Duy trì nguồn lực cho hoạt động nhân đạo tại Gaza

Người đứng đầu Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) Philippe Lazzarini đang có chuyến thăm ba quốc gia ở vùng Vịnh, trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ sau khi nhiều nước đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Tình trạng thiếu kinh phí có thể khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng thảm khốc.

Nội dung thảo luận xuyên suốt ba điểm dừng chân lần này của ông Lazzarini là nỗ lực của UNRWA nhằm cung cấp viện trợ cho người dân ở Dải Gaza. Chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait của ông Lazzarini diễn ra trong bối cảnh UNRWA đang đối mặt thách thức duy trì nguồn lực cho hoạt động nhân đạo. Hàng chục nhà tài trợ hàng đầu của cơ quan này, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển, đã quyết định đóng băng các khoản hỗ trợ, sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên UNRWA liên quan cuộc tấn công hôm 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.

Để làm rõ cáo buộc nêu trên, UNRWA tuyên bố đang tiến hành một cuộc điều tra minh bạch. Liên hợp quốc cũng quyết định thành lập ủy ban độc lập để đánh giá về UNRWA. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, nhiều khả năng các nguồn viện trợ khó được nối lại trong một sớm một chiều. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, với khoản đóng góp hằng năm lên tới 300 đến 400 triệu USD.

Trong danh sách các nhà tài trợ hàng đầu của UNRWA, Đức đứng thứ hai với khoảng 202 triệu USD mỗi năm, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU), Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản, Pháp, Saudi Arabia, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Liên hợp quốc, các nước vừa quyết định ngừng tài trợ đóng góp phần lớn ngân sách hoạt động của UNRWA trong năm 2023 vừa qua, vì vậy các nguồn tài chính bị đóng băng đặt ra bài toán khó đối với việc duy trì hoạt động của cơ quan này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, việc ngừng tài trợ cho UNRWA có thể kéo theo hậu quả thảm khốc đối với người dân ở Gaza, khu vực vốn bị tàn phá nặng nề do cuộc xung đột giữa Hamas và Israel. Tình trạng thiếu kinh phí sẽ ảnh hưởng tiêu cực công tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân không chỉ ở Dải Gaza, Bờ Tây, mà cả các trại tị nạn của người Palestine tại các nước trong khu vực như Jordan, Liban và Syria. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại hoạt động nhân đạo ở Dải Gaza có thể bị tê liệt trong vài tuần tới vì UNRWA hiện chỉ còn đủ kinh phí hoạt động đến cuối tháng 2 này.

Giới chuyên gia khẳng định, không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của UNRWA trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài nhiều tháng qua tại Gaza. Kể từ cuối năm ngoái, hơn hai triệu người dân ở Dải Gaza sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ UNRWA. Cơ quan này cũng điều hành các điểm cứu trợ y tế cho hàng chục nghìn người Palestine bị thương vì giao tranh. Hàng trăm thành viên UNRWA đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công dữ dội khi đang nỗ lực hỗ trợ người dân Palestine.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục kề vai sát cánh bên UNRWA để giảm bớt đau thương và mất mát cho người dân Gaza. 21 tổ chức cứu trợ quốc tế, trong đó có Oxfam, Save the Children và ActionAid, ra tuyên bố chung kêu gọi các nước cân nhắc lại về quyết định đình chỉ tài trợ UNRWA, do lo ngại cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza trở nên trầm trọng hơn nếu dòng viện trợ quốc tế bị co hẹp. Các tổ chức này nêu rõ, số nhân viên bị cáo buộc chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng số 30.000 nhân viên của UNRWA. Việc các quốc gia ngừng tài trợ có thể trở thành “hình phạt tập thể” mới nhằm vào người dân Gaza.

Trong khi đó, nhấn mạnh UNRWA là huyết mạch sống còn đối với hàng triệu người tị nạn, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide kêu gọi các nhà tài trợ tính đến hậu quả của quyết định cắt viện trợ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cũng tuyên bố EU không ngừng viện trợ cho UNRWA.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, xung đột tại Gaza đã khiến 85% dân số vùng lãnh thổ này buộc phải di dời, gây ra tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men trầm trọng, trong khi hơn 60% cơ sở hạ tầng đã bị hư hại hoặc phá hủy. Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng nghiêm trọng, việc duy trì nguồn tài trợ cho UNRWA là việc làm rất cần thiết để hỗ trợ người dân Palestine vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/duy-tri-nguon-luc-cho-hoat-dong-nhan-dao-tai-gaza-197808.html