Đừng để con chịu áp lực từ việc học

Cả 2 tuần nay, thấy con có dấu hiệu sa sút tinh thần, mệt mỏi, chị Thảo Trân (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) luôn cận kề, động viên con.

Đồng hành cùng con qua giai đoạn thi cuối kỳ, cha mẹ nhắc nhở, động viên, đừng để các con quá căng thẳng (Ảnh minh họa: Việt Hằng)

Thảo Vy - con gái của chị, học lớp 9 và đang bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ 1. Cũng như bạn bè đồng trang lứa, mỗi khi bước vào kỳ thi, kiểm tra, tâm lý Vy luôn căng thẳng. Năm nay là năm cuối cấp, lại đặt mục tiêu vào Trường THPT Chuyên Long An nên Vy phấn đấu ngay từ đầu năm nhưng chính điều này lại tạo cho em áp lực nặng nề.

Chị Trân kể, thấy con căng thẳng nên dịp Noel vừa rồi, chị lên lịch đi ăn uống, cà phê, giải trí cùng gia đình nhưng Vy không muốn đi vì bận học. Tiếp đó, đến kỳ nghỉ Tết Dương lịch, chị muốn đưa con về quê ngoại nhưng Vy cũng không dám đi vì còn nhiều bài tập chưa ôn xong. Đêm nào con cũng học bài đến tận khuya, sáng đến trường trong trạng thái uể oải. Xót con, nên ngoài việc động viên, khuyên con đừng quá căng thẳng vì chú trọng vào điểm số, chị còn dành thời gian nấu những món ăn ngon bồi bổ cho con.

Tương tự Thảo Vy, Thế Long - học sinh lớp 6, Trường THCS Mỹ An, huyện Thủ Thừa, cũng khá áp lực bởi đây là năm đầu tiên Long được làm quen với hình thức thi của học sinh THCS.

Anh Quốc Hưng - cha của Long, cho biết: "Con cứ lo lắng không biết mình học như vậy là đủ chưa, có phần nào quên học không. Đến giờ cơm, Long cũng chỉ ăn qua loa rồi chạy lên phòng học tiếp. Tôi cũng đã trao đổi với cô giáo chủ nhiệm và giải thích cho con đây chỉ là kỳ kiểm tra cuối kỳ, không quá quan trọng. Thế nhưng những lời động viên của tôi cũng chỉ giải tỏa phần nào thôi, Long vẫn lo lắng".

Căng thẳng trước ngày thi là tình trạng chung của phần lớn học sinh khi bước vào kỳ kiểm tra. Nhiều em vì quá chú trọng điểm số, sợ thua bạn nên cố gắng hết sức để học nhưng chính điều này lại khiến các em rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Có trường hợp vì quá áp lực nên các em không hoàn thành tốt bài thi mặc dù những kiến thức đó khá dễ.

Hoàng Nam - học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), chia sẻ: “2 năm trước, em thi vào Trường THPT Chuyên Long An, lớp chuyên Hóa. Đề thi Hóa có 1 câu không quá khó và em đã làm dạng bài đó nhiều lần nhưng có lẽ, do lúc thi quá hồi hộp và căng thẳng nên em làm sai. Nếu làm đúng câu đó, có lẽ em đã đậu vào trường chuyên”.

Hoàng Nam muốn nhắn nhủ đến các em khóa sau rằng: Đừng cố “nhồi nhét” bài học trước kỳ thi vì càng làm như thế càng thêm “rối”. Kiến thức đã học cả một học kỳ nên đến kỳ thi chỉ cần xem lại để ôn tập. Dạng bài tập nào không hiểu, chưa giải được thì cứ bỏ qua, đừng cố học vì lúc này không còn đủ thời gian mà cần tập trung ôn những kiến thức cơ bản.

Áp lực trước mỗi kỳ thi là điều đương nhiên. Đồng hành cùng con qua giai đoạn này, cha mẹ nhắc nhở, đừng để các con quá căng thẳng. Nhiều em vì “ganh đua” điểm số, sợ mình thua bạn mà tự đặt “gánh nặng” quá lớn. Cha mẹ phải hiểu được tâm lý các con mà có sự quan tâm, chăm sóc, động viên hợp lý. Đặc biệt, không nên đặt thêm áp lực cho con.

Ai chẳng muốn con mình được điểm số cao, đứng thứ hạng cao trong lớp nhưng năng lực, sở trường của mỗi em là khác nhau, làm sao để các em phát huy đúng khả năng, đạt điểm số theo sức học của mình. Muốn được như vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tạo cho các em tâm lý thoải mái để bước vào kỳ kiểm tra./.

Tâm An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dung-de-con-chiu-ap-luc-tu-viec-hoc-a169185.html