Đức khẳng định vai trò lãnh đạo châu Âu

Đảo ngược chính sách xuất khẩu vũ khí với Saudi Arabia, thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu trong các vấn đề quốc phòng, an ninh cũng như đối với cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, sẵn sàng tham gia sứ mệnh bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đỏ cùng với Liên minh châu Âu (EU), Đức cho thấy đang có các bước đi hiện thực hóa mục tiêu trong Chiến lược an ninh quốc gia 'có trách nhiệm' đặc biệt đối với hòa bình và an ninh.

Với việc cho phép chuyển giao tên lửa Iris-T và máy bay chiến đấu Eurofighter cho Saudi Arabia, Chính phủ Đức đã đảo ngược các chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí của mình đối với quốc gia Trung Đông dưới thời nữ Thủ tướng Angela Merkel được áp dụng từ tháng 10-2018. Đức hạn chế xuất khẩu sang Saudi Arabia nhằm đáp lại vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul và sự can dự của nước này vào cuộc chiến ở Yemen.

Sự thay đổi chính sách này của Đức được cho là do Saudi Arabia đã và đang đóng góp đáng kể cho an ninh của Israel, từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng khắp khu vực, từ sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10 năm ngoái. Liên minh trung tả cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã thay đổi lập trường trong vấn đề này, dù Thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh năm 2021 nêu rõ Đức sẽ không phê duyệt việc chuyển giao vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Yemen. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, Đức khó có thể bỏ qua một thị trường khổng lồ cho thiết bị quân sự như Saudi Arabia. Chỉ riêng năm 2022, quốc gia này đã chi khoảng 75 tỷ USD (68,5 tỷ euro) cho vũ khí.

Với việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia, Đức tiếp tục củng cố vị trí trong nhóm những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) xếp hạng. Mặc dù giữ vị trí thứ 5, nhưng Đức vẫn bị coi là do dự khi xuất khẩu trang thiết bị, vũ khí sang các nước ngoài NATO và nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ lịch sử. Tội ác của phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai luôn được coi là lý do cho sự do dự này. Người phát ngôn chính sách quốc phòng của nhóm nghị sĩ thuộc Đảng Xanh trong Quốc hội liên bang Sara Nanni nói rằng: “Đó không chỉ là trách nhiệm lịch sử của chúng tôi mà còn là sự thấu hiểu của nước Đức về những thiệt hại do chiến tranh và bạo lực gây ra”.

Lữ đoàn của Đức dự kiến triển khai tại Lithuania nếu đi vào hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2027 theo kế hoạch sẽ có quân số khoảng 4.800 người (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters

Nhưng trên thực tế, xuất khẩu vũ khí của Đức đã đạt mức kỷ lục mới trong năm 2023. Số liệu của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho thấy, năm 2023, chính phủ nước này đã phê duyệt các đơn hàng xuất khẩu vũ khí trị giá kỷ lục-hơn 11,7 tỷ euro (12,9 tỷ USD), tăng 40% so với năm 2022.

Đối với cuộc xung đột ở Ukraine, Đức đang cho thấy là quốc gia đi đầu tại châu Âu trong nỗ lực hỗ trợ nước này, cụ thể là viện trợ quân sự. Thủ tướng Scholz thậm chí đã chỉ trích một số đối tác châu Âu cung cấp rất ít viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo Politico, Thủ tướng Scholz muốn gây thêm áp lực lên các đối tác châu Âu liên quan đến viện trợ cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 1-2 tới. Sau Mỹ, Đức là quốc gia tài trợ lớn thứ hai cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài với Nga. Các công ty Đức đang tích cực cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine, thậm chí công ty vũ khí lớn nhất của Đức Rheinmetall muốn mở nhà máy sản xuất xe bọc thép ngay tại Ukraine vào mùa hè tới.

Đức đồng thời có những động thái gây chú ý thể hiện vai trò trong bảo đảm quốc phòng, an ninh ở châu Âu khi đã tiến một bước trong việc bảo vệ quân đồng minh, với cam kết sẽ triển khai lâu dài một lữ đoàn chiến đấu của Đức ở Lithuania trong khuôn khổ lực lượng của NATO trong vòng hai năm tới. Nếu kế hoạch được thực thi, đây sẽ là đợt triển khai thường trực đầu tiên của binh lính Đức ra nước ngoài kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngoài ra cũng phải kể tới động thái gần đây của Đức khẳng định Berlin sẵn sàng tham gia sứ mệnh bảo vệ an ninh trên Biển Đỏ cùng với EU chống lại các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

Trong nỗ lực khẳng định vai trò lãnh đạo châu Âu của nền kinh tế đầu tàu ở “lục địa già”, Berlin phải thể hiện nhiều hơn nữa, nhất là trong bối cảnh môi trường an ninh có nhiều thay đổi. Việc trở thành một nhà viện trợ mạnh mẽ hay một nhà đàm phán có năng lực ở hậu trường tại các hội nghị thượng đỉnh của Đức bị coi là chưa đủ.

MAI NGUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/duc-khang-dinh-vai-tro-lanh-dao-chau-au-761681