Đừng vội quy kết cho con

Khi trẻ có hành vi lệch chuẩn, cha mẹ và thầy, cô giáo nếu không xử lý khéo léo sẽ rất dễ khiến trẻ tổn thương hoặc phản tác dụng trong dạy dỗ con

Hãy luôn tin tưởng và đừng “gắn mác” xấu cho con. Ảnh minh họa: INT

Khi trẻ có hành vi lệch chuẩn, cha mẹ và thầy, cô giáo nếu không xử lý khéo léo sẽ rất dễ khiến trẻ tổn thương hoặc phản tác dụng trong dạy dỗ con sau này.

Cần cư xử tế nhị

Một giáo viên phổ thông chia sẻ về tình huống ứng xử sư phạm trước hành vi “tắt mắt” của học sinh trong lớp mà thầy cho là hiệu quả. Theo đó, lớp thầy chủ nhiệm đã nhiều lần xảy ra tình trạng mất đồ nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Có thể học sinh khác trong lớp biết nhưng không dám tố cáo vì nhiều lý do. Vào một buổi chiều, một học sinh trong lớp báo lại là em bị mất tiền, nhờ thầy giữ lớp lại 15 phút để em lục cặp các bạn. Học sinh này cũng quả quyết rằng bạn “A.” lấy, vì nhiều bạn trong lớp cũng nghĩ thế.

Sau tiết dạy, thầy giữ lớp lại. “Trong đầu tôi nghĩ đến nhiều giải pháp. Tôi không cho lục cặp, tôi cũng không chất vấn, quy kết cho “A.” Trước hết, tôi phân tích phải trái đúng sai, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của hành vi lấy trộm. Sau đó, tôi đưa cho mỗi em một mảnh giấy nhỏ và yêu cầu các em ghi tên học sinh mà các em thấy lấy tiền bạn vào tờ giấy ấy. Ghi bí mật, không cần ghi tên mình, ghi không cho ai thấy. Thu và xem xong giấy ghi, trước khi cho lớp ra về, tôi nói: “Thầy đã biết được ai lấy tiền bạn nhưng thầy không nêu tên ra ở đây. Thầy hy vọng sau buổi học này, bạn lấy đồ ấy sẽ trả lại tiền cho bạn. Thầy cũng tin rằng sau sai lầm này, bạn ấy sẽ không còn tái phạm lần nào nữa. Các em cũng cần tha lỗi cho bạn ấy!”, thầy chủ nhiệm này kể lại.

Đúng như sự kỳ vọng của thầy, sáng hôm sau, học sinh bị mất cắp tìm gặp thầy và nói: “Em cảm ơn thầy. Bạn “A.” đã gặp em và xin lỗi em. Bạn ấy hứa hôm nay sẽ trả tiền cho em, vì hôm qua bạn lỡ tiêu hết…”.

Thầy giáo chia sẻ rằng: Cũng có nhiều người cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng ở lứa tuổi học trò nên cho dừng ngay tiết học và truy tìm thủ phạm. Trong tình huống mất tiền không rõ ràng như thế liệu bạn có chắc chắn vào khả năng “phá án” của mình? Bạn có nghĩ đến trường hợp sau một thời gian căng thẳng cố gắng đến mấy bạn cũng không thể tìm ra thì tính sao đây? Uy tín của bạn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, và cả lớp mất một tiết học, chịu đựng không khí căng thẳng nghi ngờ lẫn nhau mà vấn đề vẫn không được giải quyết.

Đành rằng phương án xử lý này có thể nói lên trách nhiệm và sự quan tâm đến các vấn đề trong lớp học nhưng nó sẽ đẩy bạn vào nhiều tình huống khó xử khác và bạn rất dễ vận dụng những biện pháp “rắn” không cần thiết. Vì bạn nên biết rằng ở lứa tuổi này các em thường rất sợ bị dư luận tập thể lên án, coi thường, thậm chí hắt hủi vì tội trộm cắp tài sản của bạn là tật xấu không thể bỏ qua. Nên mặc dù có thể đã “trót cầm nhầm” nhưng vì bạn đang truy xét đến cùng và rất gay gắt nên em đó sẽ tìm mọi cách để tẩu tán “tang vật” chứ không bao giờ để bạn phát hiện ra.

