từng được coi là vô cùng nguy hiểm tại quốc gia này, những khu nhà bỏ hoang vốn từng bị kiểm soát bởi các thành viên băng đảng giờ đang được tân trang và tái sử dụng.

Tại các con phố ở Las Margaritas, một khu phố tại thị trấn Soyapango từng tràn lan bạo lực tại trung tâm El Salvador, người dân có thể đỗ xe ở đây mà không bị các băng đảng bắt ép phải trả 10 USD mỗi tháng.

Những khu nhà bỏ hoang từng bị kiểm soát bởi các băng đảng trước khi bị bắt giữ trong năm vừa rồi. Một số chủ nhà đã phải bỏ trốn vì bị các băng đảng đe dọa đang dần trở lại. Ảnh: NY Times.

Theo một số người bán hàng tại khu chợ lớn của thị trấn này, trước khi những cuộc triệt phá băng đảng xảy ra, không ai dám tới đây mà không có sự cho phép của các thành viên băng đảng. Giờ thì khu chợ này nườm nượp người tới đây mua bán.

Khi bà Inglés kể cho người mua hàng về nơi bà từng sống - một khu phố cụt ở Las Margaritas - họ thường giật mình kinh ngạc.

Bà Inglés, tay vẫn nhanh nhẹn thả cốc nước ép vào túi cho một cậu bé tại quầy nước bà dựng trước nhà, hồi tưởng lại: “Họ hay bảo ‘ấy, không, thế là bà sống ở chiến trường ấy chứ.”

Bà thường hay nhìn sang phía bên kia đường, vào tấm graffiti với nội dung, “nhìn thấy, nghe thấy và im miệng”. Bà bảo rằng đó là một câu cửa miệng của băng đảng để đe dọa người dân phải giữ im lặng về các tội ác của chúng.

Trước khi những cuộc triệt phá băng đảng xảy ra, không ai dám tới đây mà không có sự cho phép của các thành viên băng đảng. Giờ thì khu chợ này nườm nượp người tới đây mua bán. Ảnh: NYTimes

Bà Inglés nói rằng dần dần họ cũng học được cách cúi đầu: “Càng ít thấy những thứ chúng làm thì càng ít những vấn đề đau đầu phải lo lắng”. Tấm graffiti ấy giờ đây được được vẽ đè lên bởi hình ảnh một chú chim.

Juan Hernández, 41 tuổi, trong suốt 10 năm nay chưa từng đặt chân lên sân bóng gần nhà ông.

Ông cho biết: “Đó là nơi băng đảng tụ tập. Ở đó, bạn có thể dính đạn từ khắp nơi”.

Giờ ông dùng sân bóng này làm nơi dạy cho đứa con 12 tuổi của mình cách chơi bóng. Ông bảo: “Nó nói với tôi rằng nó muốn tập chơi bóng. Tôi bảo nó luôn, đi tập thôi”.

Trẻ nhỏ giờ có thể chơi bóng trên sân bóng từng là nơi băng đảng tụ tập. Ảnh: NY Times.

Tiền đề của những cuộc triệt phá băng đảng tại El Salvador vừa rồi là sự kiện các băng đảng làm loạn trong một cuối tuần vào tháng 3 năm 2022, khiến hơn 80 người tử vong.

Các quan chức Mỹ cho biết, trước các vụ triệt phá băng đảng này, chính quyền ông Bukele đã có thỏa hiệp với các trùm băng đảng, yêu cầu giảm tỉ lệ án mạng đổi lấy các quyền lợi như cải thiện điều kiện sống trong tù.

Các nhà phân tích cho rằng sự tăng vọt các vụ bạo lực là dấu hiệu các thỏa hiệp này đã sụp đổ. Ông Bukele trong khi đó đã phủ nhận các cáo buộc đã đề ra thỏa hiệp này.

Sau các vụ án mạng vào tháng 3 năm 2022, cơ quan lập pháp của đảng cầm quyền của El Salvador đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quân đội ngay lập tức tràn vào các khu vực tụ tập băng đảng trên toàn quốc gia, bắt giữ 13.000 người chỉ trong vài tuần.

Một người trong số đó là con trai của bà Morena Guadalupe de Sandoval. Bà cho biết, bà đã không được gặp hay nói chuyện với con kể từ khi anh bị bắt trên đường về nhà sau giờ làm việc ở thủ đô từ một năm trước. Bà cho biết, chính quyền đã cáo buộc anh là thành viên băng đảng, nhưng bà phủ nhận các cáo buộc này.

Mỗi ba tháng, bà lại tới nhà tù Izalco tại miền Tây quốc gia từng bị báo cáo có xảy ra các vụ tra tấn bởi cai ngục, nơi con trai bà, anh Jonathan González López đang bị giam giữ. Bà van xin được biết các thông tin về con trai mình. Đôi khi, bà đưa cả người vợ và đứa con trai 2 tuổi của anh.

Điều duy nhất mà bà được nhà tù cho biết là anh vẫn đang bị giam giữ.

Bà de Sandoval cho biết: “Tôi đang rất trầm cảm. Tôi cảm thấy tồi tệ mỗi khi tôi nghĩ rằng tôi sẽ không được gặp hay nói chuyện với nó nữa”.

Sau các cuộc triệt phá băng đảng, các tấm graffiti đã được chèn lên bằng sơn trắng. Ảnh: NY Times.

Trong một báo cáo vào tháng 12, tổ chức Human Rights Watch và một tổ chức của El Salvador mang tên Cristosal đã phỏng vấn những người bị bắt giữ trong cuộc triệt phá băng đảng và sau đó được trả tự do. Họ đã mô tả những điều kiện tồi tệ đã thấy trong nhà tù của quốc gia này: các vụ hành hung, tử vong và thiếu lương thực.

Theo các báo cáo, một người cho biết, cai ngục đã dìm đầu anh xuống nước không cho anh thở. Một người khác cho biết, anh được cho hai chiếc tortilla mỗi ngày, và anh phải chia sẻ nó với một người bị giam khác.

Một người lính tuần tra ở ven Las Margaritas, nơi từng bị đàn áp bởi băng đảng MS-13. Ảnh: NY Times

Bà de Sandoval cho biết rằng cuộc triệt phá băng đảng đã cải thiện điều kiện sống ở khu phố bà, một khu vực từng được gọi là Italian District, từng bị đàn áp bởi băng đảng MS-13. Bà không còn thấy các thanh niên đứng hút cần sa ở các góc phố nữa.

“Mọi thứ an toàn hơn nhiều. Cuộc triệt phá băng đảng đã mang lại điều tốt theo cách của nó”.

Nhưng, bà vẫn không thể tách biệt những điều tích cực đó khỏi những nỗi đau thường nhật của bà. Con trai bà sẽ sang tuổi 22 trong tháng này. Bà liên tục nằm mơ được thấy anh.

Bà nói: “Tôi chỉ muốn thấy nó thôi. Từ rất xa cũng được”.

Nguyễn Quang Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/el-salvador-dap-tat-cac-bang-dang-va-cai-gia-quoc-gia-nay-phai-tra-a602242.html