Đưa ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện: Cân bằng lợi ích đại cục

Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong số các ngành nghề được đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.

Việc đưa ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm mục tiêu tổng hòa lợi ích chung. Ảnh: Nguyễn Hà.

Đây là một vấn đề đang có nhiều ý kiến tranh luận. Một cuộc tọa đàm về nội dung này đã được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức (ngày 16-11-2016) với sự tham gia của ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại điện đơn vị soạn thảo luật; Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH), đại diện đơn vị thẩm tra dự án luật của Bộ KH&ĐT; Ông Lâm Chí Quang - Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Tổng hội Cơ khí Việt Nam. Báo Hải quan lược ghi nội dung buổi tọa đàm.

Thưa Thứ trưởng Đặng Huy Đông, đứng ở góc độ tiếp cận nào mà Bộ KH&ĐT quyết định đưa ngành nghề kinh doanh ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Ông Đặng Huy Đông: Trước khi quyết định trình Chính phủ đưa ô tô vào trong danh mục kinh doanh có điều kiện, chúng tôi cũng đã lắng nghe đa chiều, xét trên các góc độ lợi ích khác nhau. Chúng tôi đã lượng hóa ra được và có phân tích tác động, theo đó chia ra 3 nhóm lợi ích: 1 - Nhóm lợi ích tiêu dùng có 5 lợi ích, 2 – Nhóm nhà sản xuất, lắp ráp, DN nói chung có 4 lợi ích. Đặc biệt là lợi ích quốc gia chúng tôi tính có tới 8 lợi ích. Như vậy tổng hòa là có 17 lợi ích khác nhau. Trong khi đó những tiếng nói về khía cạnh tiêu cực chúng tôi cũng tính đến, cụ thể có 3 điểm chưa được tích cực. Và đề xuất của chúng tôi đi theo tổng hòa lợi ích chung của quốc gia.

Báo cáo thẩm tra dự án luật của UBKTQH đã nhìn nhận dự án luật của Bộ KH&ĐT trình như thế nào, thưa ông Nguyễn Đức Kiên?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Cơ quan chủ trì thẩm tra của QH là UBKT đã họp với Bộ KH&ĐT 3 phiên rất căng thẳng. Vấn đề mà chúng tôi đặt ra trong nội dung báo cáo thẩm tra trình ra QH của kỳ họp thứ 2 khóa XIV là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương IV khóa XII về phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2020. Tùy theo điều kiện vẫn phải giữ sự phát triển theo chiều rộng, nhưng ưu tiên chiều sâu. Ngành nghề sản xuất ô tô khi đưa lên bàn cân thấy có nhiều tiềm năng để phát triển theo chiều sâu, do đó các cơ quan thẩm tra thiên về phía ủng hộ.

Chúng ta siết chặt quy định như vậy, “sân chơi” liệu sẽ chỉ còn dành cho những “ông lớn”, chứ không có chỗ cho DN nhỏ và vừa?

Ông Lâm Chí Quang: Ở đây chúng ta không nên chia ra chiến tuyến NK và sản xuất vì có những DN vừa NK vừa sản xuất ô tô tại Việt Nam, ngược lại có những DN chỉ NK không sản xuất, họ được ủy quyền chính hãng. Do đó điều kiện này Chính phủ đưa là công bằng và chung cho tất cả. Phải đứng trên quan điểm lợi ích tổng thể, quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, quan điểm bảo vệ nền công nghiệp ô tô (CN) phát triển theo chiều sâu.

Vậy chúng ta đang tạo ra một môi trường kinh doanh không cân sức như ý kiến của một số DN, hay là chúng ta đang giữ một thị trường có sự sàng lọc cần thiết trong một thị trường đặc biệt là thị trường ô tô?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Ở đây vấn đề lớn nhất dẫn đến các DN NK nhỏ có phản ứng đối với những chính sách mới là do họ vẫn sợ Thông tư 20/2011/TT-BCT (TT20), họ nghĩ TT 20 sẽ là rào cản để hạn chế kinh doanh. Nhưng khi có Hiến pháp 2013 thì chúng ta làm luật để tạo ra sân chơi bình đẳng với điều kiện kỹ thuật cao hơn. Tất cả các DN khi vào trong sân chơi của lĩnh vực này đều phải có điều kiện tiên quyết, bắt buộc cần phải đáp ứng.

Ông Lâm Chí Quang: Không nên chia lợi ích DN lớn hay nhỏ. Ở Việt Nam có khoảng 46 nhãn hiệu ô tô được ủy quyền chính hãng, trong đó được sản xuất tại Việt Nam có khoảng 20 nhà sản xuất. Như vậy các nhà NK chính hãng khác là DN nhỏ và rất nhỏ. Vậy không đặt ra vấn đề nhỏ hay không nhỏ, mà tất cả đều được đặt chung trên một mặt bằng, nếu DN nào đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thì vẫn được quyền kinh doanh.

Trong suốt thời gian có hiệu lực của TT 20, về cơ bản thị trường vẫn hoạt động tốt, tại sao thời điểm này họ lại phản ứng dữ dội vậy?

Ông Đặng Huy Đông: Đây là nơi chúng ta tạo sân chơi bình đẳng. Hà cớ gì 95% doanh nghiệp trong lĩnh vực này đồng tình chấp nhận điều kiện và chỉ còn khoảng 5% (theo số liệu chúng tôi đã lượng hóa) không đồng tình. Điều kiện khác với việc cấm. Điều kiện có nghĩa là tất cả mặt bằng chung phải bằng, ai đáp ứng được thì cùng làm.

