Đường sắt kiến nghị giữ nguyên 20 công ty hạ tầng

Theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2012 - 2015, phải giảm đầu mối các doanh nghiệp. Tuy nhiên, TCT này đang kiến nghị giữ nguyên như hiện trạng.

Công nhân Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh khắc phục đoạn đường sắt hư hỏng do thiên tai

Theo Đề án tái cơ cấu TCT ĐSVN giai đoạn 2012 - 2015, các doanh nghiệp khối quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải điều chỉnh giảm 1 đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng và 1 đơn vị quản lý thông tin tín hiệu (TTTH). Như vậy, quản lý toàn tuyến đường sắt quốc gia dài hơn 3.000km sẽ chỉ còn 14 công ty quản lý hạ tầng và 4 công ty TTTH đường sắt. Tuy nhiên, TCT ĐSVN đang kiến nghị tạm thời giữ nguyên 20 công ty trong khối quản lý kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp này sẽ tập trung cơ cấu lại bộ máy, tinh giảm lao động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Sau năm 2015, sẽ tái cơ cấu theo Đề án.

Hiện tại, các công ty quản lý đường sắt (QLĐS) theo khu đoạn, địa giới hành chính cấp tỉnh, bình quân mỗi công ty quản lý từ 115 - 300km đường sắt đi qua rất nhiều tỉnh, như Công ty QLĐS Hà Lạng đi qua 5 tỉnh… Chính địa bàn quản lý dài như vậy đã gây không ít khó khăn trong bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là phối hợp với các địa phương để đảm bảo ATGT, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT ĐSVN cho biết, bảo đảm ATGT đường sắt đang rất phức tạp và cấp bách. Đường sắt không thể làm một mình mà phải phối hợp chặt với các địa phương có đường sắt đi qua. Hiện tại, một công ty quản lý đường sắt đang phải phối hợp làm việc với ít nhất 3 UBND cấp tỉnh, hàng chục UBND cấp huyện, xã để phối hợp bảo vệ hành lang ATGT. Nếu sáp nhập vào, thì rất khó để đảm bảo ATGT do nguồn lực sẽ bị dàn trải.

Ông Nguyễn Đạt Tường - Tổng Giám đốc TCT cũng cho biết, thực tế chúng tôi đã xây dựng phương án thu gọn đầu mối các công ty này. Tuy nhiên, sau khi đánh giá đã thấy bộc lộ yếu điểm nhiều hơn nên mới quyết định xin giữ nguyên trạng.

TCT cũng đã nghiên cứu phương án hợp nhất Công ty TTTH Hà Nội với công ty TTTH Bắc Giang và công ty QLĐS Vĩnh Phú với công ty QLĐS Yên Lào. Ông Tường cho biết thêm, khi hợp nhất 2 công ty này, sẽ giảm được chi phí quản lý và tích tụ được nguồn lao động cũng như máy móc thiết bị. Tuy nhiên, khó khăn cũng sẽ nhiều do địa bàn quản lý dàn trải sẽ không thể chỉ đạo, giải quyết phòng, chống lụt bão và cứu nạn đường sắt kịp thời, đặc biệt là việc phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ hành lang ATGT.

Thiện Anh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201311/duong-sat-kien-nghi-giu-nguyen-20-cong-ty-ha-tang-413703/