Dưới tán rừng Mường Phăng

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi may mắn có dịp đến thăm Di tích Mường Phăng - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hệ thống các hiện vật gắn liền với những câu chuyện cảm động của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tô thắm thêm trong lòng mỗi người niềm tự hào sâu sắc về một thế hệ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc.

Nhiều cựu chiến binh, du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong những ngày tháng 4.

Mường Phăng - địa danh nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 105 ngày đêm (từ 31/1 - 15/5/1954). Tại căn cứ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ trạm gác tiền tiêu đi sâu vào cánh rừng dẻ hơn 800m, sở chỉ huy chiến dịch dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ được bố trí dọc theo con suối nhỏ, nằm ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Đây là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn, được làm bằng những vật liệu đơn sơ như tre, luồng và lá rừng.

Cách khu vực lán và hầm làm việc của các cơ quan không xa là đường hầm xuyên núi với chiều dài 69m nối giữa lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó là lán tác chiến - nơi theo dõi diễn biến chiến sự trên chiến trường của Ban Tác chiến và Ban Quân báo.

Đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo đảng địa phương tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin, tư liệu lịch sử tại Khu di tích Mường Phăng.

Trong lao xao gió ngàn, câu chuyện về quãng thời gian hoạt động, những kỷ niệm về Đại tướng đối với mảnh đất, đồng bào dân tộc ở Mường Phăng qua giọng nói mộc mạc của cô hướng dẫn viên người bản địa như đưa chúng tôi trở về gần hơn với những thời khắc lịch sử của dân tộc. Tận mắt thấy những lán trại, hầm hào đơn sơ ẩn khuất giữa rừng già, chúng tôi càng cảm phục sự can trường, những hy sinh mất mát và chiến thắng vĩ đại của thế hệ cha ông. Kính cẩn dâng nén hương thơm lên bàn thờ Đại tướng tại khu nhà Ban Quản lý di tích, trong mỗi người đều trào dâng niềm tự hào, rưng rưng xúc động. Hình bóng của Đại tướng vẫn còn đây, in đậm trong tâm khảm của đồng bào dân tộc, ghi dấu trên vùng đồi núi cao xanh này.

Dịp này, mỗi ngày, khu di tích đón hơn 1.000 lượt du khách trên mọi miền Tổ quốc đến tham quan. Trong muôn triệu trái tim ấy, có những người mới đến lần đầu, có người năm nào cũng đến, nhưng, tất cả vẫn vẹn nguyên một niềm xúc động, cảm phục và tự hào.

Ông Lê Văn An - cựu chiến binh đến từ Quảng Ninh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Mường Phăng. Được tận mắt nhìn thấy hệ thống hầm hào, lán trại đơn sơ, giản dị của Đại tướng, của Sở Chỉ huy, cảm giác trong tôi thật bồi hồi, càng thêm tự hào, cảm phục về ý chí, trí tuệ và bản lĩnh của các thế hệ đi trước. Chúng tôi, lớp cựu chiến binh hôm nay sẽ tiếp tục phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ cháu con học tập”.

Dịp này, mỗi ngày, Khu di tích đón hơn 1 ngàn lượt khách từ mọi miền Tổ quốc đến tham quan.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch giờ đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, Đảng bộ và Nhân dân Mường Phăng đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ tâm nguyện của Đại tướng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, công trình hồ chứa nước Loọng Luông đã được xây dựng. Công trình hoàn thành đã biến ước mơ mở rộng diện tích hai vụ lúa của người dân Mường Phăng trở thành sự thực.

Hơn 1.200 hộ dân ở Mường Phăng hôm nay không chỉ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mà còn đổi mới tư duy, lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Tại khu di tích, các quầy hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, dịch vụ ăn uống được hình thành, phục vụ nhu cầu du khách. Cùng đó là sự đổi mới trong cách ứng xử, giao tiếp của người dân đã làm nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của mảnh đất này.

Chị Lò Thị Thủy (dân tộc Thái) - hướng dẫn viên tại khu di tích chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từ nhỏ tôi đã thấm đẫm những câu chuyện của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên khi có cơ duyên trở thành hướng dẫn viên tại Khu Di tích Mường Phăng, tôi đã phát huy hết khả năng của mình để giới thiệu về chiến tích hào hùng của quân và dân ta với du khách trong và ngoài nước”.

Các sản vật của địa phương cùng phong cách ứng xử, giao tiếp của người dân đã làm nên sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến với Mường Phăng.

70 năm đã trôi qua, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân Mường Phăng, tình yêu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ, chiến sĩ Điện Biên vẫn còn nguyên vẹn. Những hình ảnh, lời dặn của Đại tướng luôn khắc sâu trong tâm trí đồng bào các dân tộc ở Mường Phăng. Đối với họ, Đại tướng như người cha, người ông đáng kính. Những địa danh của quê hương như: rừng Mường Phăng, hồ Loọng Luông… cũng trở nên gần gũi, thân thương hơn với tên gọi: rừng Đại tướng, hồ Đại tướng…

Về nguồn những ngày tháng Tư lịch sử, trong hành trang của người làm báo chúng tôi lại có thêm nhiều câu chuyện cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về vùng quê cách mạng Mường Phăng, về chiến trường và Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi không ngừng nỗ lực, tìm về với những trang sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục lan tỏa niềm tự hào về truyền thống cách mạng trên từng trang viết.

Thúy Ngọc - Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/duoi-tan-rung-muong-phang-post264883.html