Đừng bán rẻ thương hiệu đặc sản Cần Giờ

Nhiều đặc sản của huyện Cần Giờ chưa được người dân chú trọng giữ gìn, dẫn đến tình trạng trà trộn sản phẩm từ nơi khác ngày càng nhiều ảnh hưởng uy tín, thương hiệu.

Huyện Cần Giờ. TP.HCM có nhiều nông sản đặc sản nổi tiếng. Song việc xây dựng thương hiệu đang gặp trở ngại khi người dân chưa ý thức được việc giữ gìn thương hiệu, dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, để phát huy tốt giá trị thương hiệu đặc sản Cần Giờ, địa phương cần phải có cách làm mới.

Vì lợi nhuận bỏ quên thương hiệu

Toàn huyện Cần Giờ, TP.HCM có khoảng 530 nhà yến, cho sản lượng khai thác khoảng 14 tấn yến/năm. Huyện có 44 cơ sở chuyên sản xuất tổ yến thành phẩm, trong đó có 5 cơ sở sản xuất sản phẩm chuyên sâu về yến. Lợi thế của yến Cần Giờ là nghề nuôi yến đã được quy hoạch trong chiến lược chăn nuôi quốc gia. Đây là cơ sở để TP.HCM chọn tổ yến làm thí điểm trong chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ. Tuy nhiên, thương hiệu yến Cần Giờ đang gặp khó khăn khi có dấu hiệu trà trộn, giả mạo.

Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Cần Giờ, TP.HCM tập trung phát triển sản phẩm yến và được đánh giá tốt hơn yến ở những khu vực khác - Ảnh: Nguyễn Quang

Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Cần Giờ, TP.HCM tập trung phát triển sản phẩm yến và được đánh giá tốt hơn yến ở những khu vực khác - Ảnh: Nguyễn Quang

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Yến đảo Cần Giờ, do sản lượng có giới hạn, nên một số đầu nậu thu gom yến tại địa phương bán ra nước ngoài, đồng thời nhập yến kém chất lượng từ một số quốc gia lân cận về gắn mác yến Cần Giờ. Điều này đe dọa đến thương hiệu yến ngon nhất giới mà các ngành chức năng TP.HCM đang nỗ lực xây dựng.

Bà Lan Anh cho rằng, huyện Cần Giờ có thể bán yến từ nơi khác nhưng phải phân loại một cách rõ ràng, giúp khách hàng có thể mua được đúng yến Cần Giờ, đúng giá. “Các hộ dân nuôi yến phải biết được yến sào Cần Giờ là thương hiệu đặc sản của TP.HCM. Khi họ tự hào về đặc sản của chính mình, họ sẽ không nhập lung tung và giữ thương hiệu yến sào của Cần Giờ”, bà Lan Anh bày tỏ.

Không chỉ yến sào, các đặc sản nông sản khác của huyện Cần Giờ như khô cá dứa, xoài cát có thương hiệu trong lòng du khách nhưng vẫn chưa được người dân chú trọng giữ gìn. Từ đó dẫn đến tình trạng trà trộn sản phẩm từ nơi khác ngày càng nhiều ảnh hưởng uy tín, thương hiệu đặc sản của Cần Giờ…

“Trong chuyến du lịch Cần Giờ, tôi được người địa phương giới thiệu mua trái xoài cát đặc sản Hòa Lộc trồng ở Cần Giờ. Nhưng khi mua đem về tặng cho một số người quen sành ăn, họ nói đây không phải xoài Cần Giờ mà xoài ở nơi khác mang đến. Tôi cũng cảm thấy hơi thất vọng và có chút hoang mang, bởi ai đi du lịch đến đây muốn mua đặc sản chính gốc về làm quà. Cũng mong chính quyền địa phương, người nông dân ở đây đưa sản phẩm thật giá trị thật đến người tiêu dùng”, bà Huỳnh Thanh Tâm, 1 du khách băn khoăn.

Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất và duy nhất để phát triển thương hiệu nông sản đặc sản cho TP.HCM. Tuy nhiên điểm hạn chế lớn nhất là vùng nguyên liệu không lớn, sản lượng giới hạn - Ảnh: Nguyễn Quang

Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất và duy nhất để phát triển thương hiệu nông sản đặc sản cho TP.HCM. Tuy nhiên điểm hạn chế lớn nhất là vùng nguyên liệu không lớn, sản lượng giới hạn - Ảnh: Nguyễn Quang

Cần biện pháp hiệu quả

Theo các chuyên gia và DN, đặc sản Cần Giờ còn tình trạng thật giả lẫn lộn, nguyên nhân do vùng nguyên liệu không lớn, sản lượng giới hạn. Việc tận dụng lợi thế từ các chuỗi hệ thống bán lẻ của TP.HCM cũng chưa thật sự hiệu quả.

Qua các chuyến khảo sát thực tế, một số hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Central Retail, AEON, MM Mega Market… khẳng định sản phẩm huyện Cần Giờ chất lượng tốt, phù hợp với kênh phân phối hiện đại, có lợi thế trong vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ… Đáng tiếc là, sự hiện diện của đặc sản Cần Giờ tại các siêu thị chưa nhiều. Các hệ thống cam kết sẵn sàng tham gia từ đầu với nhà sản xuất và nông dân ở đây để hỗ trợ quản lý các khâu sản xuất, quản lý chất lượng để ra thị trường…

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Bộ phận hàng nhãn riêng - Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho rằng, mỗi sản phẩm luôn chịu sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước. Không phải cứ nói hàng tốt sẽ phải bán giá cao. “Để xây dựng thương hiệu và bán được hàng, nông hộ và nhà sản xuất phải tranh thủ tận dụng lợi thế từng mặt hàng cụ thể, cũng như xác định lợi thế hàng hóa để chọn định vị cho phù hợp”, ông Hoàng Anh khuyến cáo.

Để phát triển bền vững thương hiệu, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với đặc sản Cần Giờ, nhiều chuyên gia cho rằng, phải có DN chuyên môn đứng ra liên kết tổ chức sản xuất và giữ ổn định chất lượng. Phải đầu tư dây chuyền công nghệ, sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ nuôi trồng, sản xuất. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ để chế biến sâu, ứng dụng số hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Sở Công thương TP.HCM và hệ thống các siêu thị bán lẻ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản Cần Giờ - Ảnh: Nguyễn Quang

Sở Công thương TP.HCM và hệ thống các siêu thị bán lẻ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản Cần Giờ - Ảnh: Nguyễn Quang

Đặc biệt, để sản phẩm đi xa hơn, huyện Cần Giờ cần đẩy mạnh làm chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại... cho những sản phẩm có thế mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành chức năng để phát triển thương hiệu, thị trường.

TS Nguyễn Trần Chân, Chuyên gia nghiên cứu phát triển kinh tế tri thức và sở hữu trí tuệ Trường Đại học Văn Lang, Viện trưởng Viện Công nghệ Icome lưu ý, địa phương nên cố gắng làm chỉ dẫn địa lý để chứng minh sản phẩm này tốt, sau đó tạo hệ thống chỉ dẫn thương mại để người dân biết chỗ mua. “Thổ nhưỡng mình tốt sẽ mở rộng diện tích nhưng cũng tính đến câu chuyện “được giá mất mùa, được mùa thì mất giá” . Nếu mình có được công nghệ chế biến để có thể sấy, chế biến sâu đưa sản phẩm vào siêu thị bán cả năm hoặc đưa vào kho lưu trữ”, ông Chân nên quan điểm.

Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm, cần chứng minh cho người tiêu dùng thấy sự khác biệt của Cần Giờ so với các địa phương khác. Bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… quá trình hoàn thiện chứng nhận OCOP và tăng kênh phân phối cũng sẽ giúp đặc sản Cần Giờ khắc phục được điểm yếu về xây dựng thương hiệu tồn tại suốt nhiều năm qua.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dung-ban-re-thuong-hieu-dac-san-can-gio-post1049097.vov