Duyên nợ và khoảng lặng

'Ta biết/ khi ta còn viết/ là duyên, là nợ vẫn còn/ Ta biết/ khi ta còn viết/ vì đời còn lắm tơ vương'. Không ai nghĩ đây là những câu thơ của nữ sĩ đã 83 tuổi. Bởi, trong đó còn nồng nàn những tơ vương, còn thấy duyên, nợ với đời, với những câu thơ.

Trước khi xuất bản “Khoảng lặng” (NXB Thanh Niên), nhà thơ Nguyễn Thị Kim Quy đã có 6 tập thơ. Cuộc đời bà gắn với hai việc chính là dạy học và làm thơ, nhưng làm thơ chiếm thời gian dài hơn. Có lẽ vì thế mà thơ với bà như nỗi đắm đuối, sự giải tỏa. Bất kể vui buồn gì cũng gửi vào thơ. Gọi thơ là sinh mệnh có thể chưa hợp lý, nhưng với bà thơ chắc chắn là người bạn tâm tình và gần gũi nhất.

Gần 140 trang với 108 bài thơ của một người đã qua tuổi bát thập, với bà đó là khoảng lặng của tình yêu. Những câu thơ nói giúp khát khao của một người đàn bà: “Trái tim ta dội sóng/ Chỉ dành mình em thôi” (Sóng). Nhưng là của một người đàn bà từng trải. Dỗi hờn “Lẽ nào anh có lỗi/ Chỉ vì quá yêu anh/ Lẽ nào em có lỗi/ Muốn anh chỉ yêu mình” (Lẽ nào) nhưng vẫn biết tìm lý do: vì quá yêu anh. Có chờ đợi: “Cúc vừa tàn, cải đã đơm bông/ Nắng tiễn xuân qua, sen ngát xanh sắc hạ/ Ngày nối ngày lại qua hối hả”, rồi cũng tự an ủi mình không khác gì “ga xép” luôn chờ đợi mỏi mòn những con tàu dừng lại. Cái sự đổ lỗi, an ủi mình suy cho cùng cũng bởi tâm hồn luôn khao khát được yêu thương, sợ nỗi chông chênh. Cái gió lạnh của tiết chuyển mùa, cái giá buốt góp buồn, gợi nhớ ấy, chỉ khiến tác giả ước ao: “Giá bây giờ em đến được nơi anh/ Để biên giới chiều nay đỡ lạnh” (Gió chuyển mùa). Hình ảnh thơ không mới, song đã đạt được cảm xúc thơ, chạm tới rung động của người đọc.

Tôi thích bài thơ “Trăng hạ huyền” với những câu thơ mênh mang buồn, đơn lẻ nhưng nhẹ nhàng, mềm mại và nữ tính: “Trăng hạ huyền/ Vầng trăng đơn côi/ Cứ mỗi ngày, trăng mòn thêm một ít/ Những lúc buồn với vành trăng khuyết/ Cứ ngỡ trăng treo chỉ để riêng mình!”.

Có sự từng trải, có dấu vết thời gian, có chiêm nghiệm về khuyết - tròn, nhưng cái dễ chịu nhất khi đọc thơ của bà là không nhận thấy sự lên gân, không cố làm đầy những cảm xúc, mà cứ để từng con chữ nhả ra và chạm đến trái tim người khác.

Đọc thơ Nguyễn Thị Kim Quy tôi còn thấy một miền ký ức quê hương và bóng mẹ. Quê bà ở Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), vì thế trong tập thơ không ít bài viết về chợ Quăng, Bảng môn đình, Thiên nhiên tự, Nguyệt Viên... Những địa danh quen thuộc đến nỗi nó ở sâu trong tim “Ta đến nơi nào ký ức cũng đến nơi” (Ký ức không ngủ), và khi người ta càng chênh chao thì càng “ước ao có một phút ngược dòng” (Thăm thẳm). Đặc biệt, dẫu có bao nhiêu tuổi thì nghĩ về mẹ, ta vẫn là một đứa trẻ. Nơi có mẹ thì đó là quê hương: “Khói cơm chiều mẹ nấu/ Quyện với hương thơm trời đất quê mình” (Nơi ấy là quê ta đấy). Nơi có mẹ là nơi ta muốn tìm về mỗi khi mỏi mệt: “Đời vẫn còn phải ngược ngược xuôi xuôi/ Và năm tháng sẽ còn nhiều được - mất/ Nắng quê mẹ vàng thơm như mật/ Mỗi sáng mai vẫn vẫy gọi ta về” (Tôi muốn em về). Bà miêu tả mẹ: “Gió kéo nghiêng chiều/ Nhớ dáng mẹ ta” khiến tôi nghĩ bà đang vẽ một bức tranh quê trong đó có dáng hình của những nhớ nhung và mẹ là hình ảnh trung tâm, vừa gần gũi vừa thân thương. Thương khi nhìn cái cách mẹ ngồi, như mẹ đang nghiêng mình chờ con về.

