Dùng Quỹ dự phòng để nợ rủi ro của người nghèo

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thông tư này quy định: UBND cấp tỉnh phải ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong Quy chế, một nội dung quan trọng cần đưa vào nội dung quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay.

Thông tư nêu rõ: Ngân hàng CSXH quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương vào thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội và quản lý, sử dụng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.

Trước hết là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chung. Trường hợp tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh thấp hơn 0,75% thì Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tối đa bằng 0,75% tính trên số dư nợ cho vay (không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh).

Tiếp đó là trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện theo dư nợ cho vay bình quân. Mức phí quản lý tối thiểu bằng mức phí quản lý Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng CSXH trong từng thời kỳ. Trường hợp lãi thu được sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng chung không đủ trích phí quản lý cho Ngân hàng CSXH theo quy định, ngân sách địa phương cấp bù phần còn thiếu cho Ngân hàng CSXH nơi nhận ủy thác.

Sau đó là trích phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp, các Sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn Ngân hàng CSXH nhận ủy thác từ ngân sách địa phương. Mức trích tối đa không quá 15% số tiền lãi thu được. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ được hưởng cho các đơn vị liên quan;

Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đối tượng được xem xét xử lý rủi ro, nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng, biện pháp xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH.

Thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh), do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện).

Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được Ngân hàng CSXH trích lập đối với cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách địa phương.

Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, tùy theo tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan Tài chính cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung ngân sách địa phương để xử lý, hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện.

Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sau khi được sử dụng để xử lý xóa nợ bị rủi ro lớn hơn số dư Quỹ dự phòng rủi ro tối đa, được bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ 1/4/2017. Thông tư số 73/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm hết hiệu lực thi hành toàn bộ từ ngày này.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dung-quy-du-phong-de-no-rui-ro-cua-nguoi-ngheo.aspx