'Dune 2' - kỳ quan điện ảnh

Bên cạnh câu chuyện hùng vỹ cùng âm nhạc sống động, hậu truyện về hành tinh cát còn mê hoặc khán giả bởi một thế giới giả tưởng lộng lẫy vượt sức tưởng tượng.

Director: Denis Villeneuve
Cast: Timotheé Chalamet, Zendaya, Rebecca Ferguson…
Rating: 9/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Chuyển thể từ danh tác khoa học viễn tưởng vĩ đại của nhà văn Frank Herbert, Dune: Part Two là phim dài thứ 11 trong sự nghiệp của Denis Villeneuve, tiếp nối phần tiền truyện ra mắt 3 năm trước. Đây không phải lần đầu tiên thiên truyện Dune bước lên màn ảnh rộng. Nhưng phải đến hai phần phim do đạo diễn gốc Pháp thực hiện, thượng đế của rạp chiếu bóng mới thực sự bị chinh phục trước những khung hình lộng lẫy và mê đắm không tưởng.

Hậu truyện Dune tiếp tục theo chân nam chính Paul Atreides (Timotheé Chalamet) khi đồng hành cùng Chani (Zendaya) và người Fremen trên hành trình trả thù thế lực sát hại gia tộc. Đối mặt với lựa chọn giữa tình yêu cá nhân và số phận vũ trụ, Paul phải ngăn chặn viễn cảnh tương lai tồi tệ mà chỉ mình anh có thể nhìn thấy.

Kỳ quan điện ảnh

Dune 2 vẫn lấy bối cảnh tại hành tinh cát Arrakis, nơi khí hậu khắc nghiệt chôn giấu loại tài nguyên quý hiếm mang tên hương dược - thứ duy trì tuổi thọ và nâng cao ý thức, thậm chí có lợi cho việc du hành không gian. Đó cũng là lý do khiến nó được các đại gia tộc tranh giành bằng mọi thủ đoạn, trở thành “mỏ vàng trung tâm” của vũ trụ Dune.

Sau khi trốn thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù, Paul cùng mẹ lúc này phải học cách hòa nhập với dân bản địa Fremen. Cũng trong hành trình này, anh rơi vào lưới tình với Chani, để rồi mắc kẹt giữa tham vọng trả thù, quyền lực và cả lòng tin của người yêu.

Hậu truyện Dune có kinh phí lên tới 190 triệu USD.

Ấn tượng đầu tiên mà Dune 2 để lại vẫn là một thế giới giả tưởng lộng lẫy vượt sức tưởng tượng. Một vẻ đẹp khốc liệt bóp nghẹt người xem, rù quến thị giác bằng sự lộng lẫy đầy chết chóc nơi hành tinh cát. Vẻ tàn nhẫn của hoang mạc cùng sự độc đáo trong văn hóa bản địa tạo nên bức tranh xứ Arrakis đầy lạ lẫm và mê hoặc.

Từ “hoành tráng” dường như là chưa đủ để mô tả về thế giới trong phim. Chúng hiện lên tàn khốc, không khoan nhượng, chứng kiến bao phen gió tanh mưa máu hòng tranh đoạt hương dược, nhưng ẩn sau đó lại là bức tranh sinh động về hệ thống chính trị, tín ngưỡng. Hành tinh cát vừa là địa ngục, song mặt khác lại như mỏ vàng cho các thế lực tận sức xâu xé.

Denis Villeneuve thành công mang linh hồn của nguyên tác văn học, vốn được coi là một trong những tượng đài khoa học viễn tưởng, lên màn ảnh rộng. Đó là việc xây dựng một thế giới đồ sộ, đa sắc, chứa đựng nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục và thể chế chính trị cực kỳ phức tạp. Phong cách làm phim không màu mè nhưng vẫn sống động, sặc sỡ một cách kỳ lạ giúp nam đạo diễn gốc Pháp ghi điểm mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Nếu như tiền truyện để lại chút tiếc nuối vì yếu tố hành động hạn chế, thì sang tới phần này, Denis Villeneuve mạnh dạn chiêu đãi người xem bằng loạt cảnh hành động khổng lồ, với quy mô choáng ngợp. Không ngoa khi nói rằng Dune: Part Two mang đến những thước phim hành động ấn tượng bậc nhất trong nhiều năm đổ lại đây, không hề lép vế khi đứng cạnh các siêu bom tấn của Marvel, vũ trụ Stars War, The Lord of the Rings hay Avatar... Từ bối cảnh cho tới phục trang đều cho thấy sự kỳ công trong quá trình sản xuất. Dune 2 sở hữu các đại cảnh chiến đấu choáng ngợp và đầy tham vọng, không chỉ ở số lượng mà còn ở sự căng thẳng đến nghẹt thở trong từng khung hình.

