Đừng ảo tưởng với 'nghỉ hưu sớm'

'Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau… Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau' - lời rap của Đen Vâu bỗng nhiên bị vin vào, trở thành 'kim chỉ nam', thành trend của nhiều bạn trẻ theo hướng dừng làm việc và nghĩ đến 'nghỉ hưu sớm' mà không cần quan tâm đến những chuỗi ngày tiếp theo sẽ ra sao.

Những "viễn cảnh" màu hồng

Sổ tiết kiệm 10 con số với con số đầu tiên lớn hơn 5, có vườn rau, ao cá ở một nông trại gần thành phố, sống nhẹ nhàng không "tham, sân, si", thích thì đi đâu đó để xem thế giới rộng lớn ra sao… Đó là hình dung của nhiều bạn trẻ khi nghĩ mình sẽ "nghỉ hưu sớm", sẽ cỏ thể tham gia được FIRE.

Phong trào FIRE đã bắt đầu từ năm 1992 tại Mỹ, khi nhiều chuyên gia bắt đầu so sánh chi phí, thu nhập với thời gian sống của mỗi người. Bằng cách tiết kiệm 50-70% thu nhập cho các khoản đầu tư, những người sống theo FIRE có thể bỏ việc, "nghỉ hưu sớm" và sống bằng khoản tiền lãi. Hiểu đơn giản là dừng làm việc sớm để tận hưởng cuộc sống.

Bằng cách tiết kiệm 50-70% thu nhập cho các khoản đầu tư, những người sống theo FIRE có thể bỏ việc, "nghỉ hưu sớm" và sống bằng khoản tiền lãi. Ảnh: LinkedIn

Bạn Huyền Anh (25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) biết đến FIRE qua một bài giảng từ ngày còn học năm cuối cùng ở ĐH Kinh tế quốc dân. Cô bị thuyết phục bởi những giá trị mà trào lưu này mang lại và không ngần ngại trở thành tín đồ của FIRE. Ngoài công việc chính là quản lý mảng sales của một khách sạn 5 sao, Huyền Anh còn làm gia sư tiếng Hàn vào cuối tuần và nhận chụp ảnh cho các gia đình Việt - Hàn. Cô đặt mục tiêu có thể để ra tối thiểu 65% tổng thu nhập cho kế hoạch "nghỉ hưu sớm" vào năm 45 tuổi.

"Tại sao chúng ta cứ phải cố làm việc tròn vai cho đến tuổi nghỉ hưu mà không nỗ lực chỉ trong vòng 15 năm để sau này sống an nhàn. Nghỉ hưu sớm nghĩa là tôi được sống cuộc đời của chính mình sớm hơn những người khác", Huyền Anh chia sẻ.

Đầu tư chứng khoán được 5 năm, có mức lương ổn định tầm 45 triệu đồng/tháng, anh Phạm Hào, 30 tuổi ở KĐT Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội tin rằng, muộn nhất 40 tuổi, anh có thể "nghỉ hưu sớm" để theo đuổi giấc mơ ca hát của mình.

"Để ra được hơn 5 tỷ, tôi đã mua được nhà, mua được xe, không nợ nần ai. Với mức lương hiện tại và việc đầu tư chứng khoán vẫn có lời, tôi sẽ nghỉ làm việc để tham gia ban nhạc cùng các bạn từ thời sinh viên", anh Hào tự tin nói.

Bỏ công việc áp lực và chuẩn chỉ giờ giấc để làm một công việc "tự do" theo nhiều người đó cũng là một cách "nghỉ hưu"

Nhiều người trẻ bày tỏ quan điểm rằng, họ không muốn cả đời ngồi "mòn mông" ở một công ty nào đó và phải chịu những quy định khắt khe ở đây. Theo nhiều người, bỏ một công việc áp lực với giờ giấc gò bó để làm một công việc "tự do", đó cũng là một cách "nghỉ hưu". Và cách làm việc kiểu này, có thể thấy vẫn rất ổn trong thời gian mà đại dịch COVID-19 hoành hành.

Muốn nghỉ hưu sớm thì phải biết... tính

Trào lưu nghỉ hưu sớm là khả thi, nhưng không dành cho tất cả mọi người.

Đó là bởi ý tưởng FIRE khá vĩ mô và còn phụ thuộc vào tình hình tài chính, kế hoạch phát triển của từng người. Không phải ai cũng có thể đầu tư 50-70% thu nhập của mình. Nếu có thì điều này cũng yêu cầu khả năng tiết kiệm cực lớn. Nhìn chung, người chỉ làm nửa vời hoặc không biết cách cân đối chi tiêu sẽ không thể làm được.

Trào lưu nghỉ hưu sớm là khả thi, nhưng không dành cho tất cả mọi người. Nó yêu cầu khả năng tiết kiệm cực lớn

Hàn Quốc, muốn nghỉ hưu sớm khi đạt ngưỡng 40 tuổi thì bạn sẽ phải nắm trong tay 2 tỷ won (tương đương 20 tỷ VND) hoặc tài sản gấp 25 lần số tiền chi tiêu hàng năm. Do đó, bạn sẽ cần sở hữu thu nhập 70 triệu won/năm, hay 1,4 tỷ đồng.

