Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt 20 triệu lượt khách

Sau 2 năm đi vào vận hành thương mại, đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, kết quả của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã phát huy hiệu quả. Không chỉ mở ra một loại hình vận tải hành khách đô thị mới văn minh, hiện đại mà tuyến đường sắt này cũng đã góp phần đáng kể làm giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Số lượng hành khách lựa chọn đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông ngày một tăng. Tỷ lệ sử dụng loại hình này mỗi ngày đã tăng gấp đôi so với những ngày đầu hoạt động.

Năm 2021, trung bình mỗi ngày có khoảng 15.600 hành khách sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông thì nay đã lên đến hơn 30.000 lượt. Không còn là chuyến tàu trải nghiệm mới lạ, thú vị lúc ban đầu, giờ đây, nhiều người dân Hà Nội đã có thói quen đi bộ hoặc lựa chọn các phương tiện công cộng kết nối khác để tiếp cận nhà ga, sử dụng đường sắt trên cao để đi làm, đi học hàng ngày

Nhiều người dân tỉnh ngoài khi có dịp đến Hà Nội cũng lựa chọn đi thử tàu điện trên cao như một trải nghiệm du lịch mà theo họ là không khác gì ở nước ngoài.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông được coi là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Dự án sử dụng vốn ODA Trung Quốc, tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật tiên tiến của nước bạn.

Chính phủ hai nước đã chỉ đạo các Bộ ngành và đơn vị thi công nỗ lực với quyết tâm cao để đưa tàu vào vận hành từ tháng 11/2021. Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ là một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô, mà còn là hình ảnh thu nhỏ của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Vũ Hồng Trường,Tổng giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã tiếp xúc với nhà thầu, các đối tác Trung Quốc ngay từ giai đoạn xây dựng dự án và đặc biệt là từ khi dự án được bàn giao cho Hà Nội và đưa vào vận hành thì chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ trên tinh thần hợp tác hữu nghị, chia sẻ để xử lý mọi vấn đề phát sinh, làm sao để tuyến vận hành được an toàn, liên tục, phục vụ người dân một cách tốt nhất".

Từ hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án khác tại các đô thị lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với thủ đô Hà Nội, dự kiến trong khoảng 20 năm tới sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 12 tuyến đường sắt đô thị.

Quá trình triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và thực tiễn phát triển hạ tầng đường sắt hiện đại của Trung Quốc sẽ là kinh nghiệm quý để Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tham khảo, tăng cường hợp tác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Theo Tiến sĩ Khương Kim Tạo, Nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, "Trung Quốc đang là một trong những cường quốc về tổ chức giao thông đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao. Trung Quốc có công nghệ hiện đại và kinh nghiệm lớn trong triển khai. Đây là bước đầu tiên chúng ta có thể hợp tác với Trung Quốc. Trong thời gian tới, vấn đề đường sắt và đường sắt tốc độ cao sẽ tiếp tục kết hợp với Trung Quốc và nhiều nước khác nữa để chúng ta có thể tổ chức được giao thông hiện đại, an toàn phục vụ nhân dân của ta".

Cùng với kinh tế, thương mại, hạ tầng giao thông cũng là lĩnh vực được Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác. Kết nối đường bộ, đường sắt giữa hai nước ngày càng hoàn thiện, giao thương không ngừng mở rộng chắc chắn sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-dat-20-trieu-luot-khach-208017.htm