Đức đóng cửa một nửa trong số 6 nhà máy điện hạt nhân còn lại

Hôm thứ Sáu (31/12), Đức đã đóng cửa một nửa trong số 6 nhà máy điện hạt nhân mà nước này vẫn đang hoạt động. Và chỉ trong một năm tới, quốc gia này sẽ kết thúc hoàn toàn việc sử dụng năng lượng nguyên tử.

Quyết định loại bỏ điện hạt nhân và chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo của Đức lần đầu tiên được đưa ra bởi chính phủ của cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder vào năm 2002.

Người kế nhiệm ông, bà Angela Merkel, đã điều chỉnh kế hoạch khi kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân, bất chấp thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản và đặt năm 2022 là thời hạn cuối cùng để đóng cửa tất cả các nhà máy điện này.

Đức sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022. Ảnh: DW

Ba lò phản ứng hạt nhân vừa bị đóng cửa từng bắt đầu được sử dụng vào giữa những năm 1980. Chúng đã cùng nhau cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình Đức trong gần 4 thập kỷ qua.

Một trong những nhà máy - Brokdorf, nằm cách Hamburg 40 km về phía tây bắc trên sông Elbe - từng trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình chống hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Liên Xô cũ.

Hai nhà máy còn lại là Grohnde, cách Hannover 40 km về phía nam và Gundremmingen, cách Munich 80 km (50 dặm) về phía tây.

Một số người ở Đức đã kêu gọi xem xét lại quyết định về việc chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vì các nhà máy điện đã đi vào hoạt động tạo ra tương đối ít khí cacbonic. Những người ủng hộ năng lượng nguyên tử cho rằng nó có thể giúp Đức đạt được các mục tiêu khí hậu để giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng chính phủ Đức cho biết việc ngừng hoạt động tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm tới và sau đó loại bỏ dần việc sử dụng than vào năm 2030 sẽ không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước hoặc ảnh hưởng tới việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu đạt mục tiêu “trung hòa khí hậu” vào năm 2045.

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck cho biết: “Bằng cách đẩy mạnh năng lượng tái tạo, chúng ta có thể chứng minh rằng mục tiêu này có thể thực hiện được ở Đức”.

Theo Viện Fraunhofer, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp gần 46% sản lượng điện ở Đức vào năm 2021. Than đá chiếm hơn 41%, trong khi điện hạt nhân cung cấp hơn 13%.

Một số nước láng giềng của Đức đã chấm dứt năng lượng hạt nhân hoặc công bố kế hoạch như vậy, song những nước khác vẫn tiếp tục với công nghệ này. Điều này làm dấy lên lo ngại về rạn nứt hạt nhân ở châu Âu, với việc Pháp lên kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới, còn Đức chọn khí tự nhiên làm “cầu nối” trong việc chuyển giao.

Ba nhà máy hạt nhân còn lại của Đức - Emsland, Isar và Neckarwestheim - sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2022.

Về vấn đề một số công việc sẽ bị mất, công ty RWE cho biết hơn 2/3 trong số 600 công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen của họ sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động sau khi ngừng hoạt động cho đến những năm 2030. Các công ty điện hạt nhân của Đức sẽ nhận được gần 3 tỷ USD cho việc đóng cửa sớm các nhà máy.

Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke đã bác bỏ đề xuất về một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới. Bà nói trong tuần này rằng: “Các nhà máy điện hạt nhân vẫn là những cơ sở có nguy cơ cao tạo ra chất thải nguyên tử có tính phóng xạ cao.

Quyết định cuối cùng về nơi lưu trữ chất thải hạt nhân của Đức vẫn chưa được đưa ra. Các chuyên gia cho biết một số vật chất sẽ vẫn còn phóng xạ nguy hiểm trong 35.000 năm!

Hoàng Huy (theo ABC News)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duc-dong-cua-mot-nua-trong-so-6-nha-may-dien-hat-nhan-con-lai-post175414.html