Đuối nước - Đừng để nỗi đau thêm dài

Dù mới chớm hè, nhưng đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến đuối nước xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Tại Vĩnh Phúc, chỉ trong mấy ngày cuối tháng 4 đã ghi nhận 2 vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong. Chưa bao giờ tình trạng đuối nước ở trẻ em lại rơi vào tình trạng đáng báo động như hiện nay.

Nhiều tai nạn thương tâm

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng như trang bị kỹ năng, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí; xây dựng bể bơi tại các nhà trường...

Từ năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền cho hàng chục nghìn học sinh tiểu học và THCS tại các trường học về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; tổ chức hàng trăm lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Mỗi vụ đuối nước xảy ra là những bài học đau xót đối với phụ huynh học sinh trong việc quản lý con cái

Tuy nhiên, mỗi độ hè về, những câu chuyện đau lòng liên quan đến tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn luôn hiện hữu. Trong thời gian từ ngày 25/4-5/5/2021, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước làm 5 học sinh tử vong.

Tại huyện Lập Thạch, vào chiều ngày 25/4/2021, em N.V.H, học sinh lớp 9 Trường THCS Thái Hòa, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đi tắm cùng nhóm bạn tại kênh thủy lợi Liễn Sơn, đoạn chảy qua xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thì xảy ra đuối nước. Mặc dù đã được 40 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm Huấn luyện Bộ đội biên phòng tham gia tìm kiếm nhưng H đã không thể cứu chữa.

Tương tự, trên địa bàn huyện Tam Dương vào cuối tháng 4, một vụ đuối nước thương tâm đã làm 1 học sinh lớp 6 Trường THCS Hoàng Đan thiệt mạng.

Tại thành phố Vĩnh Yên, chỉ trong 5 ngày (từ 1/5-5/5/2021) đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 3 học sinh thiệt mạng. Trong đó, một vụ đuối nước ngày 1/5 làm 2 học sinh lớp 6 Trường THCS Khai Quang thiệt mạng. Chiều 5/5/2021, 1 học sinh lớp 4 Trường tiểu học Đồng Tâm cũng thiệt mạng do đuối nước ở hồ trước cổng nhà.

Bước vào mùa hè năm 2022, ngay sau vụ việc đuối nước thương tâm đối với hai học sinh ở Trường tiểu học Yên Dương, huyện Tam Đảo vào ngày 25/4 thì chiều tối ngày 26/4 lại xảy ra một vụ việc đuối nước khiến 2 học sinh lớp 9 Trường THCS Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên tử vong. Chỉ trong 2 ngày liên tiếp, Vĩnh Phúc đã ghi nhận 2 vụ việc đuối nước khiến 4 học sinh tử vong. Đây là những bài học đau xót đối với phụ huynh học sinh trong việc quản lý con cái.

Cần giải pháp căn cơ hơn

Những sự việc đau lòng trên đều xuất phát từ nguyên nhân do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước; nhiều trẻ thiếu không gian vui chơi, lại vào thời điểm nghỉ hè dẫn đến việc các em ra sông, suối để vui chơi, tắm mát.

Mặt khác, môi trường sống xung quanh trẻ không bảo đảm an toàn như tại các ao, hồ quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn thương tâm.

Mặc dù công tác phòng, chống đuối nước cho các em thanh, thiếu niên hằng năm đều được quan tâm với nhiều hoạt động nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ không may gặp tai nạn trên ao, hồ, sông chiếm tới gần 80% số vụ tai nạn thương tích năm 2021 của tỉnh. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ em trước nguy cơ đuối nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ có trách nhiệm rất lớn của người lớn và cộng đồng. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngay cả đối với những em biết bơi, thậm chí bơi tốt và điều đó cho thấy, việc biết bơi có chăng chỉ làm giảm thiểu nguy cơ, quan trọng nhất, các em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước. Các em cần nhận thức được các mối nguy hiểm rình rập từ môi trường nước để tránh xa các khu vực nguy hiểm. Cần có kỹ năng xử lý khi bản thân hoặc bạn bè rơi vào tình huống nguy hiểm ở môi trường nước.

Bên cạnh việc dạy kỹ năng sống cho học sinh tại các nhà trường, các bậc phụ huynh cần nhận thức đúng đắn trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình. Vấn đề quản lý, giám sát trẻ nhỏ luôn cần được từng gia đình quán triệt sâu sắc, từ đó giảm tối đa nguy cơ đuối nước ở trẻ em.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/76717/duoi-nuoc---dung-de-noi-dau-them-dai.html