Dùng thớt không đúng cách,người đàn ông suýt trả giá bằng tính mạng, đây là 7 sai lầm khi dùng thớt biến thành 'ổ' vi khuẩn gây bệnh

Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn này không ăn tiết canh, nhưng khi chế biến thịt, bệnh nhân đã dùng một chiếc thớt để thái thịt sống và sau đó rửa sạch để thái thịt chín...

Chia sẻ với PV ĐSPL, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, khoảng thời gian sau Tết, Khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nhiễm liên cầu lợn vào điều trị. Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân chia sẻ không ăn tiết canh hay thịt lợn tái sống trước đó.

Ảnh minh họa

Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 67 tuổi (tại Mộc Châu – Sơn La). Bệnh nhân có tham gia giết mổ lợn tại quê nhà. Một ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân sốt cao, đau đầu vùng sau gáy, buồn nôn, nôn nhiều nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu khám. Kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn, chỉ số viêm cao, tiên lượng của bệnh nhân rất nặng.

Bệnh nhân được các bác sĩ xử lý theo đúng phác đồ điều trị và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị tiếp. Sau khi điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã về bình thường. Sau đó, bệnh nhân có gặp herpes môi nguyên nhân là do suy giảm miễn dịch.

Theo bác sĩ Thiệu, bệnh nhân này không ăn tiết canh, không có vết thương tại tay, chân trước khi mổ lợn. Tuy nhiên, khi chế biến thịt, bệnh nhân dùng một thớt để thái thịt sống, sau đó rửa sạch thớt, tráng nước nóng rồi lại dùng chính thớt đó thái thịt chín.

"Trong quá trình chế biến thức ăn, nếu dùng chung thớt để thái đồ ăn sống lẫn đồ ăn chín thì có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh. Nhiều người dùng thớt thái thịt sống rồi chần nước nóng thái thịt chín, như vậy sẽ không đảm bảo vệ sinh", bác sĩ Thiệu phân tích.

5 sai lầm phổ biến khi dùng thớt nguy hiểm đến sức khỏe

Ảnh minh họa

Dùng chung thớt thái đồ sống và chín

Thịt sống, thịt gia cầm và cá có thể chứa vi khuẩn Ecoli và Salmonella, thủ phạm gây tiêu chảy và bệnh đường ruột…

Nếu bạn chỉ dùng một chiếc thớt vừa để chế biến thịt sống, vừa thái rau củ hay đồ chín thì chắc chắn sẽ khiến cả nhà nhiễm các vi khuẩn trên, lượng vi khuẩn nếu đủ lớn sẽ gây tai họa. Do đó, nguyên tắc đầu tiên về dùng thớt là phải có 2 cái riêng cho đồ sống và đồ chín, hình thức phải khác nhau cho dễ phân biệt. Sau khi dùng, cần rửa sạch với giấm và nước ấm.

Dùng nước rửa bát để vệ sinh thớt

Nếu chỉ dùng nước rửa bát thông thường, bạn có thể chỉ làm sạch vi khuẩn trên bề mặt thớt mà không loại bỏ được vi khuẩn ẩn sâu trong thớt, ngay cả khi bạn sử dụng nước ấm. Chưa kể lượng hóa chất lưu lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người trong nhà.

Bạn không nên lạm dụng chất tẩy rửa hóa học mà thay vào đó, hãy dùng chất tẩy rửa tự nhiên và an toàn như giấm, chanh, muối để chà trên bề mặt thớt.

Để thớt luôn ẩm ướt

Ảnh minh họa

Bề mặt ẩm ướt là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển. Thay vì đặt ngay thớt vừa rửa lên giá, hãy làm cho nó khô hoàn toàn trước đã. Như vậy sẽ giảm đáng kể cơ hội sinh sôi của các mầm bệnh.

Sử dụng cả 2 mặt thớt

Nhiều người thường sử dụng hai mặt của thớt, mặt này cắt thịt, mặt kia cắt cá hoặc mặt này cắt thức ăn chín, mặt kia cắt thức ăn sống. Phần lớn các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp… là nguồn ô nhiễm, rất bẩn. Khi bạn đặt thớt xuống thì vi khuẩn, vi trùng đã bám vào. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng một mặt của thớt.

Dùng một chiếc thớt quá lâu

Sau một thời gian sử dụng, mặt thớt gỗ và thớt nhựa trở thành ổ vi khuẩn. Một khi thớt của bạn bắt đầu bị nứt hoặc có các rãnh, sẽ rất khó để làm sạch, vi khuẩnsẽ sinh sôi trong đó. Vì vậy, nên thay thớt mới hằng năm.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dung-thot-khong-dung-cachnguoi-dan-ong-suyt-tra-gia-bang-tinh-mang-day-la-7-sai-lam-khi-dung-thot-bien-thanh-o-vi-khuan-gay-benh-172240315225545649.htm