Dùng 'trò ma' đặt hoạt động đấu thầu ra ngoài vòng pháp luật (Kỳ 2)

Luật Đấu thầu 2013 và các quy định có liên quan được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động đấu thầu, tuy nhiên vẫn có nhiều quy định chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn hiện hành nên đã bị những đối tượng từ chủ đầu tư đến nhà thầu móc ngoặc hạ 'đo ván', đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Bằng những thủ đoạn tinh vi, các “liên minh ma quỷ” này được hình thành ở nhiều cấp độ, khuynh đảo hoạt động đấu thầu ở nhiều nơi trên cả nước…

Những liên minh “ma quỷ”

Quá trình nhóm phóng viên tiếp cận tài liệu do Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cung cấp và trực tiếp điều tra, thu thập chứng cứ tại nhiều địa phương, có một cái tên đi xuyên suốt qua nhiều vụ án vi phạm đấu thầu ở cả hai lĩnh vực giáo dục và y tế, đó là Hoàng Thị Thúy Nga.

Hoàng Thị Thúy Nga có lẽ là cái tên mà nhiều người không còn lạ lẫm, bởi đây được xem là cánh tay phải giúp việc đắc lực của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Cũng ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga và đám đàn em “lũng đoạn” Sở Y tế trong việc tham gia những gói thầu cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi. Trong vụ án này, 16 bị can bị đề nghị truy tố, trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Là người thành lập và điều hành mọi hoạt động của AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập nhiều công ty thành viên trong hệ sinh thái AIC với mục đích làm “quân xanh, quân đỏ” cho hoạt động đấu thầu tại các địa phương. Quyền lực của Nhàn lớn đến nỗi nhiều công ty có quan hệ đối tác phải phụ thuộc hoặc phục vụ cho quá trình dự thầu, trúng thầu của AIC.

Bằng các thủ đoạn thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị, làm đẹp báo cáo tài chính dù không đủ năng lực với mục đích xây dựng hồ sơ dự thầu, đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, Nhàn đã cùng với đám đàn em dùng các thủ đoạn khác để trúng 4 gói thầu. Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh với tổng số tiền 232,19 tỷ đồng. Thông qua việc trúng 6 gói thầu, Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn “liên minh ma quỷ” với các đối tượng khác để được “phù phép” trúng nhiều gói thầu trong dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an đánh giá, vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, AIC và các đơn vị liên quan” có quy mô, tính chất gấp nhiều lần so với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, là một trong những ví dụ tiêu biểu, điển hình cho các hành vi sai phạm trong đấu thầu.

Trong vụ án này, có 32 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hai bị can Trần Đình Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Đinh Quốc Thái, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Để Công ty AIC trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, thu lợi bất chính tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập và dùng rất nhiều tiền chi phối các mối quan hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai, đồng thời câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thiết lập “quân xanh, quân đỏ” …

Khi “ngậm” số tiền nhiều tỷ đồng từ Nhàn hối lộ, các đối tượng dễ dàng bị Nhàn sai khiến, trở thành những “con rối” trong tay cựu Chủ tịch AIC. Những đối tượng trong “liên minh ma quỷ” này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng từ dự án trên. Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều vụ án khác nhau liên quan đến sai phạm trong đấu thầu. Ngoài vụ án tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, mới đây, Nhàn còn bị truy tố trong vụ án cũng về vi phạm đấu thầu xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Vòi bạch tuộc sai phạm trong đấu thầu của AIC vươn ra nhiều tỉnh, thành, lĩnh vực và đã bị Bộ Công an phát hiện, chặt đứt.

Ngoài ra, khi có sự thông đồng giữa các nhà thầu dưới hình thức “quân xanh, quân đỏ”… thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi để đảm bảo rằng các nhà thầu thua cuộc không để lộ hành vi bất hợp pháp cho cơ quan chức năng, hoặc có trường hợp đã “thông” quan hệ bằng tiền thì các cơ quan chức năng biết nhưng vẫn bỏ qua, chỉ cần về thủ tục được cho là đã hợp thức.

Cụ thể, các đối tượng thường sử dụng nhiều công ty tham gia dự thầu bỏ giá thật cao hoặc hồ sơ dự thầu không đáp ứng điều kiện trúng thầu hoặc tự rút lui khi mở thầu hoặc không tham gia mở thầu… nhằm tạo điều kiện cho một đơn vị trúng thầu.

Như trong vụ tham nhũng liên quan đến gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội”, Võ Việt Hùng, Giám đốc và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh đã nhờ Công ty cổ phần TECOTEC Group, Công ty TNHH Công nghệ Thiên Phúc làm “quân xanh”, nộp hồ sơ dự thầu để đảm bảo có đủ số lượng nhà thầu tham gia và bỏ giá thầu khi cần thiết để tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Đẩy giá thầu lên cao cũng là một thủ đoạn được sử dụng trong nhiều vụ án để các đối tượng có thể trục lợi từ các gói thầu. Tuy nhiên, để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó, từ đó trục lợi từ ngân sách, chia chác nhau, các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực.

Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong hàng loạt vụ án liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội…, các đối tượng đã thông đồng, móc ngoặc với nhau để đưa ra các chứng thư thẩm định giá của các thiết bị, vật tư y tế cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Đặc biệt là ở vụ án Công ty Việt Á, công ty này đã "bắt tay" với giám đốc CDC một loạt địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để trục lợi hàng nghìn tỷ đồng

“Phù phép” để trúng thầu

Theo Cơ quan CSĐT, để tham gia đấu thầu, một trong những nguyên tắc bất di bất dịch, là điều kiện cần và đủ, đó chính là tài chính của nhà thầu. Các công ty tham gia đấu thầu phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của chủ đầu tư, đơn vị mời thầu. Vậy nhưng, có không ít nhà thầu, công ty dù không đủ năng lực tài chính, nhưng đã tìm đủ mọi cách móc ngoặc với những đối tượng trong và ngoài lĩnh vực để “hô biến” báo cáo tài chính, “ngạo nghễ” tham gia đấu thầu. Những thủ đoạn này diễn ra ở nhiều lĩnh vực liên quan đến đấu thầu.

