Đường tuần tra ngày xuân

Năm nào cũng vậy, mỗi độ Tết đến, Xuân về, dù có tưng bừng, náo nhiệt bên chóe rượu cần, với tiếng cồng, chiêng, đàn đá, đàn dây, đinh tút, hay các trò chơi bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... thì các thôn trên địa bàn hai xã Chơ Chun và La Êê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đều có người tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam. Ai cũng muốn đóng góp một phần công sức của mình vào sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc, để mùa Xuân của đồng bào nơi đây thêm vui tươi, trọn vẹn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê cùng đại diện cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã Chơ Chun, La Êê thực hiện nghi thức chào cột mốc biên giới trong chuyến tuần tra đầu Xuân. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Ngôi nhà gỗ mái lá đơn sơ của già làng Zơ Râm Pưnh, dân tộc Giẻ Triêng nằm nép mình trên sườn núi A Xòo, cuối xã biên giới Chơ Chun. Trước mỗi cuộc tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê thường tập trung ở nhà già làng Pưnh để nghe BĐBP phổ biến thông tin, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về già làng Zơ Râm Pưnh, Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê như được cởi tấm lòng, giọng anh hồ hởi: “Già Pưnh có tuổi rồi, nhưng hăng hái, trách nhiệm lắm! Quãng đường tuần tra của đơn vị dài cả chục cây số, chủ yếu là đường rừng, đèo cao, suối sâu, đi bộ nửa ngày chưa tới cột mốc, nhưng chẳng cuộc hành quân nào già vắng mặt. Nhiều khi các chiến sĩ trẻ của đơn vị còn không theo kịp ông cụ”.

Thượng tá Quách Thiện Dư kể rằng, già làng Zơ Râm Pưnh sinh ra và lớn lên ở A Xòo, đã tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc với cán bộ, chiến sĩ của đồn từ năm 1980. Cũng vì thế mà ông cụ thông thuộc nằm lòng từng đường mòn, lối mở, khe suối, bìa rừng, từng vị trí cột mốc, đường biên đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia chạy qua địa phận xã nhà. Hiện nay, già Pưnh là Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn A Xòo.

Còn nhớ, trong lần tham gia tuần tra cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê vào ngày đầu Xuân năm 2023, tôi đã được gặp và thực sự ấn tượng về già làng Zơ Râm Pưnh, có dáng người nhỏ thó, nhưng tinh thần thì hăng hái và sức vóc có thừa, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Vừa đi, già Pưnh vừa cẩn thận ghi chép đầy đủ thông tin hiện trạng từng đoạn đường biên, cột mốc quốc giới, rồi cùng các thành viên Tổ tự quản đường biên, cột mốc khắc phục những điểm sạt lở, củng cố, tôn tạo cột mốc bị hư hại...

Từ sự gương mẫu, trách nhiệm của già làng Zơ Râm Pưnh, nhiều thanh niên trong xã không phân biệt gái - trai cũng hăng hái cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Những năm gần đây, già Pưnh và các thành viên trong Tổ tự quảnđường biên, cột mốc đã cung cấp cho BĐBP hàng trăm thông tin có giá trị, chủ yếu liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh biên giới, tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động truyền đạo trái pháp luật... giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP kịp thời xử lý, trấn áp các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

“Địa bàn rộng, đường tuần tra đi lại khó khăn, nếu không có sự cưu mang, giúp đỡ, hỗ trợ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thì đơn vị khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Trung tá Rơ Râm Soái chia sẻ.

Những người lính Đồn Biên phòng La Êê luôn đồng hành, hỗ trợ nhân dân, để có những mùa Xuân ấm no trên biên giới. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Trung tá Rơ Râm Soái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng La Êê, là người con của đồng bào Giẻ Triêng. Anh tâm sự, đơn vị phụ trách hai xã biên giới La Êê và Chơ Chun; bảo vệ đoạn biên giới dài 35,13km với 13 cột mốc, 3 cọc dấu, tiếp giáp với 9 cụm bản của huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong (Lào).

Trong những ngày công tác ở La Êê, chứng kiến sự quan tâm, giúp đỡ của đồng bào Giẻ Triêng dành cho BĐBP, chúng tôi hiểu rằng, nơi cuối trời xứ Quảng còn nhiều khó khăn này, các anh luôn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc, đó chính là lòng dân. Ở đây, không chỉ già làng Zơ Râm Pưnh mà đồng bào các dân tộc đều yêu quý BĐBP, coi các anh như anh em ruột thịt. Bà con thương bộ đội đã không quản ngại khó khăn, có người từ miền xuôi lên biên giới nhận nhiệm vụ, gắn bó cả tuổi thanh xuân với đồng bào Giẻ Triêng. Bởi thế, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bữa ăn chỉ có sắn, ngô... nhưng già Pưnh và bà con Giẻ Triêng nơi đây luôn hết lòng cưu mang, giúp đỡ, chia ngọt, sẻ bùi cùng các chiến sĩ Biên phòng.

Thượng tá Lê Huy Bảy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê trải lòng, cuộc sống của đồng bào Giẻ Triêng ở Chơ Chun, La Êê còn nhiều thiếu thốn. Để góp phần chia sẻ với bà con, không để ai bị bỏ lại phía sau khi Tết đến, Xuân về, đơn vị luôn trích quỹ vốn và tập trung kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ khoảng 1.800 suất quà Tết; gói hơn 300 cặp bánh chưng tặng các gia đình khó khăn; tặng 10 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh vượt khó, học giỏi. Đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các trò chơi dân gian, tạo không khí đón Xuân vui tươi, lành mạnh cho quân và dân trên địa bàn.

Miền Tây xứ Quảng vào Xuân, trên các sườn đồi, lưng núi, hoa rừng đua nở rực rỡ. Tết này, nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở Chơ Chun, La Êê xung phong ở lại đón Tết với đồng bào Giẻ Triêng, cùng bà con giữ làng, giữ bản, giữ yên vui cho mùa Xuân nơi biên cương...

Nguyễn Hồng Sáng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duong-tuan-tra-ngay-xuan-post472479.html