Đường N5 kéo dài khai mở tiềm năng phát triển kinh tế

Đường N5 kéo dài kết nối với đường Hồ Chí Minh đến nay phần lớn đã được rải nhựa. Đường mới thênh thang là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo động lực giúp người dân có cách nghĩ, cách làm mới.

Khi đường mới đã mở

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đi trên tuyến , nối từ xã Hòa Sơn qua các xã Minh Sơn, Bài Sơn (Đô Lương), Minh Thành, Thịnh Thành (Yên Thành) rồi Giang Sơn (Đô Lương) đến điểm cuối là kết nối với đường Hồ Chí Minh tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ.

Đến đầu tháng 4 này, phần lớn dự án đường N5 kéo dài từ xã Hòa Sơn (Đô Lương) đến huyện Tân Kỳ đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Q.An

Trên suốt chiều dài tuyến đường cho thấy, phần lớn dự án đã cơ bản hoàn thành, xe ô tô đi lại thuận lợi. Chỉ còn khoảng hơn 3 km tiếp giáp giữa xã Giang Sơn với huyện Tân Kỳ mặc dù đã thông đường, nhưng chưa đổ nhựa, nhà thầu vẫn đang khẩn trương thi công san ủi đất tại các điểm xung yếu.

Đường được mở rộng, phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận lợi, cùng đó, người dân sinh sống hai bên đường có điều kiện xây dựng nhà mới khang trang và có động lực khơi mở cách nghĩ, cách làm mới về phát triển kinh tế.

Dự án đường N5 kéo dài tạo cơ hội cho người dân một số xã của các huyện Đô Lương, Yên Thành và đặc biệt là huyện Tân Kỳ phát triển kinh tế. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại địa bàn xóm 2, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, một ngôi nhà được xây dựng kiên cố với kiến trúc đẹp, khang trang, nằm ngay cạnh tuyến đường N5, xung quanh là vườn cây ăn quả, cây cảnh vừa bén rễ, đâm chồi. Đó là ngôi nhà của gia đình ông Cao Đăng Xuân.

Trò chuyện với ông Xuân, được biết, Nhà nước đền bù 3.400 m2 đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng làm đường N5. Với số tiền đền bù 2 tỷ đồng, gia đình đã xây dựng ngôi nhà khang trang hết khoảng 1,2 tỷ đồng. Cùng đó, gia đình cải tạo đất vườn trồng gần 1.000 cây đào để bán vào dịp Tết Nguyên đán và kinh doanh thêm mặt hàng cây cảnh.

Ông Cao Đăng Xuân ở xóm 2, xã Bài Sơn kinh doanh cây cảnh khi tuyến đường N5 kéo dài gần hoàn thiện. Ảnh: Q.An

"Trước đây, ở khu vực này là đồi núi, đường vào chỉ vừa cho xe công nông đi lại chở gỗ nguyên liệu, đêm đến tối om. Nay đường lớn đã mở, người và phương tiện tham gia giao thông qua lại ngày càng nhiều, gia đình nghĩ cách làm ăn khác chứ không chỉ trồng rừng như trước, mà mạnh dạn trồng và kinh doanh cây cảnh, phục vụ thị trường", ông Cao Đăng Xuân cho hay.

Tuyến đường N5 kéo dài chạy qua xã Thịnh Thành hơn 5km, nhiều đoạn xuyên qua những đồi keo ngút ngàn, những cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù phú.

Những ngôi nhà mới của người dân xã Thịnh Thành vừa xây cất bên tuyến đường N5 kéo dài. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho rằng, mặc dù xã có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, tuy nhiên do hệ thống giao thông chưa thuận lợi, nên Thịnh Thành vẫn là một trong những địa phương khó khăn nhất huyện Yên Thành. Khi đường N5 hoàn thành sẽ là điều kiện thuận lợi nhất để địa phương phát triển kinh tế ổn định, bền vững hơn, trong đó tập trung trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi. Hiện nay, một số hộ dân đã manh nha trong việc kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là tăng cường trồng rừng nguyên liệu.

Tân Kỳ nỗ lực giải phóng mặt bằng

Dự án đường N5 kéo dài giao nhau với đường Hồ Chí Minh tại xã Kỳ Tân là niềm mong ước của người dân huyện Tân Kỳ bấy lâu nay. Do vậy, khi dự án được triển khai, huyện đã nỗ lực một cách khẩn trương. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 vừa qua, vẫn còn điểm cuối của dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Hiện nhà thầu tiến hành thi công đoạn nối từ xã Giang Sơn (Đô Lương) đến huyện Tân Kỳ, dài khoảng hơn 3 km. Ảnh: Q.An

Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, nguyên nhân vướng mắc tại điểm cuối của dự án đường N5 kéo dài chậm giải phóng mặt bằng là do trước đây, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của huyện không tính đến đường vuốt nơi giao nhau với đường Hồ Chí Minh. Do vậy, sau khi đơn vị thi công đã thông tuyến đường N5, triển khai làm đường vuốt thì vướng mắc mặt bằng. Ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán xong, hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện rà soát lại thì vướng mắc mặt bằng tại 11 hộ dân.

Trước tình hình đó, huyện tiến hành lập hồ sơ, xây dựng giá đền bù áp dụng vào mọi cơ chế, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng với mức cao nhất. Do vậy, cuối tháng 3 vừa qua, các hộ dân đã đồng thuận phương án đền bù giải phóng mặt bằng của huyện và những ngày đầu tháng 4 này các hộ dân sẽ nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đến cuối tháng 3/2024, các hộ dân của xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để làm đường vuốt đoạn giao với đường Hồ Chí Minh của dự án đường N5 kéo dài. Ảnh: Xuân Hoàng

Đại diện Ban Quản lý dự án công trình xây dựng giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết, đến cuối tháng 3 vừa qua, các địa phương có đường N5 kéo dài đi qua đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, tạo điều kiện cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án đường N5 kéo dài từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương lên huyện Tân Kỳ có chiều dài 15 km, theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 8/2024.

Sau khi dự án đường N5 kéo dài hoàn thành có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Xuân Hoàng - Quang An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/duong-n5-keo-dai-khai-mo-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-post287089.html