Đừng tiếp tay cho vấn nạn săn bắt động vật hoang dã

Vấn nạn săn bắt động vật hoang dã là mối băn khoăn, lo lắng cùng không ít tiếng nói lên án gay gắt của cộng đồng, suốt nhiều năm qua.

Minh họa/INT

“Chẳng riêng gì chim ri, sẻ, én… vừa bay lên liền bị lưới tung ra chụp lại, mà còn có biết bao con non chưa biết bay, đôi chân run rẩy, đau đớn chẳng thể đứng được liền bị nhóm người bắt, nhốt rồi bán phục vụ nhu cầu phóng sinh để kiếm lời. Những hành vi này rất phản cảm, đáng lên án nên cộng đồng đừng tiếp tay thêm nữa...”.

“Tôi chọn rẽ mỏ thìa để viết kịch bản cho các họa sĩ vẽ thành truyện tranh trong khuôn khổ dự án “Nhã Nam workshop minh họa sách tranh thiếu nhi” là vì muốn nhờ họ truyền tải đến cộng đồng câu chuyện về loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) này do bị săn bắt trên đường di cư, trong đó có Việt Nam. Từ đó, mọi người biết thêm về chúng và có nhiều hành động cụ thể hơn liên quan đến việc bảo tồn các loài chim di cư qua dải đất chữ S xinh đẹp”.

Khi nói về vấn nạn săn bắt động vật hoang dã để phục vụ việc phóng sinh hay thú ẩm thực, từ nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Thanh Hà (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) đến tác giả Trang Nguyễn (nhà văn, nhà hoạt động xã hội vì môi trường) đều tâm huyết gửi gắm tâm tư và những điều các chị trăn trở như thế. Đây cũng là mối băn khoăn, lo lắng cùng không ít tiếng nói lên án gay gắt của cộng đồng, suốt nhiều năm qua.

Vậy nhưng, dường như chỉ là muối bỏ bể khi trên mạng xã hội vẫn chia sẻ tràn lan hình ảnh, clip khoe khoang về “thành tích” của những hành vi vô cùng xấu hổ này và cả những hàng quán thoải mái đề biển “Chim trời, cá sông”, “Đặc sản núi rừng”… sẵn sàng đón khách ở khắp nẻo đường.

Rồi thực khách cứ tấp nập tìm đến, thậm chí có người còn tỏ ra hãnh diện, lấy điều đó làm thước đo về đẳng cấp, thú ăn chơi cũng như sự “sang chảnh” của bản thân.

Có thể thấy, thực tế đó xuất phát từ thái độ ứng xử với động vật hoang dã vốn có từ lâu đời của loài người, nhất là thuở ban đầu được coi đó là nguồn thức ăn thường ngày. Nhưng, khi xã hội càng phát triển, nhận thức được nâng cao thì hành vi đó trở thành văn hóa xấu xí, phản cảm, cần phải thay đổi ngay trong mỗi người.

Vì vậy, bên cạnh chế tài xử phạt đối với những đối tượng vi phạm cần mạnh tay, sâu sát hơn nữa thì việc mỗi cá nhân cùng nói không với cách phóng sinh cũng như thưởng thức các món ăn chế biến từ động vật hoang dã bị đánh bắt vô tội vạ… là điều vô cùng cấp thiết.

Dù là lựa chọn không dễ của một yêu cầu khó nhưng không phải không làm được. Hãy xóa bỏ thói quen, sở thích ngon miệng, “sang chảnh” trong phút giây để rồi chuốc lấy những thảm họa từ sự mất cân bằng sinh thái đã và đang hiển hiện bằng ứng xử văn minh, chung tay gìn giữ bầu trời trong lành, thân thiện để muôn loài cùng hòa nhịp sinh sôi, trường tồn!

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-tiep-tay-cho-van-nan-san-bat-dong-vat-hoang-da-post679564.html