Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và câu chuyện 'Thế trận lòng dân' (3): Về với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, lãnh đạo thành phố yêu cầu từng quận, huyện phải huy động sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Quận ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng của quận, huyện; và các đồng chí Chủ tịch huyện là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện. Tìm hiểu câu chuyện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 những ngày tháng cao điểm qua ở nhiều địa phương, chúng tôi được nghe, được kể về việc có đồng chí Bí thư Huyện ủy ra tận cánh đồng để gặp gỡ bà con, lắng nghe, trao đổi... Rồi có địa phương với 3 hạng mục công trình quan trọng, thì 3 đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy mỗi người đảm trách một hạng mục, tất cả đều tích cực thi đua. 6 huyện, 1 quận ở Hà Nội những ngày qua, nhiều nhà văn hóa, sân đình sáng đèn tận nửa khuya, để hồi đáp những băn khoăn, mong mỏi về đường Vành đai 4, giữa nhân dân và cán bộ cơ sở.

• Bí thư xuống đồng gặp dân, Chủ tịch đảm trách việc “nặng”

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trò chuyện với người dân có công trình trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc

Đường Vành đai 4 qua huyện Mê Linh liên quan đến 5 xã Văn Khê, Chu Phan, Thanh Lâm, Đại Thịnh và Kim Hoa. Tổng số hộ bị thu hồi đất là 1.450; tổng số mộ dự kiến di dời là 1.905. Tới thời điểm này, tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua Mê Linh đã hoàn thành công tác lập chỉ giới đường đỏ. Gần cuối tháng 8-2023, nghĩa là 2 tháng sau khi đường Vành đai 4 chính thức khởi công, Mê Linh đã ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố diện tích 122,6ha/141,2ha. Còn đến thời điểm hiện tại, việc chi trả, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất giao thông thủy lợi đoạn qua huyện Mê Linh là 124,7ha/131ha (đạt 94,9% tổng diện tích đất nông nghiệp). Diện tích còn lại, Mê Linh hạ quyết tâm xong trong tháng 11-2023.

Điểm một vài thông số, nhiều người sẽ nghĩ rằng công tác giải phóng mặt bằng ở Mê Linh “thuận”, đơn giản. Nhưng thực tế không phải vậy! Trung tá Nguyễn Thị Tâm - Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mê Linh chia sẻ: “Tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự dự án mới thấy vấn đề quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn có “tính lịch sử” vô cùng phức tạp”. Nào là tình trạng thửa đất liên quan việc thuê, mượn, mua bán, đổi ruộng… nhưng chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, có thể phát sinh việc không thỏa thuận được việc phân chia tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hoặc phát sinh tranh chấp gây khó khăn cho quá trình xây dựng phương án. Chưa hết, nhiều thửa đất do lịch sử để lại, hoặc do quá trình dồn ghép ruộng đất cần phải xác minh nguồn gốc và quá trình sử dụng, phần nào ảnh hưởng chậm đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Không ít trường hợp gặp tại 5 xã ở Mê Linh, đó là nhiều gia đình chưa thỏa thuận được việc phân chia tài sản cũng là nguyên nhân cản trở tiến độ giải phóng mặt bằng, thậm chí phải áp dụng các biện pháp hành chính cưỡng chế thu hồi đất.

Đồng quan điểm với Trung tá Nguyễn Thị Tâm, ông Nguyễn Văn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh nêu thực tế ở địa phương là tại một số khu vực, thời điểm cấp đất giống nhau hoặc đều là đất ông cha để lại, nhưng về pháp lý hộ thì có “sổ đỏ”, hộ không, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổng hợp, định giá, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thậm chí phát sinh tâm lý so bì trong nhân dân.