Câu chuyện viễn tưởng đồ sộ được kể lại bằng những thước phim đầy tính nghệ thuật, được tính toán kỹ và mang tính thẩm mỹ cao. Các cú máy của Greig Fraser biến hóa không ngừng, khi tái hiện quy mô khổng lồ của xứ cát, khi bám sát trận chiến căng thẳng giữa các thế lực. Phép kể chuyện nhiệm màu của điện ảnh khiến khán giả chỉ biết ngây ngất mà chiêm ngưỡng, chìm đắm trong sự hấp dẫn của từng khung hình đậm tính sử thi.

Tác phẩm gây choáng ngợp với những thước phim đẹp mê hoặc.

Câu chuyện đặc sắc

Việc khen ngợi câu chuyện của Dune 2 dường như là thừa thãi, khi tác phẩm được chuyển thể từ một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, vẫn phải dành lời tán dương cho Denis Villeneuve, khi đã có những phát hiện và thay đổi tinh tế, khiến nội dung phim trở nên mới mẻ, hấp dẫn ngay cả với những fan nguyên tác.

Điểm sáng trong câu chuyện là việc nghiên cứu nhân vật kỹ lưỡng, từ đó tâm lý được xây dựng chặt chẽ, thuyết phục. Việc bị thách thức, đặt trong nhiều mối mâu thuẫn giằng xé khiến hành trình phát triển và trưởng thành của nam chính để lại ấn tượng khó phai. Nhân vật Paul Atreides dưới diễn xuất của Timotheé Chalamet hiện lên với đầy xúc cảm nội tâm. Ở vị trí trung tâm câu chuyện, Paul bị đặt trong tình huống phải lên đường tìm kiếm sứ mệnh của bản thân và giành lấy những gì đã mất, mặt khác trở nên khủng hoảng trong mớ phức cảm cứu rỗi (Savior complex).

Nhân vật được coi là đấng cứu thế tiềm năng, nhưng thực tế phải vật lộn với số phận và sự thao túng của kẻ khác. Câu chuyện từ đó khám phá sự nguy hiểm của vị trí lãnh đạo, gánh nặng từ lời tiên tri và cuộc đấu tranh để duy trì cái tôi trước kỳ vọng xã hội, đặt nó trong mối quan hệ với lòng tham và quyền lực để phản ánh hiện thực tàn khốc.

Timotheé Chalamet có những khoảnh khắc xuất thần khi tái hiện chân thực chân dung nhân vật, khám phá đến tận cùng những khía cạnh của cảm xúc trong Paul. Trong khi đó, Zendaya hay Rebecca Ferguson cũng để lại thiện cảm với nhiều khoảnh khắc bộc lộ xúc cảm nội tâm ấn tượng không kém.

Dune 2 quy tụ dàn sao đình đám.

Bên cạnh diễn xuất của dàn sao, không thể không nhắc tới phần âm nhạc hoàn hảo từ Hans Zimmer – yếu tố “nâng tầm” trải nghiệm thưởng thức tác phẩm. Những bản soundtrack được dựng kỳ công, tô đậm sắc thái câu chuyện theo từng thước phim. Nó khiến cho thế giới sử thi của Dune 2 trở nên cực kỳ hùng vỹ, hoành tráng. Mặt khác, những hiệu ứng âm thanh cũng được tái hiện chân thực đến khó tin, từ hiệu ứng gió, bão cát, tiếng động cơ máy móc, bom đạn cho đến các trận cận chiến.

Không ngạc nhiên nếu Dune: Part Two góp mặt tại nhiều hạng mục đề cử của Oscar 2025, trong đó có Best Picture, Best Costume Design và Best Original Score.

Một “hạn chế” nho nhỏ của bộ phim là việc mang đến quá nhiều tuyến nhân vật cùng chuỗi sự kiện, dễ khiến người xem bị “ngợp”, đặc biệt là những ai chưa theo dõi phần tiền truyện. Tuy nhiên, trải nghiệm điện ảnh có một không hai mà Dune: Part Two mang lại sẽ là minh chứng thuyết phục cho việc rạp chiếu không thể bị thay thế bởi những nền tảng phát hành trực tuyến.

"Dune 2 có những khoảnh khắc mang lại cảm giác rất táo bạo, diễn ra như thể chúng đã được tạc vào kinh điển điện ảnh", cây bút Clarisse Loughrey của tờ The Independent nhận xét.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/dune-2-ky-quan-dien-anh-post1462612.html