Nhớ mẹ càng khiến bà nghĩ về những đứa con. Bởi ai trước khi làm mẹ mà chẳng phải làm con. Cái quy luật cuộc đời nước mắt chảy xuôi ấy khiến bà càng yêu mẹ hơn: “Yêu con như biển rộng/ Thương con tựa sông dài/ Tình yêu trong lòng mẹ/ Có bao giờ nguôi vơi/ Lời yêu nói không hết/ Tình yêu luôn ắp đầy” (Trái tim của mẹ); “Sóng trước đổ đâu - sóng sau đổ đó/ Như mẹ thương con năm tháng liền ngày” (Sóng vẫn dội).

Bài thơ “Mình viết cho mình khi chạm tuổi 80” là một lời tự sự. Thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu chính mình: “Thế rồi bèo dạt, mây trôi/ Thế rồi năm tháng, thế rồi đổi thay/... Ông trời còn bận thiên di/ Chứ ta, ta có bận gì nữa đâu”. Nghe qua tưởng có sự bất mãn, buồn lòng, nhưng thực chất là hiểu mình quá mà tự giễu thôi. Thơ Nguyễn Thị Kim Quy có thể chưa đạt đến ngưỡng tinh tế nhưng lại mang những triết lý rất đời thường. Cái triết lý ấy tự nhiên mà có ở một người sống lâu, sống đủ, sống hiểu lẽ đời: “Ngỡ là lạ/ nhưng nào có lạ/ Sừng sững đôi bờ, nước chảy êm xuôi/ Sóng duềnh bờ bãi, thuyền câu vẫn.../ Gió tỏ trăng sao, nắng tỏ trời/ Ngỡ không thể/ Vậy mà có thể/ Núi vẫn nằm im, cây vẫn vươn/ Róc rách trên cao con suối nhỏ/ Giã biệt non xanh, nước hạ nguồn” (Non nước vĩnh hằng). Bởi “Thêm một tuổi/ Là một năm vừa đi khuất/ Khoảng lặng cuộc đời cứ thế/ Chẳng dừng chân” (Khoảng lặng). Trong khoảng lặng của cuộc đời, dẫu có lúc bà ngồi đếm và lắng nghe từng nhịp “tích tắc” trong vòng thời gian trôi, nhưng hơn hết bạn đọc tin rằng bà khó có thể chìm vào nỗi buồn, khó bi lụy. Bên bà đã có thơ để giải tỏa nỗi niềm một cách đẹp nhất, dịu dàng nhất.

Điều đặc biệt là thơ của Nguyễn Thị Kim Quy khai thác thủ pháp tiểu đối khá nhiều. Những câu thơ đối xứng hàm chứa quy luật thực tại của thế giới khách quan, thông điệp của cái đẹp: “Tơ trời - Trời buông, trời buộc/ Tơ lòng - Người nhận, người trao” (Duyên và nợ); “Niềm vui để trên mặt/ Nỗi đau giấu trong lòng” (Cách ngôn của mẹ). Những dòng thơ ấy cho người đọc thấy cái nhìn đa diện của chị khi nghĩ về cuộc đời. Giữa ồ ạt và chiêm nghiệm, giữa cũ và mới, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nông nổi và từng trải, giữa dại khờ và tỉnh táo, giữa chênh chao và ngang tàng... nhà thơ Nguyễn Thị Kim Quy đã đặt mình và bạn đọc ở lằn ranh của những được - mất, mờ ảo - hiện thực, trắng - đen, như cuộc đời đâu lúc nào cũng đối xứng, cũng trắng đen rạch ròi cho ta chọn lựa...

Thậm chí bà sử dụng cách lặp cũng rất nghệ thuật, như những nhịp sóng duyềnh lên, thôi thúc và mãnh liệt: “Chập chờn thức - ngủ/ Chập chờn ngủ/ Nỗi nhớ về thêm/ Nỗi nhớ thêm/ Ngoài hiên vắng gió/ Ngoài hiên vắng” (Đêm trắng); “Chiều vắng em/ Chiều buồn/ Sáng không em/ Sáng vắng” (Không em).

Một tập thơ khá đầy đặn cả về số lượng và chất lượng. Một tập thơ xóa nhòa ranh giới lứa tuổi. Một tập thơ đọng lại là những thổn thức về quá khứ, những chiêm nghiệm ở hiện tại và những thăm thẳm ở tương lai. Tôi tin rằng ai đọc thơ Nguyễn Thị Kim Quy cũng thấy mình cần phải sống cho trọn thanh xuân.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/duyen-no-va-khoang-lang/30660.htm