Dùng app hẹn hò, bị lừa đảo kiểu 'chăn lợn' ở Mỹ

Sự kết hợp giữa hình thức lừa tình truyền thống với cám dỗ của tiền điện tử, ham muốn trở nên giàu có đang khiến nhiều nạn nhân ở Mỹ rơi vào cảnh trắng tay.

Người đàn ông trên ứng dụng hẹn hò đáp ứng đủ tiêu chí của Tho Vu, theo New York Times.

Anh ta là một kiến trúc sư điển trai đến từ Trung Quốc, hiện ở bang Maryland để thực hiện một nhiệm vụ dài hạn. Họ chưa từng gặp mặt nhau trực tiếp bởi anh ta vẫn đang chờ tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường.

Tuy nhiên, họ đã nhắn tin qua lại trong nhiều tháng qua và Vu bắt đầu phải lòng hắn. Anh ta gọi cô là “người yêu bé nhỏ” và nói về dự định sẽ đưa cô đến Trung Quốc để ra mắt gia đình khi đại dịch kết thúc.

Bởi vậy, khi người đàn ông này, tự xưng là Ze Zhao, nói với Vu rằng anh ta có thể giúp cô kiếm tiền bằng giao dịch Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, cô thấy rất hấp dẫn.

“Tôi đã nghe rất nhiều về tiền điện tử trên thông tin đại chúng. Tôi là một người tò mò, còn anh ta thực sự hiểu biết về quy trình giao dịch”, Vu, nhân viên chăm sóc khách hàng tại một công ty bảo vệ, kể lại.

 Tho Vu đã dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm cho kẻ lừa đảo cô quen trên app mai mối. Ảnh: Schaun Champion/New York Times.

Tho Vu đã dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm cho kẻ lừa đảo cô quen trên app mai mối. Ảnh: Schaun Champion/New York Times.

Thế nhưng, người đàn ông này không giúp Vu đầu tư tiền của mình.

Thay vào đó, hắn lôi kéo cô vào một vụ lừa đảo tài chính đang ngày càng phổ biến - kiểu kết hợp giữa sự quyến rũ lâu đời của trò lừa tình truyền thống với sự cám dỗ của tiền điện tử, hứa hẹn giúp một người giàu có trong chớp mắt.

Nhắm đến nạn nhân trẻ, có học thức

Trong vòng vài tuần, Vu (33 tuổi) đã gửi số Bitcoin trị giá hơn 300.000 USD, gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của mình, tới một địa chỉ mà Zhao nói rằng được kết nối với tài khoản trên sàn giao dịch tiền điện tử OSL ở Hong Kong.

Website trông có vẻ hợp pháp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng trực tuyến 24/7, thậm chí được cập nhật để hiển thị số dư tài khoản của Vu thay đổi khi giá Bitcoin tăng, giảm.

Zhao, tên thật không thể xác minh, đã hứa với Vu rằng các khoản đầu tư tiền điện tử của cô sẽ giúp họ kết hôn và bắt đầu cuộc sống cùng nhau.

“Chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn trên OSL và đi nghỉ tuần trăng mật”, New York Times trích nội dung tin nhắn mà người đàn ông này gửi cho Vu.

Tuy nhiên, chẳng có tiền điện tử hay chuyến tuần trăng mật nào diễn ra. Toàn bộ tiền của Vu rơi thẳng vào ví kỹ thuật số của kẻ lừa đảo và hắn liền biến mất.

Lừa đảo tình cảm, thuật ngữ dùng để chỉ những trò lừa đảo trực tuyến liên quan đến việc giả vờ quan tâm để lấy lòng tin của nạn nhân, gia tăng trong đại dịch. Giá tiền điện tử cũng vậy.

Điều đó làm cho tiền điện tử trở thành một điểm nhấn hữu ích cho những tên tội phạm muốn chiếm khoản tiết kiệm của nạn nhân.

 Nạn nhân của hình thức lừa đảo mới là giới trẻ, biết về công nghệ và có học thức. Ảnh: Jet Cat Studio.

Nạn nhân của hình thức lừa đảo mới là giới trẻ, biết về công nghệ và có học thức. Ảnh: Jet Cat Studio.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), khoảng 56.000 vụ lừa đảo dạng này, với tổng thiệt hại lên tới 139 triệu USD, được báo cáo lên cơ quan này vào năm 2021. Con số này gần gấp đôi so với năm 2020.

Các chuyên gia tin rằng kiểu lừa đảo này bắt nguồn từ Trung Quốc, rồi lan sang Mỹ và châu Âu. Tên tiếng Trung của nó là “chăn lợn”, đề cập đến cách “vỗ béo” nạn nhân bằng những lời tâng bốc và hoa mỹ trước khi bị lừa.

