Đường dành riêng cho xe đạp ở TP.HCM: Cần nghiên cứu kỹ

Đường dành riêng cho xe đạp ở TP.HCM dự kiến thực hiện tại xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, đang được các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu phương án cụ thể.

Sở GTVT TP.HCM cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp. Theo đó, TP.HCM đã chọn tuyến đường xa lộ Hà Nội để nghiên cứu triển khai.

TP.HCM đang nghiên cứu mở tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐT

Người đi xe đạp có xu hướng tăng

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay, người dân có xu hướng sử dụng xe đạp khá nhiều. Theo đó, ở hầu hết tuyến đường lớn như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng và các tuyến đường ở trung tâm TP đều có nhiều người sử dụng xe đạp để đi làm hoặc tập thể dục, thể thao.

Tuy nhiên, một số người đi xe đạp đã chạy vào trong làn ô tô, gây mất an toàn giao thông. Theo đó, việc cần có những làn đường dành riêng cho xe đạp là hết sức cần thiết, đặc biệt là một TP lớn như TP.HCM.

Chính vì vậy, Sở GTVT đã có phương án nghiên cứu thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp trên tuyến đường xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức.

Theo Sở GTVT, sở dĩ TP chọn xa lộ Hà Nội bởi đây là trục giao thông chính từ TP Thủ Đức nối thông trung tâm TP.HCM. Tuyến đường có cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, dọc hai bên có nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại.

Dự kiến đoạn được tổ chức cho xe đạp là giữa phần đường chính và đường song hành đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn. Khu vực này thuộc dự án tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Sở GTVT cho biết sở cũng tính toán nghiên cứu nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người bộ hành lưu thông từ đường song hành phải tới đường song hành trái xa lộ Hà Nội (tại vị trí trước tòa nhà Cantavil).

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ TP.HCM, cho biết đề án xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp là một đề án lớn. Theo đó, các đơn vị đang nghiên cứu kỹ để đưa ra định hướng chung.

Theo ông Vinh, hiện nay mọi đề xuất mới chỉ được manh nha. Các đơn vị nghiên cứu cần đánh giá tác động giao thông, ý kiến của các nhà khoa học. Sau đó mới có những đánh giá chi tiết và xây dựng dự án này.

Theo Sở GTVT, TP chọn tuyến đường xa lộ Hà Nội để nghiên cứu làm làn đường cho xe đạp bởi đây là trục giao thông chính từ TP Thủ Đức nối thông với trung tâm TP.HCM.

Nghiên cứu nhiều vấn đề trước khi thực hiện dự án

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (đơn vị khai thác xe buýt hai tầng), cho biết ở một số nước trên thế giới có quy hoạch làn đường dành cho xe đạp khá bài bản. Ví dụ ở Hà Lan hay Đan Mạch, họ luôn tính toán làm làn đường dành riêng cho xe hai bánh hay xe đạp là chủ yếu (có chiều rộng khoảng 2 m).

Theo đó, hiện nay TP cần tính toán có một số làn đường dành cho xe hai bánh, từ quốc lộ đến các tuyến đường nhỏ để người dân thuận tiện di chuyển, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Bởi khi đó, nếu không may xảy ra tai nạn thì người sử dụng xe thô sơ sẽ hạn chế bị nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chuyên gia giao thông, cho biết đã là đường dành riêng cho xe đạp thì cần có diện tích cho nó. Ở Mỹ, họ đã hy sinh nửa làn đường dành cho xe đạp, bởi khi làm đường họ đã có nền tảng là phải có làn đường dành cho xe đạp.

Quay lại câu chuyện ở TP.HCM, hiện nay nhiều tuyến đường có số làn xe quá ít và không gian một phần đã dành cho xe máy nên diện tích dành riêng cho xe đạp còn hạn chế.

“Tuy nhiên, xa lộ Hà Nội có diện tích đủ lớn để làm làn đường dành riêng cho xe đạp. Song chúng ta cần làm công tác thống kê bao nhiêu xe máy, bao nhiêu xe đạp lưu thông để phục vụ nghiên cứu và xây dựng dự án” - ông Toản góp ý.

Bên cạnh đó, ông Toản cho rằng khi làm đường ngành giao thông cũng cần tính toán ưu tiên cho phương tiện nào nhất, sau đó mới tính toán đến việc có làm làn đường cho xe đạp hay không. Sau đó, chúng ta mới tính đến việc thẩm mỹ, an toàn giao thông để xây dựng dự án giao thông.

“Ngoài ra, TP cũng cần xem xét đến việc quy hoạch đường cho xe đạp chỉ thực hiện ở nội khu, các khu vực với nhau. Còn đối với các tuyến đường nối TP là phương tiện giao thông công cộng, xe tải, ô tô” - ông Toản nhận định.•

Nhiều đơn vị sẽ phối hợp nghiên cứu

Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội (CII) nghiên cứu phương án thiết kế, tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ trên một phần mặt bằng xa lộ Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo CII cho biết theo quy hoạch ban đầu thì làn đường nằm giữa làn chính và song hành xa lộ Hà Nội, nghĩa là phía dưới metro. Tuy nhiên, hiện nay metro vẫn đang triển khai thi công nên chưa triển khai được mảng xanh dọc tuyến đường này. Theo đó, trong thời điểm này sẽ là thời gian nghiên cứu, đưa ra phương án, kế hoạch lập dự án.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/duong-danh-rieng-cho-xe-dap-o-tp-hcm-can-nghien-cuu-ky-post689724.html