Tìm hiểu về thủ đoạn “ép thầu”, “hô biến” hồ sơ thầu từ không đủ điều kiện thành hồ sơ đẹp nhằm tham gia các cuộc đấu thầu tại địa phương, chúng tôi được biết: Ngày 20/6 vừa qua, Công an TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối tượng Thái Nguyên Thảo (37 tuổi, trú xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Giám đốc Công ty CP Xây dựng 24.3 Quảng Nam để điều tra về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Trước đó, vào tháng 1/2023, nhận thấy năng lực của Công ty CP Xây dựng 24.3 Quảng Nam do Thảo làm Giám đốc không đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ pháp lý dự thầu, thi công các công trình xây dựng nên Thảo nảy sinh ý định làm giả con dấu của văn phòng công chứng, rồi tự mình đóng và giả chữ ký của công chứng viên để chứng thực, sao y bản chính một số tài liệu giả mà Thảo đưa vào hồ sơ dự thầu của Công ty 24.3 Quảng Nam.

Thái Nguyên Thảo đã tìm hiểu, liên hệ và đặt làm giả 3 con dấu, gồm một dấu tròn có khắc tên "Văn phòng công chứng N.V.N.", một con dấu "Sao y bản chính" và một con dấu "Công chứng viên T.T.T"; sau đó dùng các con dấu giả trên để đóng lên 2 tài liệu photocopy (gồm giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng giả và giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật xe chuyên dụng giả) và ký giả chữ ký của công chứng viên để công chứng 2 tài liệu đưa vào hồ sơ dự thầu thi công công trình xây dựng. Ngày 30/5/2023, Công an TP Tam Kỳ phối hợp cùng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Tam Kỳ kiểm tra hồ sơ dự thầu thi công một công trình xây dựng của Công ty CP Xây dựng 24.3 Quảng Nam thì phát hiện các tài liệu trên là giả.

Cũng vào đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định cấm Công ty Trọng Trí (trụ sở chính tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong vòng 5 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Nam và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Lý do đưa ra là Công ty Trọng Trí đã kê khai và cung cấp các tài liệu không trung thực trong E- HSDT khi tham gia dự thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm điểm c Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013.

Tại một số địa điểm diễn ra việc mua bán hồ sơ dự thầu, cũng có hiện tượng lộn xộn, nghi có sự can thiệp của việc dùng “xã hội đen” ngăn cản các doanh nghiệp đối thủ mua hồ sơ thầu. Cách đây mấy năm, theo tố cáo của lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Saiko (gọi tắt Công ty Saiko, trụ sở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và nhân viên của công ty là bà L.T.N.M thì khoảng 10h ngày 15/10/2019, bà M được lãnh đạo công ty phân công nhiệm vụ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị xã Điện Bàn (UBND thị xã Điện Bàn) để mua hồ sơ mời thầu Dự án Nâng cấp mở rộng dự án 773 (giai đoạn 1).

Tại đây, bà M bị một số người yêu cầu ra ngoài quán cà phê nói chuyện, sau đó hăm dọa: “sẽ cử người đến chặt tay, chặt chân” nếu bà M tiếp tục tìm cách mua hồ sơ mời thầu. Sự việc xảy ra khiến bà M cảm thấy lo sợ, tổn hại về tinh thần, sức khỏe do bị uy hiếp. Kết quả trích xuất camera bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị xã Điện Bàn, thời điểm bà M đến mua hồ sơ có diễn biến như phản ánh. Đặc biệt, dữ liệu camera từ ngày 11/10 (ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu) đến ngày 15/10 tại đây cũng cho thấy, tình hình mua bán hồ sơ mời thầu có nhiều thời điểm diễn ra phức tạp, lộn xộn. Thậm chí xảy ra trường hợp xô xát, ẩu đả, đánh nhau tại khu vực mua hồ sơ thầu tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị xã Điện Bàn....

Một số công ty nếu chưa đủ điều kiện dự thầu thì thiết lập liên minh với các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực và uy tín thành lập liên doanh để dự thầu. Nhưng thực chất các doanh nghiệp lớn chỉ cho mượn hồ sơ với mác liên danh, chỉ có công ty nhỏ kia thực hiện các gói thầu, hoặc sau khi trúng thầu họ tìm cách bán thầu, hoặc nhượng thầu.

Đặc biệt, còn có hiện tượng một số công ty mục đích kinh doanh chính là… kiếm tiền từ việc nộp hồ sơ dự thầu, rồi bán lại cho công ty có nhu cầu thực sự thực hiện gói thầu. Các công ty này chỉ nhằm làm hồ sơ thầu thật đẹp, bỏ giá thầu thấp để đứng vị trí số 1, sau đó vào vòng thương thảo thì tìm cách thỏa thuận (bằng tiền) với doanh nghiệp đứng thứ 2 để cầm tiền và rút lui, nhường việc thắng thầu cho doanh nghiệp đó…

(Còn nữa)

T.Hòa - Hoàng Phong - Hồ Hùng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/dung-tro-ma-dat-hoat-dong-dau-thau-ra-ngoai-vong-phap-luat-ky-2--i700699/