Đức cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Gruenau (Đức). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Đức đang có chiều hướng bùng phát mạnh trở lại khi số ca nhiễm mới gia tăng hằng ngày, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach ngày 14/10 đã khởi động chiến dịch kêu gọi người dân đi tiêm chủng vắc xin mũi thứ 4 (mũi tăng cường thứ 2) nhằm giảm số người lây nhiễm cũng như các trường hợp bệnh trở nặng trong mùa thu và mùa đông.

Với khẩu hiệu "Tôi tự bảo vệ mình", Bộ trưởng Lauterbach đã khởi động chiến dịch tiêm chủng mới khi nhận định việc tiêm chủng và phòng ngừa dịch bệnh hiện nay đang chưa được thực hiện một cách tốt nhất - điều dẫn tới số ca mắc bệnh tăng nhanh trên cả nước và số ca tử vong cũng gia tăng trong khi nhiều bệnh viện cảnh báo nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải.

Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang quay trở lại, bởi chúng chưa thực sự kết thúc, đồng thời kêu gọi các bang sớm có thêm các quy định về việc đeo khẩu trang trong không gian kín. Theo ông, các loại vắc xin mới, thuốc men cho người bệnh cũng như dữ liệu chính xác hơn chính là công cụ để kiểm soát đại dịch vào mùa thu và mùa đông này.

Tuyên bố của ông Lauterbach được đưa ra khi riêng trong ngày 13/10 trên cả nước Đức đã ghi nhận gần 114.200 ca nhiễm mới, thậm chí ngày trước đó còn ghi nhận trên 145.200 ca nhiễm mới và tỉ lệ mắc bệnh trong bảy ngày có chiều hướng liên tục tăng lên.

Đây là con số chính thức được báo cáo lên các sở y tế, trong khi khả năng nhiều trường hợp lây nhiễm không báo cáo cho cơ quan chức năng. Bộ trưởng Lauterbach cho rằng, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp ba lần so với con số chính thức hiện nay.

Nhiều trường hợp mắc COVID-19 cũng sẽ có hội chứng COVID kéo dài, tuy nhiên những trường hợp qua đời khoảng sáu tháng sau khi mắc bệnh không được đưa vào con sô thống kê do mắc COVID-19. Theo ông, cũng cần tính số trường hợp này vào tổng số ca tử vong do COVID-19, bởi nếu họ không mắc bệnh thì có thể họ chưa qua đời.

Tính đến ngày 14/10, tỉ lệ tiêm chủng ở Đức đạt trên 76%, trong đó số người tiêm cơ bản hai mũi đạt 76%, số người tiêm một mũi tăng cường đạt 62% và hai mũi tăng cường chỉ đạt 10,5%. Tuy nhiên, vẫn còn trên 22% dân số chưa tiêm chủng. Với phần lớn dân chúng đã tiêm chủng ngừa COVID-19, việc bảo vệ cơ thể trước đại dịch đã tốt hơn.

Theo một nghiên cứu với 25.000 trường hợp về khả năng miễn dịch, tỉ lệ tiêm chủng và các lần lây nhiễm, có tới 19 trong số 20 người ở Đức đã phát triển khả năng miễn dịch cơ bản chống lại virus SARS-CoV-2, dù là thông qua tiêm chủng hay từng mắc bệnh.

Nghiên cứu được chính phủ Đức tài trợ cho thấy 95% dân số có kháng thể chống lại virus, trong khi ở hầu hết các nhóm tuổi, đa số có khả năng bảo vệ cơ thể từ trung bình đến mức cao trước nguy cơ bệnh trở nặng.

Trong khi đó, ngày 13/10, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ có thể chấm dứt đại dịch COVID-19 nếu số ca bệnh không tăng đột biến từ nay đến tháng 2/2023. Phát biểu tại sự kiện “Thảo luận Y tế G20", Bộ trưởng Budi bày tỏ hy vọng các quy trình y tế và chương trình tiêm chủng hiện tại sẽ được duy trì và đại dịch sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần tại Indonesia.

Theo ông, nếu số ca mắc mới tiếp tục giảm trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, Indonesia sẽ không ghi nhận đợt bùng phát nào trong suốt 12 tháng.

Indonesia công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19, tính đến ngày 13/10, quốc gia này đã ghi nhận 6.452.078 ca mắc, trong đó có 158.263 ca tử vong.

Trong diễn biến khác, hãng Fujifilm (Nhật Bản) ngày 14/10 thông báo dừng phát triển thuốc kháng virus để điều trị COVID-19 mang tên Avigan do không thể xác nhận hiệu quả của thuốc trong thử nghiệm lâm sàng.

Thuốc Avigan, ban đầu được bào chế như một loại thuốc trị cúm, đã nổi lên như một liệu pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19 trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát. Hãng sản xuất camera và thiết bị y tế Fujifilm đã đệ đơn xin cấp phép lên Chính phủ Nhật Bản vào tháng 10/2020.

Tuy nhiên, một ủy ban chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật Bản không phê chuẩn thuốc này do khó có thể xác nhận hiệu quả của thuốc dựa trên các dữ liệu hiện có. Trong một tuyên bố, Fujifilm cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 dường như ít biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Cho đến nay, Nhật Bản đã phê duyệt việc sử dụng một số loại thuốc điều trị COVID-19, trong đó có Molnupiravir của Merck và Remdesivir của Gilead Sciences. Cả hai công ty này đều có trụ sở ở Mỹ.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/288101/duc-canh-bao-nguy-co-dai-dich-covid-19-bung-phat-manh-tro-lai.html