Được công nhận “bảo vật quốc gia” sẽ được hưởng lợi gì?

VH- “Khi được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu hiện vật sẽ có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ gì? " là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm trao đổi tại cuộc hội thảo góp ý Thông tư Quy định trình tự, thủ tục công nhận bảo vật quốc gia, do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 8.9.

Dưới sự chủ trì của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTTDL, hội thảo đã quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, khảo cổ, cổ vật và giới quản lý. “Trống” quyền lợi, nghĩa vụ khi được công nhận bảo vật quốc gia “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học” (Luật Di sản văn hóa) Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục công nhận bảo vật quốc gia (từ đây xin viết tắt là Thông tư) đã được Ban Soạn thảo nghiên cứu công phu, phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và dễ hiểu, dễ thực hiện. Tuy nhiên, dù đã Dự thảo sang lần thứ 6 nhưng trong Thông tư vẫn đang còn thiếu vắng, hoặc chưa rõ một số vấn đề như quy định về tiêu chí, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. TS Lê Thị Minh Lý cho biết, Dự thảo chỉ mới đề cập quy định trình tự, thủ tục còn việc công nhận nó như thế nào lại chưa được thể hiện rõ. Thêm nữa, trong Dự thảo lần này cũng chưa đưa ra quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, và nhất là gần như chưa nói đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bà Lý cũng đặt vấn đề, trong Dự thảo nên đặt ra vấn đề tước bỏ danh hiệu trong trường hợp hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia bị hư hại hoặc gặp sự cố nào đó. Chia sẻ với vấn đề này, nhiều ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu kỹ để đưa thêm vào trong Thông tư quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu hiện vật khi được công nhận bảo vật quốc gia. Có như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia đăng ký di vật, cổ vật và lập hồ sơ hiện vật của mình gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. PGS.TS Tống Trung Tín lý giải, nếu chúng ta không quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ thì sẽ gặp khó khăn trong việc người dân tự giác lập hồ sơ hiện vật của mình gửi cơ quan chức năng xem xét, thẩm định để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. GS Lưu Trần Tiêu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu vấn đề này và tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng nhằm bổ sung, hoàn chỉnh. Nhưng cũng theo GS Lưu Trần Tiêu, trong Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa không quy định về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ khi được công nhận bảo vật quốc gia, vì thế cần cân nhắc thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật. Cần tăng cường biện pháp quản lý bảo vật quốc gia Góp ý về điều kiện đối với hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, quy định như trong Dự thảo là phù hợp quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Cạnh đó, cũng có ý kiến cho biết, điều kiện hay tiêu chí đối với hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia còn chưa rõ ràng và thiếu so với thực tế khách quan. TS Phạm Quốc Quân lại nói, hiện nay trong kho tàng di vật, cổ vật VN hết sức phong phú và đa dạng. Nếu quy định một cách chi tiết và đầy đủ thì rất khó. “Nói ra với nhau thì rất dễ, nhưng diễn đạt thành văn bản không thể bao quát hết được”, ông Quân nhấn mạnh. Theo GS Lưu Trần Tiêu, so với những Dự thảo lần trước thì lần này Ban Soạn thảo đã có sự nghiên cứu sâu hơn để diễn đạt ra những tiêu chí, điều kiện hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Song với những góp ý rất chân thành và khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, GS Tiêu cho rằng, trong khi chúng ta nghiên cứu chưa thật sự chín về các điều kiện hay tiêu chí một cách cụ thể và chi tiết như thế nào là bảo vật quốc gia để quy định trong Thông tư thì nên áp dụng Điều 41a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Bởi trong luật này đã quy định cụ thể về các tiêu chí mà một bảo vật quốc gia phải có. Tuy nhiên, hình thức diễn đạt như thế nào cũng cần cân nhắc thêm khi đưa vào Thông tư. Một vấn đề nữa cũng được nhiều người quan tâm là, trong Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã quy định khá chặt chẽ về việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài triển lãm, theo đó phải có văn bản đồng ý của cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, trên thực tế, không phải nhà sưu tập cổ vật sở hữu hàng trăm, hàng ngàn hiện vật thực sự có giá trị quý hiếm nào cũng có ý thức tự giác đăng ký di vật, cổ vật và lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Trong khi đó, dưới con mắt của nhiều nhà chuyên môn, trong số hàng trăm hiện vật ấy có nhiều hiện vật hội đủ tiêu chí là bảo vật quốc gia. Vì thế, khi họ làm thủ tục triển lãm trong nước hoặc nước ngoài thì cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát và quản lý được bảo vật quốc gia. Đó là chưa nói đến chuyện mua bán, trao đổi hoặc chuyển quyền sở hữu. Do vậy, có ý kiến đề nghị nên chăng trong Thông tư này cần có những quy định nhằm tăng cường biện pháp quản lý những hiện vật hội đủ các tiêu chí bảo vật quốc gia. Nguyễn Hòa “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học” (Luật Di sản văn hóa)

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/29272.vho