Đưa sách đến với bộ đội biên phòng và học sinh miền biển

CBCS Đồn Biên phòng An Hải đọc sách tại buổi giao lưu. Ảnh: THIÊN LÝ

Khởi động lại sau quãng thời gian tạm dừng bởi đại dịch COVID-19, Thư viện tỉnh tiếp tục tổ chức phục vụ sách lưu động ở nhiều điểm trên địa bàn tỉnh. Qua đó khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khám phá những chân trời tri thức mới cho độc giả, nhất là cán bộ chiến sĩ (CBCS) biên phòng và các em học sinh ở khu vực biên giới biển.

Tại Đồn Biên phòng An Hải (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) trong buổi giao lưu, tặng sách, phục vụ sách của Thư viện tỉnh cho CBCS của đơn vị này và học sinh Trường tiểu học và THCS An Hải, bạn đọc là những chiến sĩ mang quân hàm xanh và các em học sinh rất hào hứng khi tìm hiểu những gian sách được trưng bày đẹp mắt, được đọc những cuốn sách hay, bổ ích.

Tiếp cận thế giới tri thức mới

Đây là dịp để CBCS và học sinh được khám phá thư viện thu nhỏ thông qua xe thư viện lưu động với 500 đầu sách về pháp luật, biển đảo, văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi... Trong buổi giao lưu, không chỉ được nghe cán bộ Thư viện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu sách và hướng dẫn kỹ năng đọc sách hiệu quả, CBCS và các em học sinh còn được tham gia các hoạt động giao lưu về việc đọc sách. Đó là, tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến cuốn sách đã giới thiệu hoặc về những kiến thức liên quan đến những điều đã được học và đọc từ sách báo... Từ đó tạo hứng thú trong việc tìm hiểu tài liệu sách báo và rèn luyện thói quen, niềm say mê đọc sách.

Em Trương Ngọc Tín, học sinh lớp 7B, Trường tiểu học và THCS An Hải, chia sẻ: “Em rất vui khi có cơ hội được đọc nhiều sách do Thư viện tỉnh và Đồn Biên phòng An Hải tổ chức. Em mong muốn sẽ có nhiều chương trình như thế này để em và các bạn có dịp được tiếp cận nhiều sách mới, đặc biệt là các cuốn sách giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Cụ Hồ, biển đảo quê hương...”.

Cùng lớp với Ngọc Tín, em Trần Nguyễn Hoa Tiên vui vẻ nói: “Em rất thích tìm hiểu về trái đất, mặt trời và các vì sao. Vì vậy, khi đọc được cuốn sách 10 vạn câu hỏi về những bí ẩn của thế giới tại buổi giao lưu, em thấy những câu chuyện thiên văn học ấy rất thú vị. Để lưu lại những điều thú vị đó, em đã ghi chép các câu hỏi và câu trả lời vào vở một cách cẩn thận”.

Còn đối với trung úy Phạm Hồng Quyền, Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng An Hải, đọc sách không chỉ là thói quen, đam mê từ thời cắp sách đến trường mà vì nó thực sự cần thiết, bổ sung kiến thức tổng hợp, nhất là kiến thức chuyên môn cho một người chiến sĩ trong quân đội. “Mỗi cuốn sách đối với tôi như là người bạn dẫn dắt, đồng hành đến những chân trời mới. Sách đã giúp tôi biết yêu thương, quan tâm đến người khác; nuôi dưỡng tâm hồn, những ước mơ, hoài bão và luôn hướng về những điều tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống. Vì thế, bản thân của chúng ta, đặc biệt là các em học sinh cần đọc sách nhiều hơn, nhất là trong thời đại bùng nổ các phương tiện công nghệ thông tin, các loại hình giải trí như hiện nay”, trung úy Quyền bày tỏ.

Phát triển văn hóa đọc

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục vụ sách của Thư viện tỉnh. Vì vậy, khi xe thư viện lưu động về điểm phục vụ, không chỉ riêng những người lính biên phòng mà các em học sinh cũng rất thích. Chương trình là mô hình thư viện mở, cánh tay nối dài đưa sách đến gần độc giả hơn; giúp các CBCS và học sinh ở khu vực biên giới biển này tiếp cận được nhiều sách hơn và có những trải nghiệm thú vị từ sách. Đồng thời, đây là một trong những hoạt động khởi động cho Hội sách tỉnh Phú Yên lần thứ V-2022, hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 21/4.

Theo bà Lê Thị Hồng Nguyệt, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, chương trình nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai bên để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Phối hợp nhằm nâng cao hoạt động VH-TT-DL và gia đình trên tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2017-2022; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, phục vụ sách về “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, về chủ quyền biển đảo, gia đình... nhằm mang ánh sáng tri thức đến với CBCS, người dân và các em học sinh khu vực biên giới biển; duy trì và phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CBCS, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời cho mỗi cá nhân.

Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải, nhìn nhận: “Chương trình giao lưu, tặng sách, đọc sách là một hoạt động đầy ý nghĩa, bổ ích, lành mạnh góp phần tôn vinh văn hóa đọc; mang đến trải nghiệm mới từ việc đọc sách, tiếp cận tri thức cho CBCS của đơn vị và các em học sinh để từ đó nâng cao văn hóa đọc tới cộng đồng, làm giàu thêm tri thức từ sách. Đồng thời đây cũng là nguồn tài liệu phong phú và bổ ích để CBCS áp dụng trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xã hội cho người dân khu vực biên giới biển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”.

Không chỉ giúp phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CBCS biên phòng và học sinh trên địa bàn, chương trình này còn thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa hai đơn vị Đồn Biên phòng An Hải và Thư viện tỉnh. “Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức chương trình về các đồn biên phòng, trường học, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa phục vụ miễn phí nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, thưởng thức nhiều sách hay, sách đẹp, góp phần bồi dưỡng văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách cho mọi người. Qua đó góp phần hoàn thành kế hoạch của UBND tỉnh và của Sở VH-TT-DL về triển khai thực hiện các đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh…”, bà Nguyệt thông tin thêm.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/274446/dua-sach-den-voi-bo-doi-bien-phong-va-hoc-sinh-mien-bien.html