Minh chứng cụ thể tình huống này là trường hợp hộ gia đình bà Lương Thị T. (thôn Tân Châu, xã Chu Phan). Hôm lãnh đạo huyện xuống xã, về thôn để gặp gỡ, đối thoại với người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, bà Lương Thị T. chỉ biết… khóc, nhưng thực sự không đủ giấy tờ pháp lý để chứng minh, giải thích độ “chênh” của mảnh đất thực ở là 230m2, trong khi giấy tờ sở hữu lại chỉ có 200m2. “Đừng nghĩ đơn giản 30m2 có đáng là bao! Khoảng diện tích chênh ấy là đất thổ cư, không chỉ có giá trị tiền đáng kể khi giao dịch, mà còn liên quan đến quyền lợi, chính sách hỗ trợ, đền bù” - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh - ông Nguyễn Văn Hai phân tích.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm (bên phải) kiểm tra thực địa tại Nghĩa trang thôn Ngọc Trì, xã Kim Hoa

Nước mắt của bà Lương Thị T. cũng giống như thế khó của nhiều trường hợp tại Mê Linh - đó là nhiều hộ gia đình cùng ở trong một thửa đất, nhưng chưa thực hiện các thủ tục tách thửa đất theo quy định, khả năng dẫn đến quyền lợi hưởng chính sách tái định cư bị ảnh hưởng. Trong trường hợp ấy, nếu không được giải quyết thỏa đáng, có thể phát sinh việc gia đình không hợp tác, gây khó khăn cho quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và việc thu hồi đất theo kế hoạch chung bị ảnh hưởng…

Trong khối lượng đồ sộ của công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Mê Linh, tâm điểm chính là 3 khu tái định cư Tân Châu, Khê Ngoại và Nội Đồng. Đây cũng chính là 3 khu vực mà những tình huống khó như nêu trên gặp phải. Và huyện Mê Linh đã “vào trận” theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố - Trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ba đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, mỗi người đảm trách công tác giải phóng mặt bằng một khu, lấy tiến độ mặt bằng được giải phóng hàng ngày, hàng tuần làm động cơ thi đua tích cực. “Quá trình triển khai, chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động của lực lượng Công an, từ huyện đến xã. Không hề có việc “chỉ đứng ngoài cuộc”, “chỉ quan sát”, bên Công an đã làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu trúng và đúng nhiều vấn đề nảy sinh và sẽ phát sinh, từ đó giải quyết ổn thỏa, kịp thời” - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn bày tỏ và ghi nhận - “Chính công tác lưu trữ, cập nhật, rà soát khoa học, chính xác về nhân khẩu, hộ khẩu của cơ quan Công an đã giúp công tác khảo sát, lên phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được chính xác, minh bạch. Và đó cũng là tiền đề quan trọng để an ninh, trật tự địa bàn được ổn định trong quá trình triển khai các công đoạn của đường Vành đai 4”.

Ngày 25-10-2023, khi chúng tôi về Mê Linh, khu tái định cư Tân Châu đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 3,6ha trên tổng số 4,69ha; khu tái định cư Khê Ngoại đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 6,9ha trên tổng số 7,74ha và khu tái định cư Nội Đồng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 1,6ha trên tổng số 2,38ha. Lãnh đạo huyện khẳng định quyết tâm trong tháng 11-2023 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích cả 3 khu tái định cư. Thông tin tích cực là trước và trong quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ đường Vành đai 4, huyện đã giải quyết được cơ bản tình trạng lấn chiếm đất công tồn tại trên dưới 20 năm nay ở xã Văn Khê. Một trong những công đầu được ghi nhận cho Công an huyện, xã, qua nắm tình hình, tham mưu đề ra đối sách quyết liệt, “không có vùng cấm”.

Người dân huyện Hoài Đức trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tiến hành các thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ

Giải đáp kịp thời mọi băn khoăn của người dân

Trong 6 huyện - 1 quận thuộc phạm vi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức dẫn đầu về quy mô: chiều dài tuyến nhiều nhất (17,1km); số xã liên quan đến giải phóng mặt bằng nhiều nhất (12); tổng diện tích đất dự kiến thu hồi lớn nhất (239,63ha); tổng số hộ bị thu hồi đất cao nhất (6.401) và tổng số mộ di kiến di dời cũng nhiều nhất (khoảng 4.500 ngôi)…

Chuyện trò với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Chí Hiệu thống kê những con số trên mà… không cần nhìn báo cáo. “Cả nửa năm nay rồi, mà không chỉ tôi, bất kỳ thành viên nào của huyện, xã tham gia công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tôi tin cũng đều nằm lòng những phần việc, những con số. Giao ban định kỳ, cán bộ mà ú ớ, lơ mơ, ăn chắc bị phê bình, rồi phụ trách lĩnh vực ấy cũng sẽ bị nhắc” - ông Nguyễn Chí Hiệu chia sẻ.

