Duy trì xử lý 'ma men' cầm lái trên đường để hạn chế triệt để tai nạn giao thông

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại trạng thái bình thường của năm 2019, năm trước khi có đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Ngoài ra, năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện văn hóa xã hội lớn quy mô quốc tế, như: Seagames 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày (nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 9 ngày), nghỉ 30/4 - 1/5 và nghỉ quốc khánh 2/9),... đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022.

Mặc dù kết quả bảo đảm trật tự ATGT so với năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra, song nếu so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19) thì TNGT lại giảm rất sâu cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến rất tích cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban ATGT quốc gia sáng 9/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2022, TNGT đã giảm rất sâu 3 tiêu chí (số người chết, số vụ và số người bị thương) so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019). Trong 7 ngày Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông giảm sâu và gần như không có vụ đặc biệt nghiêm trọng nào so với Tết Nhâm Dần 2022.

Tai nạn giao thông do nguyên nhân người tham gia giao thông uống bia rượu trong ngày tết giảm sâu so với năm trước đó. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhấn mạnh nhân dân rất đồng tình ủng hộ và lực lượng chức năng tăng cường xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Tư lệnh ngành GTVT cho biết Bộ trưởng Bộ Công an đã có chỉ thị tiếp tục tập trung duy trì mạnh mẽ kiểm tra xử lý đối với các trường hợp sử dụng rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông để hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Về vấn đề này, chia sẻ tại hội nghị, Thượng tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông xác định các chuyên đề trọng tâm, xử lý xuyên suốt nồng độ cồn (các địa phương thường xuyên quyết liệt và kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe), chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…

Hiện nay, người dân khi đi đăng ký xe, đăng ký kết hôn… đều "xách xe" ra đường nên công an tập trung đẩy mạnh dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm hay đăng ký xe tại nhà tránh ùn tắc và tai nạn giao thông; nghiên cứu phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông làm thường xuyên liên tục, thành thói quen văn hóa của từng người tham gia giao thông; ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là giải pháp thiết thực không chỉ lực lượng cảnh sát giao thông mà còn là ở các địa phương cần tăng cường để người dân cái gì cần thiết mới phải “xách xe” ra đường.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và các hoạt động giao thông vận tải sẽ tăng cao trong năm nay, Bộ trưởng cho rằng nếu không có giải pháp kiểm soát quyết liệt thì nguy cơ mất an toàn giao thông trong năm nay là rất cao trong khi mục tiêu đặt ra kéo giảm tai nạn giao thông rất kỳ vọng từ 5 - 10% nhưng mong muốn tối thiểu giảm ít nhất là 10% ở cả 3 tiêu chí tại mỗi địa phương và cả nước.

Do vậy, Bộ trưởng gợi ý cần có các giải pháp thiết thực, chủ động phù hợp với tình hình thực tế để hướng đến các mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ, đô thị nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/duy-tri-xu-ly-ma-men-cam-lai-tren-duong-de-han-che-triet-de-tai-nan-giao-thong-121451.html