Dùng thuốc chống viêm bôi trị bệnh vảy nến sao cho an toàn?

Corticoid (thuốc chống viêm) bôi là một liệu pháp nền tảng được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh vảy nến. Bên cạnh hiệu quả điều trị, thuốc cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn, do đó, cần nắm rõ về tác dụng cũng như các lưu ý trong sử dụng để đảm bảo an toàn.

1. Các thuốc bôi ngoài da thường dùng trong điều trị bệnh vảy nến

Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, chiếm tỷ lệ khoảng 1-3% dân số thế giới tùy theo quốc gia, chủng tộc; do hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn gây ra tình trạng tự miễn dịch. Tổn thương cơ bản của vảy nến là các đám da đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau, có khi thành mảng lớn, ranh giới rõ với da lành, cộm, trên có phủ vảy da màu trắng dễ bong, vị trí hay gặp ở vùng tỳ đè, có tính chất đối xứng. Bệnh thường ít ngứa và chỉ ngứa ở những giai đoạn có tiến triển mạnh.

Một số trường hợp viêm khớp vảy nến thì người bệnh có sưng đau các khớp, có thể gây biến dạng khớp, hạn chế vận động.

Đến nay, bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị khỏi mà chỉ có thể làm giảm quá trình bệnh lý, kéo dài thời gian ổn định, giảm tái phát cho người bệnh. Mục đích của các loại thuốc bôi trị vảy nến là làm giảm vảy và giảm viêm dưới da, cải thiện triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân.

Có 4 nhóm thuốc bôi ngoài da trị vảy nến chính là thuốc corticoid, thuốc ức chế calcineurin, dẫn xuất vitamin D3 và retinoid. Ngoài ra có thể kết hợp thêm các chất dưỡng ẩm, axit salicylic, anthralin, hắc ín… thường được sử dụng cho các trường hợp vảy nến mức độ nhẹ hay trung bình.

Tổn thương cơ bản của vảy nến là các đám da đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau.

2. Vai trò của corticoid bôi tại chỗ trong điều trị bệnh vảy nến

Corticoid có tác dụng chống viêm, chống tăng sinh, ức chế miễn dịch, gây co mạch. Thuốc tác động thông qua gắn với receptor nội bào, điều hòa biểu hiện gen, đặc biệt là gen mã hóa các interleukin tiền viêm. Vì vậy, cần ít nhất 1 tuần để thuốc đạt tác dụng cải thiện lâm sàng và trung bình 2 tháng để lui bệnh.

2.1. Lựa chọn dùng thuốc

Corticoid bôi cũng được chia làm các loại có hoạt lực rất mạnh (ví dụ clobetasol propionate kem 0,05%), nhóm hoạt lực mạnh (như betamethasone dipropionate thuốc mỡ 0,05%), nhóm hoạt lực trung bình (ví dụ triamcinolone acetonide kem 0,1%) và nhóm hoạt lực yếu (ví dụ hydrocortisone acetate kem 1%)... Việc lựa chọn thuốc sẽ được bác sĩ quyết định dựa vào mức độ nặng của bệnh, vị trí, lứa tuổi.

Corticoid loại nhẹ có thể được sử dụng để điều trị vảy nến ở mặt, nếp kẽ, vùng da dễ bị teo da (như mặt trước cánh tay). Đối với lòng bàn tay, bàn chân, các mảng tổn thương vảy nến thường là mảng dày, mạn tính cần sử dụng corticoid mạnh hơn...

Thuốc mỡ là dạng thuốc có tính bôi trơn và giữ ẩm tốt hơn các dạng bào chế khác, phù hợp cho các tổn thương da dày, khô, nứt nẻ, sừng hóa. Dạng kem dùng ở vùng da ẩm và ở các nếp gấp da, dạng lotion và gel lại phù hợp ở những vùng da nhiều lông vì đặc tính bay hơi và khô nhanh.

2.2. Thời gian dùng thuốc

Corticoid loại mạnh bôi ngày 1-2 lần đến khi đạt được lui bệnh rồi có thể bôi ngày 1 lần vào 2 ngày cuối tuần hoặc bôi cách ngày để duy trì hiệu quả. Một lưu ý là bôi thuốc ngày hơn 2 lần cũng không tăng tác dụng của thuốc. Vảy nến có xu hướng dễ tái phát khi ngừng thuốc nên cần giảm thuốc từ từ, không dừng đột ngột. Đối với nhóm rất mạnh (clobetason propionat) sử dụng 2 lần/ngày, không kéo dài hơn 4 tuần và không quá 50g/tuần.

Corticosteroid bôi là một liệu pháp nền tảng được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh vảy nến.

3. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp

Những tác dụng không mong muốn là điểm hạn chế của corticoid bôi tại chỗ, đặc biệt khi sử dụng nhóm hoạt lực mạnh, kéo dài hoặc trên một vùng da rộng lớn.

Tác dụng phụ có thể gặp nhiều hơn khi sử dụng ở trẻ em do da trẻ thường mỏng hơn người lớn và thay đổi dần theo độ tuổi nên mức độ hấp thu thuốc cũng thay đổi. Ở trẻ em chỉ nên dùng nhóm hoạt lực yếu và trung bình trong một thời gian ngắn hạn.

Một số tác dụng phụ trên da thường gặp của corticoid tại chỗ là teo da, rạn da ở nách hoặc bẹn, dễ bị bầm tím da (ban xuất huyết người già/ ban xuất huyết do ánh sáng mặt trời), thay đổi màu da, giãn mạch, rậm lông…

Đôi khi, thuốc cũng gây những tác dụng phụ toàn thân nguy hiểm như rối loạn trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA), các vấn đề về nội tiết tố (hội chứng Cushing), suy tuyến thượng thận và hoại tử đầu xương đùi, rối loạn về chuyển hóa và điện giải.

4. Làm thế nào để dùng corticosteroid bôi an toàn?

- Chất làm mềm có thể được thoa trước hoặc sau khi sử dụng thuốc bôi chứa corticoid để giúp giảm kích ứng và khô da hoặc như một chế phẩm bảo vệ.

- Cần điều trị tình trạng nhiễm trùng nếu có.

- Đối với bệnh dày sừng như vảy nến hoặc những vùng da dày (bàn tay, bàn chân), có thể băng kín sau bôi thuốc để tăng hấp thu thuốc, tăng hiệu quả điều trị (thường băng kín vào ban đêm, lúc đi ngủ). Băng kín 1 đợt có thể từ 7- 10 ngày hoặc cách ngày, không nên băng vùi kéo dài vì 1 số ca có thể gây bí hơi, nhiễm khuẩn tụ cầu tại vùng da đó.

- Không nên ngừng thuốc đột ngột để tránh phản ứng dội ngược. Khi bệnh cải thiện, nên giảm dần tần suất sử dụng và/hoặc chuyển sang dùng thuốc có hoạt lực yếu hơn trước khi ngừng hẳn.

6 cách giúp hạn chế nám, sạm da.

DS. Phạm Quỳnh Như

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-chong-viem-boi-tri-benh-vay-nen-sao-cho-an-toan-169230719220210123.htm