Tại Việt Nam hiện nay, các bạn trẻ đang sống trong thời điểm lạm phát và sự bất ổn trong nền kinh tế chung cũng như sự nghiệp riêng. Song song với đó, trào lưu nghỉ hưu sớm ở người trẻ thu hút rất nhiều sự chú ý, các mẹo kiếm tiền, đầu tư, các bí quyết để nghỉ hưu trước 65 tuổi được truyền miệng rộng rãi. Không ít bạn sẵn sàng thực hiện hóa ước mơ nghỉ hưu sớm mà vô tình quên đi cách tính toán, dự trù chắc chắn cho tương lai lâu dài.

Bạn có biết, mỗi tháng bạn chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu không? Trên thực tế, câu hỏi này không chỉ dành cho người theo đuổi trào lưu FIRE mà dành cho tất cả những ai đang sử dụng đồng tiền họ tự kiếm được. Công thức là:

FI = Số tiền chi tiêu mỗi năm x 25

Ví dụ, mức tiêu dùng của một gia đình là 30 triệu/ một tháng (360 triệu/1 năm)x 25 năm = 9 tỷ VND thì đây là con số đánh dấu cặp vợ chồng đó đã đạt tự do tài chính. Khi đó, họ có thể từ bỏ công việc áp lực hoặc nhàm chán để theo đuổi những sở thích cá nhân như làm vườn, viết sách, du lịch…

Nếu mỗi năm rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo. Xác định được con số chính xác cho mỗi năm thì bạn mới có thể lập ra được kế hoạch để tiến tới cái đích nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 40.

"Nghỉ hưu sớm"chỉ là suy nghĩ và mong muốn của một bộ phận Gen Z, trên thực tế có khá nhiều người không ủng hộ quan điểm này. Dưới góc nhìn của những người thuộc thế hệ trước, thì "nghỉ hưu sớm" có vẻ xa rời thực tế.

"Nghỉ hưu sớm" là một quan điểm hơi thực dụng. Thanh niên nếu sợ áp lực mà nghỉ việc sớm để hưởng thụ, sao có thể trưởng thành, sao có thể tạo ra các giá trị cho xã hội…". - ông Nguyễn Cảnh Hiệp, khu dân cư 6, phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho biết.

Ông Nguyễn Cảnh Hiệp, khu dân cư 6, phường Trung Liệt, quận Đống Đa

Không chỉ ông Hiệp mà nhiều người cùng thế hệ với ông đều có chung suy nghĩ rằng, lớp trẻ bây giờ tư duy khác quá. Họ chỉ biết sống cho bản thân và mong muốn mình được hưởng thụ nhiều nhất có thể.

Đừng trở thành gánh nặng

Ở góc nhìn xã hội học, PGS-TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dân số già hóa, quan điểm "nghỉ hưu sớm" sẽ gây áp lực đến xã hội.

PGS-TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội

"Nếu bạn trẻ, bạn có quyền sống YOLO (You Only Live Once, có thể hiểu là bạn chỉ sống duy nhất một lần) nhưng phải sống có trách nhiệm và đừng tạo gánh nặng cho người khác". - ông Nam chia sẻ thêm.

Gánh nặng ở đây là điều mà chưa chắc những người muốn "nghỉ hưu sớm" đã tính đến. Nhiều người "nghỉ hưu sớm" nhưng chi tiêu quá độ để rồi lại hoàn nghèo và phải quay trở về làm việc. Thậm chí có người còn nợ nần chồng chất, nghiện rượu hay mắc nhiều chứng bệnh tâm lý. Và khi đó, chính gia đình của họ sẽ mang thêm gánh nặng.

Việc chuyển đổi từ làm việc 8 tiếng mỗi ngày sang dư dả thời gian không hề đơn giản. Thời gian đầu các bạn trẻ có thể rất hào hứng nhưng nếu việc này kéo dài sẽ gây ra cảm giác buồn chán, mất phương hướng nếu không có kế hoạch rõ ràng. Bởi vậy các chuyên gia thường khuyên bạn trẻ tìm thú vui và xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn tư tưởng cho hậu "nghỉ hưu non" nhằm giữ mức chi tiêu hợp lý.

"Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị". Đây là câu trả lời của Chủ tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu. Tất nhiên, làm thế nào để có được 100 tỷ thì Shark Phú không nói. Nhưng nhìn vào cái nhìn định lượng của các ông chủ doanh nghiệp để thấy: Nếu muốn nghỉ hưu sớm, đừng chạy theo trào lưu, hãy tính toán và cụ thể hóa bằng các con số, đừng trở thành gánh nặng bằng sự hão huyền và lười biếng của mình.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dung-ao-tuong-voi-nghi-huu-som-224008.htm