Đừng đùa với bệnh hiếm gặp do chơi với chó, mèo

Chó, mèo là loài vật thân thiết với con người nhưng nếu cứ quấn quýt bên loài vật này mà không được vệ sinh sạch sẽ nguy cơ lây bệnh hiếm gặp rất cao.

Báo Dân trí dẫn thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước đó vào ngày 20/21/4 vừa qua đơn vị này đã nhận và điều trị cho cho hai cháu nhỏ tại (Kim Sơn, Yên Sơn) bị bệnh nấm tổ ong do lây từ chó, mèo. Các bác sĩ cho biết, bệnh nấm tổ ong là một bệnh hiếm gặp ở người do lây lan từ các loài động vật như chó, mèo.

Cũng theo các bác sĩ, thông thường, khi bị lây căn bệnh này từ chó, mèo, đầu tiên bệnh nhân sẽ xuất hiện các mụn mủ ở 1 số chân tóc, sau đó lan dần ra xung quanh, tạo thành 1 mảng lớn nổi cao thâm nhiễm. Bề mặt tổn thương gồ ghề, có nhiều vảy, nếu cạy vảy, lỗ chỗ như tổ ong chứa nhiều mủ nên gọi là “tầng ong mật”, tóc bị rụng tại đám thương tổn.

Thông tin từ người nhà cho biết, gia đình có nuôi chó, mèo đều bị ghẻ, nấm. Trước thời điểm nhập viện khoảng 2 tuần, hai bé đều có chơi với vật nuôi, sau đó xuất hiện tình trạng trên.

Hai bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp là nấm tổ ong trên đầu do chơi với chó, mèo. Ảnh: Dân trí

Tương tự liên quan tới việc chơi với chó, mèo lây bệnh, cách đây không lâu báo Người đưa tin cũng đưa, bệnh nhân là Đ.V.D., 47 tuổi (ở Hải Phòng) và nhập viện trong tình trạng suy kiệt, gần như liệt chân phải, nguyên nhân là do bị nhiễm một loại giun đũa lây từ chó mèo. Loại ký sinh trùng này làm tổ trong não, chèn ép vào dây thần kinh gây nên tình trạng trên.

Được biết, trước Tết, ông D. bị ngứa da đầu sau lan xuống toàn thân, dần dần xuất hiện tình trạng đau nhức, cà nhắc ở chân phải. Lúc đầu ông D. nghĩ rằng bị ngứa do dùng phải dầu gội đầu kém chất lượng. Tuy nhiên, các triệu chứng ngày càng bất thường, ông D. đã đi khám. Bệnh viện ban đầu nơi ông đến khám chẩn đoán là mắc phải một loại u não hiếm gặp. Nghe kết quả, ông D. không tin nổi vào tai mình.

Tuy nhiên, với chẩn đoán mắc một loại u não hiếm gặp, các bác sĩ tại bệnh viện này đã đề nghị ông D. kiểm tra một lần nữa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả bất ngờ, anh D được xác định mắc giun đũa chó mèo.

Nói về trường hợp trên, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, Toxocara spp là giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo, thường lây qua người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít qua da. Phần lớn các trường hợp nhiễm Toxocara spp, trứng đều nở trong ruột, ấu trùng sau đó chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác và gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến.

Không nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với chó, mèo. Ảnh minh họa

Thông tin thêm về tình trạng trên, Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cũng cho biết, từ đầu năm 2017, số bệnh nhân nhập viện do mắc giun sán tăng hơn so với mọi năm, trong đó, bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo khá nhiều. Thậm chí, nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phán tán ra môi trường.

Do đó, theo các bác sĩ khuyến cáo, gia đình nào nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ, người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật nên rửa tay sạch sẽ đồng thời hạn chế ăn rau sống tại các nơi ô nhiễm, hay có chứa đồ phóng uế của chó, mèo. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp như ôm ấp, chơi đùa... với chó mèo, nhất là khi chó mèo đang bị bệnh. Đặc biệt, nếu trên cơ thể người phát hiện các mụn mủ lạ trên đầu, cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu khám, điều trị và tư vấn kịp thời, tránh lây nhiễm.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dung-dua-voi-benh-hiem-gap-do-choi-voi-cho-meo-d120436.html