Đừng là ngành công nghiệp mạo hiểm

Việt Nam nói chung cũng như Thủ đô Hà Nội đã xây dựng chiến lược đưa quảng cáo là thành tố của quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, tại một cuộc tọa đàm mới đây diễn ra tại Hà Nội, đại diện các DN quảng cáo đều than: đầu tư vào quảng cáo đang là một cuộc đầu tư mạo hiểm.

Tại cuộc tọa đàm mới đây với sự góp mặt của nhiều DN lớn của quảng cáo ở Hà Nội như: Công ty CP Đầu tư Bizman, Công ty CP Quảng cáo thương mại TM Hà Nội, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun…, lãnh đạo Hiệp hội quảng cáo đã bật mí, hiện nay, DN đầu tư một tấm biển bảng quảng cáo sẽ cần vài tỷ đồng, chạy vòng qua 8 con dấu của 8 đơn vị mới có thể được hoạt động.

Tuy nhiên, như ở Hà Nội hiện nay, 80% vị trí quảng cáo không hot, thường xuyên phải dùng bạt che phủ vì không có khách hàng. Trong khi nếu tính bài toán đầu tư đơn giản thì 1 DN cần 5 năm có khách liên tục mới có thể hòa vốn. Nếu rơi vào vị trí không hot thì thời gian hòa vốn còn kéo dài hơn nữa.

Chính vì vậy, mấy năm nay, thị trường quảng cáo có phần trầm lắng. Hà Nội đã nhìn nhận quảng cáo là một ngành công nghiệp, nhưng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại là 2 địa phương hiếm hoi trên cả nước chưa thể ban hành quy hoạch quảng cáo nên tâm lý đầu tư của các DN còn thấp thỏm.

Nếu vấn đề quy hoạch quảng cáo chưa giải quyết được, sẽ có vi phạm trong hoạt động quảng cáo, mất mĩ quan đô thị, thất thu ngân sách. Các DN bày tỏ, cần phải làm quy hoạch, chỉ có quy hoạch thì chúng ta mới biết chỗ nào được quảng cáo, chỗ nào không.

Lãnh đạo ngành văn hóa của Hà Nội cũng thừa nhận, cần phải gỡ những vướng mắc về thủ tục cũng như quy định vị trí quảng cáo không phải để gỡ vướng cho một vài cá nhân hay một vài DN mà cho cả một lĩnh vực đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế. Hà Nội đang thúc đẩy gỡ vướng các quy định để có thể ban hành Quy hoạch quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời.

Cách nhìn nhận về quảng cáo ngày nay rõ ràng đã khác xưa. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo là nói không đúng sự thật. Nhưng ngày nay, người làm quảng cáo luôn thúc đẩy các hoạt động truyền đi thông điệp quảng cáo là “mua bán niềm tin”, truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất, để người tiêu dùng có nhìn nhận đúng về sản phẩm.

DN luôn mong muốn các nhà quản lý hiểu được việc này, để đóng góp chung cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, để người dân thấy rằng, hoạt động quảng cáo là một phần trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh kinh tế, quảng cáo còn tác động không nhỏ đến việc truyền đạt thông điệp văn hóa. Chính vì thế đánh giá đúng vai trò và vị trí thì ngành quảng cáo mới thật sự chuyển mình, đóng góp vào sự phát triển sôi động cho Thủ đô, đất nước, nhằm để hoạt động này phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa. Đó là mong mỏi của người làm quảng cáo và của nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-la-nganh-cong-nghiep-mao-hiem.html