Chúng ta nên nghĩ thế nào khi “thiết kế” luật cho dân, nhưng một số người tiêu dùng không đồng tình?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Điều kiện đăng ký kinh doanh trong sản xuất, lắp ráp ô tô thực ra không phải quy định gì gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ảnh hưởng đến người sản xuất. Ở đây chính là vì quyền lợi của người tiêu dùng, nên chúng ta phải đặt ra điều kiện kinh doanh, để các DN phải tuân thủ những yêu cầu chất lượng, chứ chúng ta không hạn chế các công dân tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp ô tô.

Năm 2014, chúng ta có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khi đó không có ngành nghề Kinh doanh ô tô. Mặt khác TT 20 hết từ 1-7-2016 như vậy chúng ta đang có khoảng trống pháp lý và dự kiến kéo dài 6 tháng, như vậy liệu có ảnh hưởng tới hoạt động NK ô tô không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Thực tế không có khoảng trống pháp lý. Chúng ta hay dùng những từ quá học thuật dẫn đến gây hiểu lầm. Khi Luật Đầu tư ra đời, từ khoảng gần 6.000 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ KH&ĐT rút xuống chỉ còn gần 300 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đó không đưa ô tô vào danh mục này vì nhận thức là quá trình, thời điểm đó các bên Bộ Công Thương và ngay nội bộ Bộ KH&ĐT không chứng minh được ngành sản xuất lắp ráp ô tô là ngành có tương lai, khi chúng ta thực hiện đầu tư theo chiều sâu mà hạn chế đầu tư theo chiều rộng. Chính vì vậy, thời điểm đó chúng ta không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội. Chúng ta cần khẳng định việc đưa ngành sản xuất, lắp láp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là Đảng và Nhà nước đang tạo điều kiện cơ hội cuối cùng cho các nhà sản xuất công nghiệp, sản xuất cơ khí muốn tham gia vào lĩnh vực đầu tư chiều sâu về phát triển kinh tế đất nước. Ngược lại, khi chúng ta không đưa vào được nữa, thì năm 2018 với tất cả những cam kết mà chúng ta đã có, TPP đi vào hoạt động, thì chúng ta không còn cơ hội để hỗ trợ cho các DN Việt sản xuất ra hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Những đơn vị đề xuất đưa ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm UBND tỉnh Quảng Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA). Cụ thể VAMA có quan điểm thế nào?

Ông Lâm Chí Quang: Khi mà nhận được tín hiệu từ Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị QH đưa ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì 46 nhãn hiệu hàng hóa kể cả nhà NK, nhà sản xuất đều ủng hộ. Thực tế cộng đồng các nhà sản xuất ô tô chính hãng đều ủng hộ.

Ông Đặng Huy Đông: Chúng tôi khẳng định không có quan điểm cục bộ và nhóm lợi ích về mọi phương diện, trong đó có cả phương diện địa phương. Chúng tôi làm chính sách trên lợi ích quốc gia. Thứ nhất, đây là ngành công nghiệp của quốc gia, việc lựa chọn Quảng Nam và Vĩnh Phúc là do lựa chọn chủ quan của các DN sản xuất ô tô từ trước đó, đơn giản đóng trên địa bàn. Nguyên tắc của công nghiệp phải phát triển theo cụm liên kết ngành để tạo hiệu quả kinh doanh. Thuế thu ở hai địa bàn này cũng để đóng cho ngân sách Nhà nước. Do vậy chúng ta nên bỏ qua khái niệm lợi ích nhóm.

Khi đưa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ KH&ĐT xuất phát từ quan điểm phục vụ cho Chiến lược phát triển của ngành CN ô tô trong nước. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng ngành ô tô được hỗ trợ rồi nhưng chưa phát triển, tại sao lại tiếp tục đặt ra vấn đề tạo điều kiện?

Ông Đặng Huy Đông: Nói về chiến lược phát triển ngành CN ô tô, thì trách nhiệm của Chính phủ là phải triển khai thực hiện. Còn giai đoạn nào đó, thời điểm nào đó mà chúng ta thực hiện chưa được thì phải tiếp tục làm. Không vì cái chưa làm được mà không làm. Hiện nay của chúng ta đã đạtthu nhập bình quân 2000 USD/người, thêm nữa một quốc gia 100 triệu dân trong tương lai, một quy mô thị trường lớn như vậy thì không thể bỏ qua được.

Ông Nguyễn Đức Kiên: Bất cứ quốc gia nào cũng phải bảo vệ lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình, chứ không thể nào nhắm mắt mà buông thị trường. Buông thị trường của mình ra, tức là các DN bị mất lợi thế cạnh tranh.

Ông Đặng Huy Đông: Tôi không thích vấn đề bảo hộ và tự do, từ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dùng rất chính xác bản chất vấn đề: “Phòng vệ chính đáng”. Rất nhiều DN đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay chỉ cần có cơ hội cạnh tranh bình đẳng. Chúng ta không khuyến khích thị trường dễ dãi, theo kiểu củ khoai, củ sắn, như vậy sẽ tự bóp chết nền kinh tế. Chúng tôi muốn tạo thị trường khắt khe mà DN chúng ta vươn tới để đạt được thì khi đó mới có thể có sản phẩm người Việt dùng được cho người Việt.

Nguyễn Hà (lược ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dua-o-to-vao-danh-muc-kinh-doanh-co-dieu-kien-can-bang-loi-ich-dai-cuc.aspx