Đừng im lặng: Đừng 'đánh đố' người dân về tin dự báo bão

Hiện nay các bản tin thời tiết đều dùng thuật ngữ chuyên ngành, khó hiểu. Khi người dân nghe tin bão trên đài, nghe xong các thông số báo kinh, vĩ độ cần phải nhớ thì không sao nhớ nổi. Từ thực trạng ấy, mỗi khi đài báo bão, dễ sinh ra tình trạng khủng hoảng về tâm lý, bà con ta rất lo sợ như bão sắp vào mình…

Sau khi báo Lao Động đăng bài “Dự báo bão sai - ai chịu thiệt” trên số báo ra ngày 23.8.2016, nhiều bạn đọc đã đóng góp ý kiến với mong muốn cơ quan dự báo cần khắc khắc phục ngay tình trạng “báo sai” hiện nay. Lao Động xin giới thiệu bài viết của ông Trần Ngọc Hùng- chuyên gia về khí tượng thủy văn.

Thông thường khi có bão, Trung tâm DBKTTVTU thông qua Đài TNVN, đài THVN phát đi bản tin báo bão, trong đó có vị trí tâm bão được thể hiện bằng các thông số chuyên ngành như là: Vĩ độ mấy, Kinh độ mấy. Chúng ta hãy thử làm một cuộc trắc nghiệm với 100 người ở một địa điểm bất kỳ, để xin phỏng vấn: “Xin (ông, bà, anh, chị,…) cho biết tọa độ địa lý của thủ đô Hà Nội, vĩ độ mấy, kinh độ mấy? Liệu được mấy % người trả lời đúng?

Và nếu hỏi thêm: “Quê bạn nằm ở vĩ độ, kinh độ bao nhiêu?” chắc chắn chúng ta sẽ nhận được cái lắc đầu không biết. Đó là một thực tại ở nước ta nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, khi người dân nghe tin bão trên đài, nghe xong các thông số báo kinh, vĩ độ cần phải nhớ thì không sao nhớ nổi. Từ thực trạng ấy, mỗi khi đài báo bão, dễ sinh ra tình trạng khủng hoảng về tâm lý, bà con ta rất lo sợ như bão sắp vào mình. Trong thực tế đã gây ra không ít lãng phí trong việc huy động nhân lực vật lực phòng chống bão, trong khi bão không hề có khả năng đe dọa. Lại có địa phương quá “nhạy cảm” với tin bão mà huy động thu hoạch lúa non, bất, bẻ hoa trái khi chúng còn xanh…

Để có khắc phục tình trạng nói ở trên, làm cho nội dung tin bão trở nên gần gũi dễ hiểu, dễ nhớ. Căn cứ trên bản đồ hành chính Việt Nam để lập ra bảng thống kê vị trí vĩ độ của 26 tỉnh thành ven biển. Sau khi đọc xong phần kinh, vĩ độ thì bản tin cần thêm một cụm từ “Bão nằm ngang tỉnh, thành phố….”. Thí dụ vị trí tâm bão ở 20,4° vĩ Bắc và 108° kinh Đông, bản tin đọc thêm bão nằm ngang Nam Định, Ninh Bình. Thế là nhân dân hiểu ngay bão đang ở đâu.

Như chúng ta đã biết, bão chỉ đi vào vùng có trị số Khí áp thấp nhỏ nhất (Kiểu như nước chảy chỗ trũng). Nhân đây, cũng cần nói rõ thêm, ở nước ta một ngày có hai lần khí áp xuống thấp nhất vào lúc 4 giờ sáng và 16 giờ chiều và hai lần khí áp lên cao vào lúc 10 giờ và 22 giờ đêm. Vì vậy, khẳng định bão không đổ bộ vào ban ngày, mà chỉ độ bộ vào chiều tối và đêm về sáng mà thôi. Vấn đề Dự báo đường đi của bão không hề đơn giản. Công nghệ dự báo tiên tiến nhất hiện nay cũng chỉ đạt mức sai số như sau: Sai số trung bình dự báo cho 24 giờ khoảng 120km; Sai số trung bình sự báo cho 48 giờ khoảng 150km; Sai số trung bình dự báo cho 72 giờ khoảng 400-500km.

Theo kinh nghiệm của tôi, để có một bản tin dự báo mới, Trung tâm KTTV phải mất 3 tiếng đồng hồ để thu thập số liệu, trong thời gian đó, người dân ở vùng dự báo bão đi qua khó xác định bão đang ở đâu. Theo tôi, dựa trên quy luật gió bão thổi từ ngoài vào tâm, theo chiều ngược kim đồng hồ chỉ cần một dải băng treo nơi cao thoáng đãng là từng người dân cũng có thể tự “đo” bão cho mình. Nếu bão vào địa phương mình, hướng gió Tây Bắc không đổi, gió mỗi lúc giật mạnh lên, mư lớn là tâm bão đang vào gần. Đột nhiên gió yếu dần, ngớt mưa thậm chí quang mây là tâm bão trên đầu ta sau đột ngột đổi gió Đông Nam, giật dữ dội là tâm bão sắp đi qua.

Nhìn hướng gió, nếu hướng gió đổi ngược kim đồng hồ, gió ban đầu là Tây Bắc sau chuyển thành Tây, Tây Nam rồi Nam là hướng bão đi lên phía Bắc. Gió biến đổi theo thuận kim đồng hồ, từ Tây Bắc chuyển Bắc rồi Đông Bắc là bão đi xuống dưới, phía Nam.

Nếu nắm được quy luật này thì người dân phần nào tự dự đoán được hướng bão. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cơ quan dự báo bão phải hoàn thiện để đưa ra những dự báo chuẩn xác hơn, góp phần giảm thiệt hại do bão gây ra.

Hãy cùng Lao Động bình luận về vấn đề này. Mời bạn đọc bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoc@laodong.com.vn. Ý kiến của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dung-im-lang/dung-im-lang-dung-danh-do-nguoi-dan-ve-tin-du-bao-bao-586748.bld