Dùng tiền sai lầm, tôi trắng tay sau 10 năm đi làm lương cao

Luôn hưởng mức lương phải đóng thuế thu nhập, nhưng hơn 10 năm đi làm đến giờ, tài sản giá trị nhất của chị Hoa chỉ là chiếc xe máy tay ga.

Dưới đây là chia sẻ của chị Thúy Hoa, 35 tuổi, hiện sống ở Hà Nội về những sai lầm trong chi tiêu và quản lý tài chính của mình.

Tôi ra trường năm 2003. May mắn là tôi chỉ thất nghiệp khoảng nửa năm, đến cuối năm, tôi xin được vào một cơ quan nhà nước tự hạch toán thu chi, với công việc thiết kế đồ họa.

Cơ quan tôi làm ăn rất tốt nên chỉ sau ba tháng thử việc, tôi đã được hưởng mức thu nhập hơn 5 triệu/tháng (gồm lương cơ bản, lương trách nhiệm, ăn trưa, xăng xe, điện thoại), tức là tôi đã phải đóng thuế thu nhập. Ngoài công việc chính tôi còn đi làm thêm, vì đó đều là công ty của các anh chị quen biết nên tôi được làm bán thời gian hoặc làm ở nhà, miễn là hoàn thành nhiệm vụ. Thực ra tôi không tự ý xin mà đều do họ mời đến làm vì phù hợp với chuyên môn của tôi. Từ năm 2005-2007, tôi làm thêm cho một công ty với mức lương 5 triệu/tháng. Từ 2007-2009, tôi hưởng mức lương 4,5 triệu/tháng ở công ty thứ hai. Đến năm 2010, tôi nghỉ các công việc làm thêm.

Trong khi đó, thu nhập ở công việc chính của tôi cũng tăng dần đều. Thời kỳ 2008 là khoảng 10 triệu/tháng, 2010 là 12 triệu, 2012 là 13 triệu. Từ năm 2013, việc kinh doanh của cơ quan tôi bắt đầu khó khăn, nhân viên bị cắt giảm lương, tổng thu nhập của tôi chỉ còn 10 triệu/tháng. Thưởng Tết cũng bị cắt giảm, trước đây chúng tôi thường được thưởng Tết 2-3 tháng lương nhưng từ năm 2013 chỉ còn một tháng.

Cuối năm 2014, tôi chuyển sang làm cho một công ty cổ phần bởi gần nhà hơn và có thời gian linh hoạt hơn, mức thu nhập 10 triệu/tháng. Con tôi (sinh năm 2013) hay ốm vặt nên thời gian tôi dành cho gia đình rất nhiều, tôi hầu như không đầu tư gì được cho công việc, chỉ cố gắng làm tròn vai để nhận lương.

Từ lúc đi làm đến giờ, tháng nào tôi cũng phải đóng thuế thu nhập, thậm chí 5 năm đầu mới ra trường, tôi là một trong những người có thu nhập cao nhất lớp đại học, nhưng hiện tại tôi vẫn ở nhờ nhà bố mẹ chồng, có được khoảng 100 triệu đồng tiết kiệm (đã bao gồm của cả chồng). Tài sản lớn nhất của tôi chỉ là chiếc xe máy tay ga mua hồi năm 2010 với giá khoảng 80 triệu, giờ được cánh buôn xe cũ trả 25 triệu.

Mấy lần họp lớp gần đây, mừng vì các bạn nhà cửa đàng hoàng, thu nhập cao, ngoài lương còn có những thu nhập thụ động khác, tôi cũng không khỏi buồn về tình cảnh của mình. Hiện tại, tôi có hai việc rất cần đến tiền: 1. Tách ra ở riêng, vì nhà bố mẹ chồng tôi rất chật mà lại đông người, phức tạp; 2. Mở một quán ăn hoặc một tiệm bánh ngọt nhưng số tiền tiết kiệm ít ỏi không ủng hộ tôi. Tôi càng cảm thấy hối hận về ngày xưa đã không biết tiết kiệm của mình.