Ảnh minh họa ITN.

Con không phải người xấu!

Cô Nguyễn Thị Vui, từng dạy Lịch sử tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết: “Chẳng có bố mẹ nào vui nếu thấy con mình có tính xấu ấy. Tuy nhiên, không phải cứ tắt mắt thì đã là đứa trẻ hư hoặc bố mẹ là người xấu. Điều đó chỉ có thể khẳng định rằng, cha mẹ chưa thực sự sâu sát, quan tâm đến con”.

Do đó, cha mẹ cần thường xuyên để tâm đến con cái và quan sát những hành vi, cách cư xử của chúng. Muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ phải rất gương mẫu. Cha mẹ đương nhiên phải rất rõ ràng về tính sở hữu. Đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác. Ở trong gia đình cũng vậy, chúng ta càng rõ ràng chuyện đó, càng dễ dạy trẻ nghiêm túc về vấn đề này. Cha mẹ cũng cần tôn trọng đồ dùng của trẻ. Đừng thản nhiên lấy đồ của chúng cho người khác hoặc đem cho, nếu muốn cần hỏi ý kiến trẻ.

Nếu nghi ngờ con lấy đồ của người khác, cha mẹ cần bình tĩnh bởi hành vi đó không có nghĩa trẻ sẽ trở thành một tên ăn trộm hoặc tội phạm trong tương lai. Lỗi đó cũng giống như bao lỗi khác mà con bạn gặp phải. Đừng kết tội hoặc đe dọa khiến con cảm thấy căng thẳng. Bạn cần phải bắt gặp quả tang, nếu chỉ suy diễn, bạn sẽ không thể giúp bé hợp tác cùng. Chẳng hạn, nghe thấy người ta nói con lấy đồ của người khác, bạn hỏi, trẻ sẽ chối bay chối biến. Nếu bạn không tin con, trẻ sẽ càng không trung thực vì biết cha mẹ không tin tưởng mình. Nếu con thú tội, bạn đừng trừng phạt.

“Ngay cả khi bạn đã chắc chắn tới 99% rằng con lấy thứ gì đó thì cũng chưa nên buộc tội con. Ví dụ, bạn mất một tờ bạc mới tinh mới rút từ ngân hàng ngày hôm qua. Khi mang quần áo của con đi giặt, bạn phát hiện ra trong quần con có một tờ giấy bạc như vậy. Bạn cũng chưa thể buộc tội trẻ. Có thể một người nào đó cũng đánh rơi và con nhặt được. Hoặc con bạn nhặt được chính tờ bạc bạn làm rơi. Trừ khi bạn bắt được quả tang con lấy của bạn, còn nếu không, bạn đừng cho con là kẻ lấy trộm sẽ khiến trẻ tổn thương nghiêm trọng”, cô Vui lưu ý.

Cô Vui chia sẻ thêm, khi bắt gặp con lấy trộm đồ, cha mẹ đừng ầm ầm yêu cầu con giải thích. Bố mẹ đừng lên lớp về đạo đức mà hãy nói đơn giản: “Lấy đồ của người khác là việc làm xấu. Con không muốn người khác lấy đồ của con. Do đó, con không được lấy món đồ đó”. Tuy nhiên, cách nói làm sao để trẻ không có cảm giác đang bị ngụ ý con là một người xấu. Bởi lấy đồ của người khác là hành vi xấu chứ không phải bé là người xấu.

“Bạn đừng gọi con là kẻ trộm, kẻ nói dối hay bất kỳ một ‘biệt hiệu’ nào đó mà bạn không muốn bé giống vậy. Khi bạn gán nhãn cho bé, bé sẽ hành động giống như thế”, cô Vui nhấn mạnh.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-voi-quy-ket-cho-con-post677633.html