Dừa sẽ lọt vào top xuất khẩu 'tỷ đô'?

Thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường 'đón nhận' trái dừa sọ của Việt Nam đang mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho trái dừa.

Trái dừa nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu.

APHIS cho biết, kết quả đánh giá cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Điều này có nghĩa là thay vì phải trải qua quy trình pháp lý tiếp cận thị trường mới và lâu dài đối với trái cây và rau quả tươi, APHIS đã tận dụng các quy định hiện hành đối với các sản phẩm đã qua chế biến để điều chỉnh các lô hàng dừa sọ. APHIS cũng đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.

Theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ, do APHIS phân loại quả dừa đã bỏ vỏ được coi là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm. Cùi và nước dừa bên trong có thể dùng làm thức ăn, nên yêu cầu các lô hàng hóa này phải được kiểm tra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ.

Không chỉ Mỹ, theo kế hoạch Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ sang kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi ở nước ta có nhu cầu xuất khẩu chính ngạch. Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu; quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu…

Việc kiểm tra sẽ giúp Trung Quốc đánh giá được chi tiết về hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng dừa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo xuất khẩu dừa an toàn và hiệu quả hơn. Qua đó nâng cao tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn của dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần thúc đẩy ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi giữa hai nước...

Việt Nam thuộc top 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000ha đất nông nghiệp trồng dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ tư khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và việc Mỹ mở cửa cho trái dừa Việt sang thị trường này sẽ mở cơ hội để trái dừa lọt vào top xuất khẩu “tỷ đô”.

Nhiều tỉnh thành hiện đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, tại Bến Tre, hiện có trên 15.000ha dừa uống nước, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trên 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi uống nước. Trong đó, Công ty TNHH XNK trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dừa uống nước trên nhiều quốc gia, từng có xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tính đến nay cả nước đã có hơn 7.000ha dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa - quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam (VCA) hiện ngành dừa đã phát triển khoảng 200 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm giá trị cao xuất khẩu được đến những thị trường khó tính từ đó khẳng định được thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dua-se-lot-vao-top-xuat-khau-ty-do-5726534.html