Đừng tự hủy hoại mình

Nhật Minh

BPO - Simon Fraser là một trong những trường đại học của Canada, được thành lập tháng 9-1965 và có trụ sở tại bang British Columbia. Ngày 19-9-2023, trường này đã công bố cái gọi là báo cáo năm 2023 về 165 nền kinh tế trên toàn cầu năm 2021, trong đó có Việt Nam. Ngay sau đó, tổ chức khủng bố Việt Tân liền câu kết với những kẻ ăn theo nói leo là mấy cái loa rách gồm BBC, RFI, VOA, RFA… cùng những tổ chức phản động lưu vong ra sức chống phá Việt Nam bằng các thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu nhằm hạ uy tín Việt Nam. Chúng căn cứ vào những suy diễn vô căn cứ và áp đặt chủ quan rồi rêu rao rằng: Việt Nam vẫn trong nhóm áp chót về tự do kinh tế tính đến năm 2021, mặc dù đã tăng 4 bậc…

Cụ thể, theo báo cáo thường niên 2023 về tự do kinh tế - kinh tế thị trường, trên thế giới năm 2021 của Simon Fraser, thì Việt Nam xếp thứ 106, đứng giữa nhóm thứ 3 trong 4 nhóm quốc gia. Nhóm thứ nhất gồm các nước tự do nhất về kinh tế và nhóm thuộc diện khá, thứ ba là trung bình và thứ tư gồm các nước kém nhất về tự do kinh tế. Tuy cùng nhóm thứ 3 nhưng Việt Nam kém Ấn Độ tới 19 bậc. Trước đây, các vị trí của Việt Nam được Simon Fraser xếp theo thứ tự các năm là 110 vào năm 2000, 130 năm 2010, 132 năm 2015, 125 năm 2019 và 110 năm 2020. Điều đáng nói là Simon Fraser xếp hạng tự do kinh tế các nước trên thế giới bằng cách chấm điểm theo 5 tiêu chí của Mỹ và các nước phương Tây, gồm: Quy mô chính phủ, hệ thống pháp luật và các quyền về tài sản, sức mạnh của đồng nội tệ, tự do về giao dịch thương mại quốc tế, các chế tài của Nhà nước. Và tai hại hơn, thông tin mà Simon Fraser phát tán lại là cái cớ để các tổ chức phản động, thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam và những cá nhân bất mãn, cơ hội chính trị lao vào xuyên tạc, bịa đặt, quy chụp tình hình thực tế ở Việt Nam.

Trong khi đó, trên thế giới hiện có hai bộ chỉ số để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường là Index of Economic Freedom do tạp chí The Wall Street Journal cùng với Quỹ Di sản - Heritage Foundation công bố thường niên và Economic Freedom of the World do Viện Đại học Simon Fraser của Canada xây dựng. Tuy nhiên, các tiêu chí cũng như chỉ số đánh giá hằng năm của The Wall Street Journal và Quỹ Di sản được quốc tế tin tưởng và chấp thuận hơn. Theo bảng xếp hạng của tổ chức này công bố năm 2021, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng chỉ số tự do kinh tế. Và mới đây, trang tin chuyên về kinh tế và tài chính của Đức wallstreet-online.de đã đăng bài viết khẳng định, không một quốc gia nào có quy mô tương đương trên thế giới lại giành được thành tựu lớn về chỉ số tự do kinh tế như Việt Nam. Bài báo này cho biết, theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của 176 quốc gia do Quỹ Di sản công bố, độ tự do về kinh tế của Việt Nam được đánh giá đạt mức 61,8 điểm, đứng thứ 72/176 quốc gia và kết quả này tốt hơn 1,2 điểm so với chỉ số đánh giá của năm 2022.

Cũng theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của Quỹ Di sản, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 14/39 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tổng kết quả của Việt Nam nằm trên mức trung bình của thế giới và khu vực. Và đây là đánh giá tương đối chính xác, phù hợp thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay. Bởi lẽ, lịch sử phát triển của nhân loại không thể có một nền kinh tế nơi mà tất cả thị trường bên trong nó không được kiểm soát bởi các bên khác hơn so với những người tham gia trên thị trường. Nói cách khác, trên thế giới chưa bao giờ xuất hiện và tồn tại nền kinh tế thị trường thuần túy, mà chỉ có trong tư tưởng kinh tế bàn tay vô hình của Adam Smith. Đó là nền kinh tế mà thị trường tự chi phối mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nói đúng hơn, không có và không thể có một nền kinh tế thị trường chung chung, thuần túy, trừu tượng, tách khỏi hình thái kinh tế - xã hội, tách rời chế độ chính trị - xã hội của một quốc gia.

Hơn nữa, chủ nghĩa duy vật đã khẳng định vật chất là cái có trước, ý thức có sau, vật chất sinh ra ý thức và vật chất quyết định ý thức. Điều này có nghĩa là trong một quốc gia, lực lượng nào nắm giữ những ngành kinh tế có tính “yết hầu” thì cũng chính là lực lượng quyết định vận mệnh của quốc gia đó. Cơ chế vận hành này không phù hợp với thể chế chính trị mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã chọn. Hơn nữa, thực tế trên thế giới hiện nay cho thấy, mỗi quốc gia, dân tộc đều chọn cho mình giải pháp quản lý, vận hành nền kinh tế khác nhau. Trở lại với Việt Nam, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước…”.

Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng và đã tạo dựng cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vì hiện đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây, Vương quốc Anh đã có thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Như vậy, chính Canada đã công nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, vậy mà một nhóm người của một trường đại học ở một tỉnh của quốc gia này lấy tư cách gì mà xem xét tính chất kinh tế thị trường của Việt Nam? Đã vậy, họ lại đưa ra thông tin không những lạc hậu của 2 năm về trước mà còn thiếu chuẩn xác về nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo, nhưng GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02%, GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn.

Chính vì vậy, trong bảng xếp hạng những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới do US News & World Report vừa công bố đã nêu rõ: Với quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị trí top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022. Và trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore - vị trí 26. Đây là những bằng chứng hùng hồn, trung thực và sinh động nhất về quan điểm cũng như cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Do đó, việc ai đó cố tình tung ra những thông tin sai sự thật để rồi những kẻ đồng lõa nhúng cả chân lẫn tay vào ngoáy cho đục, nhưng mục đích xấu xa là nhằm hạ uy tín của Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được. Mong rằng, sẽ không còn ai thích nói sai về người khác vì như vậy là tự hủy hoại danh tiếng của chính mình.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/149191/dung-tu-huy-hoai-minh