Đừng bỏ qua giá trị kinh tế của văn hóa

Tại rạp chiếu phim duy nhất ở TP. Pleiku trên đường Nguyễn Tất Thành, khi có phim hay ra rạp, nếu không đặt vé online sớm thì không còn ghế ngồi. Có thể thấy, nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân thời nào cũng thiết yếu, cần được cung ứng như một loại hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề này dường như lại chưa được quan tâm đúng mức.

Điện ảnh là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đó là các ngành: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa là thế mạnh của Gia Lai trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: P.D

Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể) và các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền. Điều này cho thấy giá trị kinh tế của văn hóa vẫn ít được chú ý. Khi được “đóng gói”, “phân phối” và “lưu thông”, văn hóa tạo nên nguồn doanh thu trực tiếp. Nhiều quốc gia phát triển không chỉ coi công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người. Ở châu Á, một trong những đất nước cực kỳ thành công ở lĩnh vực này là Hàn Quốc. Những bộ phim Hàn “làm mưa làm gió” để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả là về văn hóa xứ sở kim chi.

Những năm qua, việc triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg tại Gia Lai gặp những thách thức không nhỏ do công nghiệp văn hóa ở địa phương chưa phát triển. Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, toàn tỉnh chỉ có 1 đơn vị chuyên nghiệp là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cả tỉnh vẫn chưa có thiết chế hoặc cơ sở vật chất dành riêng cho hoạt động này. Từ năm 2018 đến 2021, tổng số sự kiện được tổ chức trong năm chỉ… 1 hoạt động (riêng năm 2019 không có do ảnh hưởng của dịch Covid-19); năm 2022 được xem là “khởi sắc” với 3 hoạt động. Ngoài ra, toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở chiếu phim tư nhân tại TP. Pleiku, quy mô 4 phòng chiếu, sức chứa 550 ghế ngồi; 2 đội chiếu bóng lưu động thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Các huyện, thị xã trong tỉnh chưa có rạp chiếu phim tư nhân.

Về hoạt động xuất bản, ngành chức năng chủ yếu cấp giấy phép về bản tin thông tin hoạt động nội bộ; giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị... Trong lĩnh vực quảng cáo, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thu hút được một số đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng bảng tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại; song, do không thu phí hoạt động quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo nên không có doanh thu. Doanh thu từ lĩnh vực phần mềm và các trò chơi giải trí thì… hoàn toàn trống vắng.

Một lĩnh vực có thể xem là thế mạnh của Gia Lai, đó là du lịch văn hóa. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch như: sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, văn hóa-lịch sử. Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giai đoạn 2017-2022, tổng vốn đầu tư là 303,83 tỷ đồng. Lượng khách tăng từ hơn 673 ngàn lượt người (năm 2018) lên 960 ngàn lượt người (năm 2022).

Trong Báo cáo số 148/BC-UBND về “Kết quả triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg phục vụ Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” mới đây, UBND tỉnh xác định các giải pháp: tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tình hình mới; tiếp tục đề xuất xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường cũng như các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai; khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp; đầu tư các thiết chế văn hóa, đầu tư phát triển du lịch...

Mặt khác, chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa; ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa như: biểu diễn nghệ thuật, cồng chiêng, xoang, giải trí, quảng cáo; thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng…

Năm 2005, UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Theo đó, Công ước khuyến khích các quốc gia xây dựng chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình; đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp văn hóa “như một công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa”. Từ đây, có thể thấy rằng, sự phát triển phong phú của ngành công nghiệp văn hóa cũng chính là lời biểu đạt không thể hoàn hảo hơn về sự “giàu có” trong tâm hồn của một dân tộc. Và, những khoảng trống trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ được lấp đầy từ chủ trương đúng đắn, lâu dài.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dung-bo-qua-gia-tri-kinh-te-cua-van-hoa-post243816.html