'Đừng nói cấm xe máy, người Việt Nam rất dị ứng với từ cấm'

Đó là quan điểm của ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Tại tọa đàm “Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” diễn ra ngày 14/3, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng muốn giảm ùn tắc phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Ủng hộ quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân, TS. Lương Hoài Nam cho biết, 4 năm trước, đã nhận khá nhiều "gạch đá" vì đề xuất hạn chế, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi TP. Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nam, một điều tích cực là đến bây giờ, người dân đã thuận hơn rất nhiều đối với đề xuất này, ông cảm thấy đã bớt phải nhận "gạch đá" hơn rất nhiều từ phía dư luận.

"Hà Nội và TP.HCM nên kiên định đi theo con đường này", ông Nam nói.

Tuy nhiên, có một vấn đề khiến ông Nam cảm thấy "phiền lòng". Đó là khi đặt vấn đề này ra, rất nhiều người và ngay cả người thân, bạn bè ông cứ nói tới chuyện loại bỏ xe máy là phải kèm theo điều kiện: Bao giờ có tàu điện ngầm thì tôi sẽ bỏ xe máy!

Ông Nam cho rằng, đây là sự hiểu lầm cần được xóa bỏ. Bởi tàu điện ngầm không thể thay thế xe máy. Vì sao lại thế? ông Nam giải thích: Tại Singapore, bình quân cứ 7km đường mới có 1 bến tàu điện ngầm. Nhưng vì sao Singapore lại loại bỏ được xe máy? Đó là nhờ họ có khoảng 5.000 bến xe buýt phủ kín toàn thành phố.

"Chính vì thế, nên đặt vấn đề xe buýt là phương tiện công cộng thay xe máy, còn tàu điện ngầm là phương tiện vận tải lớn để thay xe buýt", ông Nam nhấn mạnh để người dân tại Hà Nội và TP.HCM không còn nhu cầu sử dụng xe máy nữa thì câu trả lời chính là phải có đủ xe buýt.

"Tuy nhiên khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường. Chỉ nên chọn 1 loại phương tiện thôi. Muốn xe buýt phát triển phải có làn đường riêng", ông Nam nói.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết rất chia sẻ với quan điểm của ông Nam. Tuy nhiên, có điều không nên dùng từ cấm. Bởi theo ông Hùng, người Việt Nam rất dị ứng với chỗ cấm.

"Chúng ta có thể làm kiểu gì cũng được, nhưng bản thân tôi thực sự cũng không ưa từ cấm, tôi cho rằng nên dùng từ sao cho người dân cảm thấy dễ chịu là tốt nhất để có sự đồng thuận cao", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết: Chúng ta đang hướng đến việc giảm thiểu sử dụng xe máy trong tham gia giao thông và tôi thì rất mong cấm xe máy đi trên đường quốc lộ, vì đó là nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.

"Tôi cũng mong muốn Hà Nội và các địa phương tổ chức được xe buýt, xe khách trong cự ly 100km mà vận hành như xe buýt, vì nếu vận hành như vậy sẽ không còn chuyện lốt đẹp lốt xấu trong vận tải hành khách nữa. Khi đó, xe cứ nối đuôi nhau mà chạy như xe buýt, chắc chắn sẽ giải quyết được việc chạy lốt này lốt kia, rồi nhiều vấn đề bức xúc trong vận tải khách thời gian qua", ông Hùng bày tỏ.

Ông Hùng cho rằng, khi giải quyết được vấn đề tuần tự như thế, lúc ấy cũng giảm được cả xe máy đi từ ngoài vào và giảm xe máy đi ở bên trong.

Đáp lại góp ý của ông Hùng, TS. Lương Hoài Nam cho biết ông mong cơ quan quản lý cần nói thẳng giải pháp với người dân để họ hiểu đúng và đi tới sự đồng thuận.

"Vừa qua, cả lãnh đạo Hà Nội và TP. HCM đều dùng từ cấm đối với xe máy mà hoàn toàn không bị phản ứng. Nếu tuyên truyền đúng, chữ cấm bản chất không có vấn đề. Chữ cấm chỉ dành cho những người không sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân ngay cả khi đã có phương tiện giao thông công cộng thuận tiện", ông Nam phản biện.

Theo ông Nam, sở dĩ phải cấm bởi trong dân vẫn có số lượng lớn những người kể cả khi có phương tiện công cộng vẫn thích đi xe máy. Chỉ cần số lượng này ào ra đường thì giao thông rối loạn hết. Kinh nghiệm từ chính quyền nhiều nước như Trung Quốc, Myanmar cho thấy họ cũng không dám bỏ từ “cấm” xe máy.

Chưa đồng tình với ý kiến của TS. Nam, ông Hùng tiếp lời: Vậy tôi xin nói thêm về việc cấm xe máy. Quản lý sử dụng phương tiện cá nhân có rất nhiều giải pháp, trong đó có cấm. Nhưng đừng để từ cấm phủ đen tất cả các giải pháp khác.

"Phải truyền thông hết sức thận trọng, trong đề án của Hà Nội và TP.HCM cần nói rõ những chỗ nào cấm, đối tượng nào cấm. Nhưng đừng nhấn mạnh từ cấm, mang cái cấm ấy treo thành cái biển che mờ tất cả các giải pháp phía sau...", ông Hùng nhấn mạnh.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dung-noi-cam-xe-may-nguoi-viet-nam-rat-di-ung-voi-tu-cam-2594257.html