Từ năm 2008 trở lại đây, đường Vành đai 4 là dự án có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Hoài Đức. Tiến độ giải phóng mặt bằng áp lực không kém những phần việc để Hoài Đức chuẩn bị lên quận, và áp lực ấy trải đều trên cả 12/19 xã, 1 thị trấn của địa bàn. Nhưng, có chi tiết rất “đắt” mà vị Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, là đến thời điểm này, với hơn 6.000 hộ gia đình có đất, công trình thuộc diện giải phóng mặt bằng, hầu như không có đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Cách làm của Hoài Đức ra sao? Ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết là tuyên truyền kỹ (chủ trương, chính sách dự án); đối thoại thẳng (những băn khoăn, vướng mắc của người dân); lan tỏa sớm (những kết quả tích cực giữa các thôn, xóm, xã trong giải phóng mặt bằng) và luôn “về với dân” (từ Bí thư Huyện ủy đến cấp xã đều tăng cường sinh hoạt chi bộ, tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân có đất, công trình trong diện giải phóng mặt bằng).

Suốt thời gian qua, Hoài Đức không phát sinh vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến quá trình đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả giải phóng mặt bằng. Đối với các hộ còn vướng mắc trong khu đất tái định đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi, Huyện thành lập đoàn thanh tra để tiến hành xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp Trung tâm phát triển quỹ đất tiến hành đối thoại, tháo gỡ khó khăn, giải quyết cho các hộ dân theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ dự án.

Để hình dung cụ thể hơn về phương pháp, chủ trương của Hoài Đức trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, chúng tôi đã về xã Dương Liễu, địa phương được ghi nhận đến thời điểm này đã xong 100% khối lượng công việc, với những thông số ấn tượng: UBND huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất đối với 875/875 hộ diện tích 16,68ha; xã phối hợp Trung tâm phát triển quỹ đất huyện niêm yết công khai phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng chi trả tiền (5 đợt) của 875 hộ/875hộ; trình UBND huyện ban hành Quyết định thu hồi đất tới tổ chức, hộ gia đình cá nhân theo quy định. Đặc biệt, UBND huyện đã phê duyệt và chi trả được 427/427 ngôi mộ, số tiền gần 4 tỷ đồng. Và đến nay, toàn bộ 427 ngôi mộ đã được di chuyển về nghĩa trang nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Dương Liễu - ông Nguyễn Bá Hưng cho biết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận xã có chiều dài khoảng 1,7km. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về thực hiện Dự án, ngày 30-8-2022, Đảng ủy xã Dương Liễu đã ban hành Nghị quyết số 62 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Ngay sau đó, xã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án và tổ chức phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban chỉ đạo.

Hết sức khẩn trương, Nghị quyết số 62 được quán triệt tới Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư các chi bộ, trưởng các đoàn thể tại hội nghị giao ban của xã và các thôn. Cùng với đó, UBND xã đồng bộ triển khai các văn bản của Huyện ủy, UBND huyện, Nghị quyết Đảng ủy về chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 đến các ngành, trưởng thôn, cán bộ công chức, trong đó đưa công tác triển khai đường Vành đai 4 là nhiệm vụ trọng tâm trong phương hướng nhiệm vụ kế hoạch hàng tháng.

Rất bài bản, Đảng ủy, UBND xã Dương Liễu đã lồng ghép tổ chức thông báo quán triệt tinh thần Nghị quyết số 62; quy mô, mục tiêu tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 đến toàn bộ cán bộ, đảng viên và đại diện nhân dân tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Ngay trong tháng 9-2022, các chi bộ đã quán triệt Nghị quyết số 62 tại hội nghị sinh hoạt chi bộ.

