Đừng dại theo đuổi đam mê, nếu bạn không biết nắm bắt cơ hội thay đổi số phận

Bởi vì đôi khi, đam mê không đồng nghĩa với tài năng. Điều quan trọng là bạn hãy biết nắm bắt cơ hội đúng thời điểm.

Thứ bạn đam mê không hẳn là thứ bạn làm tốt

Người trẻ, nuôi dưỡng trong mình những đam mê là tốt, theo đuổi nó đến cùng là điều đáng hoan nghênh, nhưng cần tìm cho mình một đam mê đúng đắn.

Bạn tôi, tốt nghiệp cử nhân văn học, nhưng lại ôm trong mình khao khát làm giàu. Hai mươi tư tuổi, dẹp bỏ hết những cơ hội việc làm đúng với chuyên ngành sang một bên, bằng những kiến thức ít ỏi gom nhặt được từ mấy cuốn sách dạy làm giàu, thằng bé hăm hở dấn thân vào thương trường với một niềm tin ngây thơ về thành công trong gang tấc.

Bỏ ngoài tai những lời góp ý chân thành từ những cố vấn kinh tế có chuyên môn, bạn tôi vẫn một mực tin rằng nó đang 'cứu rỗi thế giới' và đam mê thì cần đánh đổi bằng vô vàn thất bại. Nhưng sau những thất bại dồn dập khi thương vụ buôn Mứt tết đổ bể, một nửa căn nhà - món tài sản duy nhất còn sót lại sau những lần làm ăn bết bát của bạn tôi cũng đội nón ra đi.

Và lúc này, đam mê về kinh doanh cùng những khao khát làm giàu trong nó bỗng chốc nổ banh như bong bóng xà phòng. Một thực tế mà lẽ ra bạn tôi nên chấp nhận ngay từ đầu, là nó không hề có duyên với kinh doanh, thậm chí không có năng khiếu cho việc này.

Đam mê không đồng nghĩa với tài năng. Vấn đề của một bộ phận những người trẻ ngày nay là đam mê của họ không khớp với năng lực mà họ đang có. Đam mê là điều rất tốt, rất cần cho những người trẻ trên con đường khởi nghiệp nhưng lựa chọn đam mê ra sao, theo đuổi như thế nào cũng cần phù hợp với trình độ của mỗi cá nhân.

Mạnh dạn đầu tư cho đam mê

Bạn không thể trở thành một nhà thiết kế danh tiếng, tầm cỡ Donatella Versace (Italia) chỉ với những thước vải mua đổ đống ở chợ Ninh Hiệp, cũng không thể trở thành một Cristiano Ronaldo nếu chỉ hài lòng với những trái bóng nhựa chưa đến chục ngàn.

Mọi giấc mơ dù bé nhỏ hay vĩ đại đều cần những đôi cánh để bay lên, và đam mê thì càng cần đến sự đầu tư khoa học và bài bản mới có thể gặt hái được thành công. Nghĩa là, ngay từ khi những đam mê nhen nhóm trong suy nghĩ của bạn, bạn đã cần hoạch định cho mình một kế hoạch dài hạn để theo đuổi và nắm bắt nó.

Việc quan trọng đầu tiên là cần trả lời được câu hỏi: Đam mê của bạn mang lại lợi ích đến bao nhiêu người? Và nó có ảnh hưởng hay chi phối như thế nào đến cá nhân bạn, cũng như những người xung quanh?

Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ xác định mức đầu tư tài chính và phân bố thời gian hợp lí cho đam mê của mình, cũng như hạn chế được rủi ro khi vấp phải thất bại .

Một bức tường thành kiên cố được tạo ra từ những viên gạch nhỏ, nhưng số lượng những viên gạch là thứ bạn cần tính toán và chuẩn bị ngay từ lúc bắt tay xây dựng bức tường.

Đầu tư cho đam mê cũng giống như việc xây dựng bức tường đấy. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu bạn tính dư số gạch cần cho việc xây tường, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể hoàn thành nó nếu có một sự chuẩn bị không chu đáo.

Nhìn nhận thất bại như một đòn bẩy để bật cao hơn sau mỗi cú ngã

Trước khi 7 cuốn sách trong chuỗi Harry Potter được bán hơn 400 triệu bản, khiến nó trở thành series truyện được bán chạy nhất mọi thời đại, thì ít ai biết rằng, người tạo ra nó, J.K. Rowling đã bị 12 nhà xuất bản thẳng thừng từ chối bản thảo.

Chỉ đến khi con mắt tinh tường của biên tập viên Barry Cunningham đến từ Bloombury nhìn ra sức hấp dẫn tiềm ẩn từ cậu bé phù thủy Harry Potter, cuốn sách mới được xuất bản và trở thành cơn sốt trong lòng độc giả.

