Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Trò chơi dân gian, với sự đa dạng, tính tương tác cao đã được ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội đưa vào trường học. Đây không chỉ là bước đổi mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô mà còn là cơ hội để học sinh kết nối với di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thêm sân chơi mới

Giờ ra chơi, thay vì nô đùa trên sân trường, nhiều học sinh các khối lớp của Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) lại quây quần tham gia các trò chơi dân gian theo từng nhóm. Khá nhiều trò chơi diễn ra trong khuôn viên nhà trường như: Nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan, cờ caro... Tiếng nói, tiếng cười rộn rã khắp nơi, gương mặt các em đều toát lên sự vui tươi, phấn khởi. Hào hứng tham gia thi đấu ô ăn quan, em Nguyễn Trúc Linh, học sinh Lớp 8A1 cho biết, ngoài các trò chơi dân gian, nhiều bạn còn tham gia học nghề thủ công như đan tre, làm gốm, làm kẹo truyền thống. Học sinh không chỉ học được nhiều kỹ năng hữu ích mà còn gắn kết tình bạn hơn.

Học sinh Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) chơi cờ caro.

Để khuyến khích học sinh tham gia sân chơi lành mạnh, ngay tuần đầu tháng 1-2024, Trường THCS Chương Dương đã tổ chức Hội thi trò chơi dân gian năm 2024 với sự tham gia của 1.050 học sinh toàn trường. Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Do khuôn viên chật hẹp nên các trò chơi vận động khó có thể tiến hành thường xuyên với quy mô toàn trường. Nhà trường đã nghiên cứu lựa chọn một số trò chơi phù hợp thực tế và điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để triển khai đồng loạt. Học sinh chủ động rủ nhau chơi các trò chơi dân gian một cách rất vui vẻ, say mê. Qua đó, các em có thêm tình yêu với văn hóa dân tộc, có thói quen vui chơi lành mạnh, xa dần điện tử và các hoạt động không có giá trị giáo dục trên mạng xã hội. Các trò chơi giúp học sinh có tinh thần phấn chấn và sức khỏe tốt để học tập hiệu quả”.

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học ở Hà Nội đã tạo ra sân chơi mới và môi trường học tập không chỉ ở trong lớp học mà còn ở ngoài trời. Điều này vừa tăng cường sự gần gũi giữa học sinh và văn hóa dân gian, vừa thúc đẩy tinh thần đoàn kết và tương tác xã hội trong cộng đồng học đường.

Vừa học vừa chơi

Thực hiện Kế hoạch số 3511/KH-SGDĐT ngày 27-9-2023 của Sở GD-ĐT TP Hà Nội về việc tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, nhiều trường học đã triển khai các hoạt động giáo dục tích cực, tạo cho học sinh những trải nghiệm vừa học vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh.

Hầu hết trò chơi dân gian diễn ra ngoài trời, kết nối các em với thiên nhiên và tạo cơ hội cho việc tương tác với môi trường tự nhiên. Điều này giúp học sinh hiểu sâu hơn về thiên nhiên, thúc đẩy tình yêu, sự tôn trọng đối với môi trường. Tham gia các trò chơi dân gian, học sinh không chỉ rèn luyện thể chất mà còn được thư giãn, tăng cường sức khỏe đôi mắt, sự linh hoạt và năng động thông qua hoạt động thể lực. Tất cả điều này không chỉ giúp các em phát triển về mặt thể chất, sự khéo léo mà còn tạo ra môi trường hòa đồng, thân thiện, kích thích tinh thần đoàn kết. Cô giáo Đào Thị Thái, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) cho rằng, ưu thế của trò chơi dân gian chính là phù hợp với tất cả những ai muốn chơi, mọi trẻ đều bình đẳng. Đội ngũ giáo viên trong quá trình đưa trò chơi dân gian vào trường học đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn trò chơi phù hợp, đánh giá tác dụng giáo dục của các trò chơi đối với sự phát triển của lứa tuổi. Hầu hết trẻ đều rất hứng thú khi được tham gia trò chơi dân gian.

Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi nên tính khả thi cao. Trong các tiết học thể dục của học sinh tiểu học, THCS, giáo viên đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép trò chơi dân gian để học sinh trải nghiệm, tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, hạn chế sự đơn điệu cho các tiết học.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), hầu như mọi hoạt động ngoại khóa đều có bóng dáng của các trò chơi dân gian được học sinh yêu thích như: Chân thấp chân cao, vượt sông, nhảy lò cò, cướp cờ, nhảy bao bố... Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho rằng, trò chơi dân gian không đơn thuần là trò chơi của con trẻ mà còn chứa đựng nền văn hóa dân tộc độc đáo. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh giúp các em sống vô tư, hồn nhiên hơn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Đến nay, hầu hết trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa; tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào tiết sinh hoạt, giờ thể dục... Tuy nhiên, để chương trình này phát huy hiệu quả, việc tích hợp trò chơi dân gian vào giáo án cần được thực hiện một cách chặt chẽ và hệ thống. Đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các giáo viên hướng dẫn học sinh cách chơi và ý nghĩa văn hóa sâu sắc ẩn chứa trong từng trò chơi.

Trò chơi dân gian không chỉ là những trò vui chơi mà còn là sự kết nối thế hệ, là nền tảng vững chắc để học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc và truyền thống văn hóa đất nước mình; góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dua-tro-choi-dan-gian-vao-truong-hoc-761191