Liên tiếp những đầu việc cũng đã được Dương Liễu triển khai, trong đó tập trung rà soát quy mô, điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đề xuất thành phần, số lượng thành viên tham gia hội đồng, tổ công tác giúp việc hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, để sao cho hội đồng hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhất.

Song hành với công tác dân vận, nắm tình hình, Dương Liễu tập trung công tác kiểm tra, đôn đốc, tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Ban chỉ đạo xã, UBND xã thường xuyên kiểm tra đôn đốc các bộ phận chuyên môn thực hiện theo kế hoạch. Ngoài những buổi giao ban định kỳ hàng tuần, hàng tháng đánh giá kết quả triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi còn họp đột xuất để thống nhất cách giải quyết các vấn đề phát sinh, báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo huyện, UBND huyện” - Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng chia sẻ.

Một lần nữa trong câu chuyện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô ở Dương Liễu, chúng tôi được nghe sự đánh giá, ngợi khen của lãnh đạo địa phương đối với lực lượng Công an cơ sở. Theo Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng, công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, ngoài chủ trương, chính sách, ngoài tuyên truyền thì việc nắm và đảm bảo vững chắc, ổn định tình hình an ninh, trật tự chính là yếu tố sống còn. “Nếu giờ mà là thời điểm 3, 4 năm về trước, chắc sẽ không dễ thuận” - ông Nguyễn Bá Hưng nhìn nhận. Cán bộ xã, thôn cơ bản vẫn con người ấy, nhưng lực lượng Công an lại khác, chính quy, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Như Trưởng Công an xã - Thiếu tá Phạm Quang Long, điều tra viên thiện chiến của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an quận Nam Từ Liêm; như Đại úy Phan Đức Thành đang phụ trách tới 4 thôn của Dương Liễu, trước kia từng là “lính cứng” của Đồn Công an 29, huyện Hoài Đức…, và cán bộ, chiến sĩ Công an xã, người về Dương Liễu lâu thì 4 năm, mới thì chưa đủ 365 ngày; nhưng bắt nhịp công việc, làm quen và “nhận diện” địa bàn, từ đó biết những gì phải làm, cần làm và làm trước thì không mất quá nhiều thời gian.

Thiếu tá Phạm Quang Long chia sẻ, lực lượng Công an xã có ưu thế lớn nhất là không vướng mối quan hệ làng xã, họ hàng. Tất cả đều có tấm lòng vì công việc, vì nhân dân ở địa bàn mà các anh được giao đảm trách nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự. Dương Liễu bình yên thì không chỉ lực lượng Công an trọn vẹn trách nhiệm mà hơn hết, chính người dân được thụ hưởng giá trị bình yên ấy. Đường Vành đai 4 về xã, có phức tạp không? Có tiềm ẩn không? Chắc chắn không tránh khỏi, bởi những “va đập” giữa chủ trương, chính sách và nguyện vọng, quyền lợi của người dân. Tính chính quy, chuyên nghiệp của lực lượng Công an cơ sở như Dương Liễu giúp không khó để nhận diện “va đập” ấy, từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, những giải pháp để ngăn chặn, tháo gỡ phức tạp.

“Hoàn thành 100% khối lượng công việc, nhưng chưa hết. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung cho công tác nắm tình hình, tuyên truyền, định hướng người dân… sử dụng đồng tiền sao cho thật kinh tế, hiệu quả”, Thiếu tá Phạm Quang Long thẳng thắn; bởi không hề thừa, khi mà nhận được số tiền hỗ trợ, đền bù lớn; khi mà không có kế sách sinh nhai hợp lý trong bối cảnh tư liệu sản xuất (đất) giảm; người dân sẽ dễ sa vào tệ nạn. Cách nhìn sâu xa ấy của Công an xã Dương Liễu chính từ những bài học - bi kịch đắt giá hậu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương…

(Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-va-cau-chuyen-the-tran-long-dan-3-ve-voi-dan-lang-nghe-y-kien-nguyen-vong-cua-nhan-dan-post558542.antd