Không bàn đến năng lực thẩm định của biên tập viên, thứ đáng được tôn vinh ở đây là '12 lần thất bại của Rowling', mà cảm tưởng như có thể sánh ngang với '12 chiến công của Hercules'. Thử hỏi, nữ văn sĩ đã tìm thấy ở đâu niềm tin và sự kiên trì để bảo vệ đứa con tinh thần của minh khỏi những cái lắc đầu nghiệt ngã?

'12 lần thất bại của Rowling' hay bài học về thành công sau những cú ngã là mình chứng rõ ràng nhất cho việc đừng bao giờ vội vàng vứt bỏ đam mê ngay khi những khó khăn xuất hiện. Vì chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được khả năng của mình lớn đến đâu nếu không một lần can đảm đương đầu với thử thách.

Hãy dùng những thử thách ấy làm phương thuốc để tôi luyện mình trên con đường theo đuổi đam mê.

Đừng để đam mê làm đánh mất những cơ hội khác

Trở lại với câu chuyện thứ nhất, bên cạnh sai lầm về việc lựa chọn đam mê không phù hợp năng lực bản thân, người bạn của tôi còn mắc thêm một sai lầm khác khi đã liên tiếp bỏ lỡ những cơ hội đầy hứa hẹn về việc làm và mức lương ổn định để 'sống chết' theo đuổi giấc mơ của mình.

Thực tế là những câu chuyện về việc Anhxtanh bị đuổi học, Adam Khoo bị sáu ngôi trường ở Singapore từ chối, Mark Zuckerberg và Bill Gates đều nói lời tạm biệt Havard chỉ là cái cớ cho những người lười biếng vin vào để ngụy biện về sự thiếu đầu tư cho tương lai của mình.

Phần lớn những người thành công đều là những người biết nắm bắt cơ hội, và tìm cho mình một vị trí chắc chắn trong công việc ngay khi nhìn thấy chỗ trống.

Sự thật là công ty máy tính Apple rõ ràng không được sinh ra từ niềm đam mê, mà nó là kết quả của một cơ hội đầy bất ngờ.

Chàng sinh viên Steven Jobs trẻ tuổi của những năm trước khi thành lập Apple Computer là một người thích khiêu vũ, và thuyết thần bí Phương Đông, hoàn toàn không có bất cứ mối liên quan nào đến kinh doanh hay điện tử. Nhưng Jobs vẫn thành công, và đó là sự thật mà chúng ta hiển nhiên nhìn thấy được. Jobs thành công bởi sự lựa chọn cơ hội cho mình.

Xét về tình hình xã hội hiện đại, số lượng cử nhân tốt nghiệp mỗi năm và số lượng công việc cung ứng hoàn toàn tỉ lệ nghịch với nhau. Vì thế khi bạn bận bịu với việc theo đuổi đam mê của mình, rất có thể bạn vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội khác nhau, bao gồm cơ hội về việc làm phù hợp năng lực của bạn.

Hãy nhớ rằng, có những cơ hội chỉ xảy đến một lần, một thời điểm, nắm bắt hay bỏ lỡ nó là ở bạn.

Ngừng theo đuổi đam mê, và hãy mang theo nó bên mình

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những đam mê vì nó là động lực để thúc đẩy con người tiến lên phía trước. Nhưng cần có một sự đầu tư đúng đắn và cân bằng nó với những mối quan tâm và vấn đề mà bạn phải đối mặt trong hiện tại. Đừng xem đam mê như một yếu tố quan trọng duy nhất mà nên ngang hang với các yếu tố còn lại.

Ben Horowitz là người đồng sáng lập của a16z, một trong những VCs (Quỹ đầu tư mạo hiểm) thành công nhất ở Mỹ đã đưa ra lời khuyên chân thành: 'Đừng theo đuổi niềm đam mê của bạn mà hãy theo đuổi điều tốt nhất mà bạn có thể cống hiến'.

Lời khuyên này hay câu chuyện về thành công của Steven Jobs có lẽ là bài học hữu ích cho những ai đang băn khoăn về việc theo đuổi đam mê. Hãy cứ làm thật tốt những gì mình giỏi, tạm hoãn những đam mê và mang theo nó bên mình như một động lực

Bạn hoàn toàn có thể trở lại thực hiện nó khi đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm cũng như có một nền tảng ổn định về tài chính.

Theo Ngô Hoàng Anh/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/dung-dai-theo-duoi-dam-me-neu-ban-khong-biet-nam-bat-co-hoi-thay-doi-so-phan.html