Kẻ lừa đảo dường như theo đuổi những phụ nữ trẻ, có học thức hơn trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble hay Hinge, hầu hết nạn nhân thuộc thế hệ Millennials.

 Hình thức lừa đảo này còn có tên là "chăn lợn", tức tội phạm sẽ "vỗ béo" nạn nhân bằng những lời ngọt ngào cho đến khi rút tiền của họ. Ảnh: Getty.

Hình thức lừa đảo này còn có tên là "chăn lợn", tức tội phạm sẽ "vỗ béo" nạn nhân bằng những lời ngọt ngào cho đến khi rút tiền của họ. Ảnh: Getty.

Khó lần được dấu vết

Các chuyên gia cho biết tiền điện tử đặc biệt hữu ích với kẻ lừa đảo vì tính riêng tư tương đối. Những tên tội phạm tinh vi có thể che khuất dấu vết giao dịch tiền.

Ngoài ra, vì không có ngân hàng trung ương hoặc công ty bảo hiểm nào ở Mỹ có thể bảo vệ nạn nhân ở lĩnh vực này, số tiền bị đánh cắp thường không thể lấy lại được.

 Niki Hutchinson không mong có thể lấy lại được số tiền đã đưa cho kẻ lừa đảo. Ảnh: Stacy Kranitz/New York Times.

Niki Hutchinson không mong có thể lấy lại được số tiền đã đưa cho kẻ lừa đảo. Ảnh: Stacy Kranitz/New York Times.

Niki Hutchinson, nhà sản xuất truyền thông xã hội 24 tuổi từ bang Tennessee, trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tình - tiền điện tử vào năm ngoái.

Trong chuyến đi tới bang California để thăm bạn, Hutchinson kết đôi với một chàng trai tên Hao trên ứng dụng hẹn hò. Người này nói rằng hắn sống gần đó và đang làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quần áo.

Cả hai tiếp tục trò chuyện trong hơn một tháng từ khi Hutchinson trở về. Cô thổ lộ với Hao rằng mình được nhận nuôi từ Trung Quốc và hắn cũng tự xưng là người Trung Quốc, thậm chí xuất thân từ cùng một tỉnh với gia đình ruột của cô.

Họ từng gọi video một lần, nhưng Hao chỉ tiết lộ một góc mặt và nhanh chóng dập máy. “Tôi tưởng anh ta ngại ngùng”, cô kể lại.

Sau khi mẹ qua đời, Hutchinson được thừa kế gần 300.000 USD từ việc bán ngôi nhà thơ ấu của mình. Hao gợi ý rằng cô nên đầu tư số tiền đó vào tiền điện tử.

Hutchinson đồng ý, gửi một lượng nhỏ tiền điện tử tới địa chỉ mà Hao đưa. Kẻ lừa đảo nói rằng nó được kết nối với tài khoản trên sàn giao dịch có tên ICAC. Về sau, Hutchinson gửi nhiều hơn.

Nhờ làm theo lời khuyên của Hao, Hutchinson thấy mình kiếm tiền thật dễ dàng. Cuối cùng, cô không những đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, mà còn đi vay thêm.

Tháng 12, Hutchinson bắt đầu nghi ngờ khi gặp khó khăn trong việc rút tiền về tài khoản. Giao dịch thất bại, và một nhân viên chăm sóc khách hàng của ICAC nói với cô rằng tài khoản sẽ bị đóng băng, trừ khi Hutchinson đóng hàng trăm nghìn USD tiền thuế.

 Shimon Hayut, "Kẻ lừa đảo Tinder" khét tiếng, khoe khoang cuộc sống sang chảnh sau khi ra tù. Ảnh: @simon_leviev_official.

Shimon Hayut, "Kẻ lừa đảo Tinder" khét tiếng, khoe khoang cuộc sống sang chảnh sau khi ra tù. Ảnh: @simon_leviev_official.

Phía Hao bặt vô âm tín. “Lúc đó, tôi đã nghĩ ‘Trời ơi, mình làm cái quái gì vậy?’”, cô nói.

Hiện Hutchinson đang cố gắng ổn định lại cuộc sống của mình. Cô và bố cùng sống trong chiếc xe RV, một trong số ít tài sản còn lại của họ. Cô cũng làm việc với cảnh sát ở Florida để cố gắng truy tìm kẻ lừa đảo.

Hutchinson không mong sẽ lấy lại được số tiền đã mất. Nhưng cô hy vọng những người khác hãy thận trọng hơn khi có kẻ lạ hứa giúp họ đầu tư vào tiền điện tử.

“Có nhiều câu chuyện về những người trở thành triệu phú chỉ sau một đêm. Nó đem lại cảm giác rằng ‘À, tiền điện tử đang là xu hướng mới nổi và tôi cần phải tham gia’”, cô nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-app-hen-ho-bi-lua-dao-kieu-chan-lon-o-my-post1297800.html