Đường dành riêng cho xe đạp: Muốn đi phải bê qua rào

Theo phản ánh của người dân, việc lắp các rào chắn dọc điểm ra vào tuyến đường dành riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch khiến nhiều người ngại đi vào làn đường này, bởi nếu muốn đi hết hơn 2km thì người đi xe đạp phải dừng và bê xe qua các rào chắn cỡ 10 lần.

Mặc dù mới được đưa vào sử dụng, thế nhưng thời gian gần đây, Kênh VOV Giao thông nhận được nhiều ý kiến của người dân về tình trạng mất vệ sinh tại tuyến đường dọc sông Tô Lịch (Hà Nội).

Đây là tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ nên những bất cập này đã làm cho tuyến đường này trở nên vắng vẻ và không đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Đi xe gì thì cũng phải bê xe vượt rào.

Có mặt tại tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ bên bờ sông Tô Lịch, PV ghi nhận tuyến đường này kéo dài hơn 2km từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở và song song với đường Láng mới được khai thác, sử dụng từ ngày 1/2/2024.

Thế nhưng trái ngược với tình trạng đông đúc, ùn ứ tại đường Láng, nhất là vào các khung giờ cao điểm thì phần đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ lại vắng hoe.

Vào các khung giờ sáng sớm và chiều tối, chỉ lác đác một vài người đi bộ hay đạp xe.

Nhiều người dân vẫn lựa chọn đạp xe trên tuyến đường chính, giữa các làn xe ô tô và xe máy thay vì sử dụng làn đường dành cho xe đạp.

Anh Trần Quang Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi làm hàng ngày chia sẻ:

“Đường này cũng tiện nhưng đường hơi xấu nên rất sốc. Khu vực quanh sông cũng rất mùi. Rào chắn thế này sẽ cản được xe máy vào đây; nhưng em là người trẻ thì bê xe đạp qua được còn trẻ em và người cao tuổi sẽ bất tiện. Nếu em mà là người cao tuổi hoặc đi xe đạp to thì sẽ khó bê được…”

Theo người dân phản ánh, để hạn chế tình trạng xe máy đi vào đường dành cho xe đạp và người đi bộ, đơn vị quản lý đã lắp đặt các rào chắn bằng ống thép cao khoảng 50cm, dọc các điểm ra vào của tuyến đường.

Điều này lại làm cho người dân ngại đi xe đạp vào đường dành riêng cho mình bởi nếu muốn đi hết hơn 2km đường này, người đi xe đạp sẽ phải dừng và bê xe qua các rào chắn 10 lần.

Công việc này có vẻ như dễ dàng đối với người trẻ tuổi nhưng lại là một thách thức lớn với người cao tuổi. Bà Lê Thị Khải, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ:“Tôi cũng có đi xe đạp nhưng mà ít, bởi vì các đầu đều bị chắn thành ra chỉ đi được 1 đoạn thôi. Lúc nào đi cái xe nhẹ hoặc trong người khỏe mạnh thì nhấc qua dễ, chứ đi phải xe trọng lượng lớn quá hoặc là trong người mệt mỏi thì bê qua rất là ngại.

Hiện tại họ làm rào chắn thế thì chỉ người đi bộ là nhiều thôi. Nên hạ thấp rào chắn vì họ ken rất sát nên khi bê 1 cái xe đạp qua thì người cao tuổi như tôi rất ngại. Nhiều khi đi bộ còn lách được, chân không đau thì mình đi qua cũng dễ”.

Bên cạnh việc phải bê xe đạp qua các rào chắn thì người dân muốn đi vào tuyến đường này sẽ phải né qua các hàng quán, ô tô lần chiếm tại các nút ra vào.

Bên cạnh những bất cập tại các điểm ra vào tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ, phần dải phân cách giữa tuyến đường này và đường Láng còn đang trở thành điểm tập kết rác thải.

Đi dọc tuyến đường, không khó để bắt gặp các bãi rác tự phát, từ phế thải xây dựng, rác sinh hoạt, đồ dùng gia đình, vật liệu bằng sành sứ bị vứt bỏ lộ ra các mảnh vỡ sắc nhọn hay những điểm tập kết rác bị đốt nham nhở, cháy đen.

Nhiều điểm tập kết rác trên con đường ven sông Tô Lịch

Một công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên xử lý rác thải tại khu vực này cho biết: “Ngày nào cũng dọn, thường thường mỗi ngày phải 5-6 xe rác, ngày lễ tết thì nhiều hơn. Người ta thường xuyên mang rác đến đây để bỏ, gỗ rồi trạc thải, chẳng ngày nào không bốc đi mà vẫn cứ nhiều thế này”.

Theo Sở GTVT Hà Nội, phần rào chắn tại các nút giao đã có từ khi đây trở thành tuyến đường dành riêng cho người đi bộ. Sau thời gian thí điểm và ghi nhận ý kiến dóng góp của người dân, Sở đang nghiên cứu, tham khảo các mô hình đường dành cho xe đạp ở 1 số địa phương và sẽ áp dụng, điều chỉnh cho phù hợp, thuận lợi cho người dân và tình hình giao thông ở Thủ đô.

Lê Tùng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duong-danh-rieng-cho-xe-dap-muon-di-phai-be-qua-rao-post1085768.vov