Sau khi đọc các bài viết về quản lý chi tiêu, làm giàu, tôi nhận thấy mình đã mắc rất nhiều sai lầm khi sử dụng tiền. Trong đó, sai lầm lớn nhất chính là không đặt ra bất kỳ mục tiêu tài chính nào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, đủ sống là được, mà nhu cầu của tôi thì khá đơn giản: thỉnh thoảng ăn hàng, thỉnh thoảng đi chơi, đồ dùng hàng hiệu Việt Nam.

Lúc có thu nhập cao, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà, tôi cũng không nghĩ đến việc tiết kiệm tiền. Tiền dư sau khi chi tiêu hàng tháng, tôi cứ để nguyên trong tài khoản ATM, thậm chí gửi tiết kiệm trực tuyến tôi cũng không làm, chứ đừng nói đến đầu tư để tiền đẻ ra tiền.

Vì không có mục tiêu tài chính gì nên tôi chi tiêu rất thoải mái. Trong khi bạn bè tôi luôn chọn nhà giá rẻ để thuê thì tôi sẵn sàng thuê nhà đắt tiền. Ví dụ năm 2006, bạn tôi đa số chỉ thuê nhà một triệu/tháng thì tôi thuê một căn hộ chung cư ở khu Trung Tự giá 2 triệu/tháng. Năm 2009, tiền thuê nhà của tôi là 4 triệu/tháng. Nhà rộng, tôi cho họ hàng vào ở chung và không bắt bọn nhỏ đóng tiền nhà cùng mình.

Không có mục tiêu tài chính nên tôi chi tiêu vừa thoáng tay vừa cả nể. Người yêu bạn tôi bán hàng đa cấp, tôi mua ủng hộ mấy lần, hết gần 20 triệu mà thú thật dùng xong mớ thực phẩm chức năng đó, tôi không thấy sức khỏe mình cải thiện.

Đứa cháu bạn tôi tư vấn bảo hiểm nhân thọ, tôi mua một gói cho mình với giá trị hợp đồng 300 triệu, mỗi năm đóng khoảng 20 triệu. Bạn tôi chơi chứng khoán, rủ tôi mở tài khoản, dù chẳng hiểu gì về thị trường chứng khoán tôi cũng tham gia. Hai lần đầu theo bạn lướt sóng, tôi lãi được 4 triệu sau nửa tháng. Sau đó, tôi tự đầu tư, không có thời gian, tôi bỏ lỡ cơ hội bán đi khi cổ phiếu tăng giá. Để 3 năm, tôi lỗ mất gần 40 triệu.

Năm 2012, tôi chính thức rút chân khỏi thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tôi vài lần cho người thân quen vay tiền mà không được trả. Tính đến nay, còn ba người nợ tôi tổng cộng 30 triệu đã mấy năm rồi.

Vì vậy, tính ra hơn 10 năm đi làm, tổng thu nhập của tôi được khoảng 1,5 tỷ, nhưng tôi chỉ mua được hai cái máy tính để bàn, hai cái laptop, tổng giá trị khoảng 70 triệu (dùng đến lúc hỏng thì thay mới), mua được ba cái xe máy, tổng giá trị khoảng 110 triệu, vài cái điện thoại, một ít đồ dùng trong nhà mà bây giờ đem bán chắc được vài triệu. Dù tôi không ham mê hàng hiệu, không chạy đua công nghệ, không thua bạc (vì không chơi bao giờ) nhưng tôi chẳng để ra được đồng nào.

Sau khi lấy chồng năm 2013, tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiết kiệm mua nhà thì quả thực lúc đó đã muộn khi giá nhà đất ở Hà Nội ngày càng cao, còn lương của tôi lại bị giảm mà tôi lại không có nguồn thu nào khác.

Chồng tôi lương cũng chỉ được 10 triệu như tôi nhưng phải góp cho bố mẹ vì chúng tôi ở cùng. Lương của tôi thì chỉ đủ cho tôi và con trai nhỏ. Vì thế, từ khi cưới đến giờ chúng tôi mới chỉ để dư được 100 triệu, số tiền quá ít để có thể làm được việc gì.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/dung-tien-sai-lam-toi-trang-tay-sau-10-nam-di-lam-luong-cao-85404/