Đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định thắng lợi

'Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định chân lý vĩ đại: Một dân tộc bị áp bức, quyết tâm đoàn kết chiến đấu vì độc lập và tự do theo đường lối đúng đắn nhất định có đầy đủ khả năng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đó là quy luật của lịch sử trong thời đại ngày nay' (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (mô hình được trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ). Ảnh: Lê Phượng

Với dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã chối bỏ mọi cố gắng cao nhất về ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Mặc dù tình trạng nước ta lúc bấy giờ bị đặt trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, song với ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên, đoàn kết xung quanh Đảng và Mặt trận Việt Minh, tiến hành một kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Từ đó, làm nên nhiều thắng lợi quan trọng và lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp.

Thất bại liên tiếp trên các chiến trường và sa lầy nguy khốn vào cuộc chiến hao người, tốn của mà buổi đầu tướng tá Pháp cho rằng chỉ như “một cuộc hành quân dạo mát”, thực dân Pháp buộc phải tìm cách cứu vãn tình hình. Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ Mỹ, mặt khác thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự. Tháng 5/1953, tướng Henri Navarre, Tham mưu trưởng lục quân Pháp thuộc khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng ở Trung Âu, được Chính phủ Pháp cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau khi khảo sát, tìm hiểu thực tế chiến trường, Nava đề ra một kế hoạch quân sự toàn diện (Kế hoạch Nava), được Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7/1953.

Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch Nava là tới năm 1954, tổ chức khối chủ lực tác chiến gấp 3 lần số binh đoàn hiện có và chia thành hai bước: (1) Trong Thu - Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở phía Bắc vĩ tuyến 18, phòng ngự Thượng Lào; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. (2) Nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng. Kế hoạch quân sự Nava là cố gắng cao nhất của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng.

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch. Từ đó, ra nghị quyết thông qua Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, nhằm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch; đồng thời, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương. Với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nghị quyết của Bộ Chính trị được quán triệt tới các cấp, các ngành. Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể cho các chiến trường; các kế hoạch phối hợp tác chiến giữa ta với Lào, Campuchia cũng đã được thống nhất; công tác tổ chức lực lượng được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, để phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, Đảng và Chính phủ ta đã chủ trương mở cuộc tiến công địch trên mặt trận ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm của Nhân dân ta: “...Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.

Giữa tháng 11/1953, nhận thấy bộ đội chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, nhằm chặn bước tiến của quân ta. Đồng thời, xây dựng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam, mà của cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương - trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh - “một pháo đài bất khả xâm phạm” lên đến 49 cứ điểm. Địch tập trung ở đây hơn 16.200 quân, gồm 21 tiểu đoàn, với ý đồ thách thức và “nghiền nát” quân chủ lực của ta.

Nắm chắc âm mưu, hành động của địch, đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Đồng thời, Người dặn dò Đại tướng “phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Cùng với đó, Chính phủ cũng thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo, với tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Ngoài ra, để phân tán và làm suy yếu lực lượng địch, nhằm “chia lửa” cho chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở 5 đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường: (1) Tiến công Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc; (2) Phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào; (3) Tiến sâu xuống Hạ Lào và Đông Campuchia; (4) Tiến công trên mặt trận Bắc Tây Nguyên; (5) Phối hợp tiến công phòng tuyến địch tại Thượng Lào.

Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta đã vào vị trí tập kết, sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Song nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị về mọi mặt, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vô cùng gian khổ, ác liệt, cuối cùng thắng lợi đã thuộc về đội quân chính nghĩa, dựa trên sức mạnh vô địch của Nhân dân và đường lối lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi nhận định về kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông - Xuân 1953-1954, cho đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra hai điểm nổi bật: “Một là, địch có kế hoạch tập trung binh lực, tăng cường khối lực lượng cơ động chiến lược, nhằm giành lại chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn. Ta đã sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở. Ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, phá hoại công cụ chiến lược chủ yếu của chúng, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, làm phá sản Kế hoạch Nava. Hai là, địch không có ý định điều quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc. Ta đã buộc chúng phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Ta đã tạo nên thời cơ và đã lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ trước đây không nằm trong kế hoạch chiến lược của tướng Nava đã trở thành trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.

Những sự kiện đó đã thể hiện sinh động tinh thần chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Trong sự chỉ đạo chiến lược ấy, Đảng ta luôn luôn nắm vững phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ. Phương châm đó được vận dụng và phát triển sáng tạo trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp. “Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ - là thắng lợi của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó còn là thắng lợi của tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường được hun đúc, kế tục và phát triển từ truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Để rồi, khi nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ René Depestre (Hai-ti), đã ca ngợi: “Ở đây người ta thấy nổi bật lên một cách rực rỡ những hành động anh hùng của Nhân dân, tài năng của Nhân dân hướng về một mục đích duy nhất: thắng quân thù. Điều đó đã có thể thực hiện được nhờ có sự lãnh đạo chính trị tài tình, năng lực tổ chức, tinh thần cao của Đảng Lao động Việt Nam và của vị lãnh tụ xuất sắc và uy tín, đồng chí Hồ Chí Minh... Ở Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao của thắng lợi và chủ nghĩa thực dân Pháp độc ác đã bị tan vỡ trước Xta-lin-gơ-rát của Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng trong lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, nhằm tự giải phóng khỏi ách của chủ nghĩa đế quốc Pháp, Anh, Bỉ và Mỹ...”.

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/duong-loi-lanh-dao-dung-dan-sang-tao-la-nhan-to-quyet-dinh-thang-loi-213501.htm